Cuộc sống người dân vùng quy hoạch 2 nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận bây giờ ra sao?

Quang Đăng Thứ tư, ngày 05/10/2022 05:31 AM (GMT+7)
HĐND tỉnh Ninh Thuận đã thông qua Nghị quyết về đầu tư nâng cấp các công trình thiết yếu nhằm khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất và từng bước nâng cao đời sống nhân dân khu vực quy hoạch thực hiện dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2.
Bình luận 0

Một ngày đầu tháng 10/2022, PV Dân Việt tìm về thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải,  gặp lúc người dân đang tất bật chọn giống để chuẩn bị cho vụ tỏi duy nhất trong năm và cũng là nơi nông dân trồng tỏi lớn nhất tỉnh Ninh Thuận. Thôn Thái An cũng là vùng đất được quy hoạch để xây dựng nhà điện hạt nhân Ninh Thuận 2 nổi tiếng khắp cả nước.

Sống âu lo trong vùng quy hoạch 

Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ giữa trời trưa nắng, vợ chồng ông Nguyễn Trung Kỳ (64 tuổi) cùng vợ là bà Võ Thị Phiên lắc đầu ngao ngán khi nhắc đến việc quy hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở địa phương.

Ninh Thuận: Gần 300 tỷ đồng xây dựng các công trình thiết yếu tại khu vực quy hoạch 2 nhà máy điện hạt nhân - Ảnh 1.

Người dân Thôn Thái An bị hạn chế quyền lợi khi sống trong vùng quy hoạch hơn 10 năm qua. (Ảnh: Đức Cường)

Ông Kỳ cho biết, suốt 10 năm qua người dân ở Thái An vẫn sống thấp thỏm trong "hàng rào quy hoạch" của dự án nhà máy điện hạt nhân 2 khiến đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Đất đai có nhưng không thể sang nhượng, nhà cửa dù xuống cấp, chật chội cũng không thể sửa chữa hay xây mới.

Theo ông Kỳ, do việc chia tách, chuyển nhượng đất để xây dựng nhà ở không thực hiện được nên hiện tại hơn 10 người thuộc 3 thế hệ con cháu trong gia đình ông phải chung sống trong cùng một căn nhà chật chội.

"Không riêng gì gia đình tôi mà đa phần người dân làng biển nơi đây đều đông con, có gia đình 3-4 thế hệ cùng sống chung nhà vì không thể xây cất nhà mới, dẫn đến chất lượng cuộc sống, sinh hoạt gia đình gặp nhiều khó khăn...", ông Kỳ buồn giọng.

Cách nhà ông Kỳ không xa là nhà bà Ngô Thị Cọt ngụ cùng thôn Thái An, xã Vĩnh Hải (huyện Ninh Hải). 

Theo bà Cọt, gia đình bà có đứa con út cũng từng là người được chọn để đi học về điện hạt nhân với hy vọng sau khi học xong sẽ trở về quê hương phục vụ. Thế nhưng, khi học xong thì dự án nhà máy điện hạt nhân tạm dừng nên thất nghiệp. May mắn, thời gian sau đó con gái bà được nhận vào làm trong nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân (Bình Thuận).

Bà Ngô Thị Cọt, thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận.

Riêng căn nhà cũ của gia đình bà đã xuống cấp nghiêm trọng nên đành phải xin phép chính quyền địa phương sửa chữa lại để ở cho yên tâm.

"Căn nhà cũ này đã xây cách đây hơn 40 năm bây giờ mới được sửa lại cho chắc chắn hơn, còn nếu sau này nhà nước có thu hồi để làm nhà máy điện người ta đi thì mình cũng đi để bàn giao mặt bằng, người ta sao thì mình vậy. Có được căn nhà chắc chắn thì người dân cũng yên tâm hơn mỗi khi mưa bão ấp tới bất chợt...", bà Cọt chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Hàn, Trưởng ban quản lý thôn Thái An (xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải), vào khoảng thời điểm trước năm 1995 các hộ dân tham gia kinh tế hợp tác xã ở thôn Thái An được chính quyền địa phương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất một lần trên một hộ gia đình và do chủ hộ đứng tên, trong đó có nhiều loại đất.

Khoảng thời gian sau đó đến khi quy hoạch làm dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 đến nay, người dân càng không thể chia tách đất được nữa nên nhiều gia đình đông con không thể thực hiện việc sang nhượng hay thế chấp để vay vốn sản xuất.

Ninh Thuận: Gần 300 tỷ đồng xây dựng các công trình thiết yếu tại khu vực quy hoạch 2 nhà máy điện hạt nhân - Ảnh 4.

Khu dân cư thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận nơi quy hoạch thực hiện dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2. (Ảnh: Đức Cường)

Ông Nguyễn Hải Đăng, Phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) cho biết, hiện nay địa phương có 2 khu quy hoạch liên quan đến dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhận Ninh Thuận 2. Một là khu vực xây dựng nhà máy điện, hai là khu tái định cư của dự án.

Tuy nhiên, đến nay việc quy hoạch dự án nhà máy điện hạt nhân chỉ mới tạm dừng, chưa được gỡ bỏ quy hoạch nên việc chỉnh trang hay mở rộng khu dân cư không thực hiện được.

"Việc không thể chỉnh trang để mở rộng khu dân cư nên 10 năm năy, các gia đình có nhiều thế hệ sống trong một ngôi nhà chật hẹp dẫn đến việc sinh hoạt còn hạn chế và đời sống hằng ngày gặp nhiều khó khăn, chất lượng cuộc sống cũng bị ảnh hưởng...", ông Đăng nói.

Người dân tha hương cầu thực

Chung cảnh ngộ với 800 hộ dân ở thôn Thái An xã Vĩnh Hải (huyện Ninh Hải) còn có 247 hộ với gần hơn 900 nhân khẩu tại thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh (huyện Thuận Nam), nơi được quy hoạch để xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1.

Ninh Thuận: Gần 300 tỷ đồng xây dựng các công trình thiết yếu tại khu vực quy hoạch 2 nhà máy điện hạt nhân - Ảnh 5.

Đường liên thôn ở Vĩnh Trường đã xuống cấp, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. (Ảnh: Đức Cường)

Chỉ tay về những căn nhà sập xệ ở cuối thôn, anh Nguyễn Tri Phương, người thôn Vĩnh Trường lắc đầu cho biết, cũng do nợ nần mà nhiều gia đình đã bỏ đi biệt xứ, số khác thì xây dựng tạm bợ để đón đầu dự án nhưng giờ cũng bỏ hoang, vắng bóng người qua lại khiến quang cảnh trong thôn càng đìu hiu, vắng lặng.

Theo ghi nhận của PV, trong thôn hầu hết là nhà cấp 4 cũ kỹ, mái lợp, tường nhà cũng đã nhuốm màu thời gian. Tuyến đường huyết mạch dẫn vào thôn dẫn vào thôn Vĩnh Trường cũng chỉ mới được nâng cấp đoạn ngắn, còn lại đã xuống cấp lồi lõi.

Theo ông Nguyễn Văn Thắng, trưởng thôn Vĩnh Trường, việc quy hoạch làm nhà máy điện hạt nhân rồi tạm dừng đến nay chưa thực hiện khiến đời sống nhân dân cũng vì thế mà bị đảo lộn.

Ninh Thuận: Gần 300 tỷ đồng xây dựng các công trình thiết yếu tại khu vực quy hoạch 2 nhà máy điện hạt nhân - Ảnh 6.

Thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, nơi quy hoạch dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1. (Ảnh: Đức Cường)

Trước đây, khi biết sẽ quy hoạch và được đền bù giải tỏa nên nhiều người chủ quan, vay mượn nhiều nơi với lãi xuất cao để chuẩn bị cho cuộc sống mới khi di dời. Nhưng ai ngờ dự án điện hạt nhân tạm dừng đến nay nên người vay ai nấy đều không có tiền trả, từ đó lâm cảnh nợ nần.

"Hiện tại người dân trong thôn đa số người dân trong thôn chỉ còn biết làm thuê, làm mướn nên đời sống rất khó khăn...", ông Thắng ngậm ngùi.

Thông qua Nghị quyết nâng cao đời sống người dân

Nhằm khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất và từng bước nâng cao đời sống nhân dân khu vực quy hoạch thực hiện dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2, thời gian qua, tỉnh Ninh Thuận cũng đầu tư nâng cấp các công trình thiết yếu như: cầu thoát lũ, bê tông hóa các tuyến đường nội thôn… đã tác động tích cực đến đời sống nhân dân.

Mới nhất, vào ngày 30/8 vừa qua, HĐND tỉnh Ninh Thuận cũng đã thông qua Nghị quyết quan trọng (số 46 ngày 30/8/2022) về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu trên địa bàn xã Phước Dinh (huyện Thuận Nam) và xã Vĩnh Hải (huyện Ninh Hải) gồm bao gồm 6 dự án thành phần với tổng mức đầu tư gần 300 tỷ đồng.

Ninh Thuận: Gần 300 tỷ đồng xây dựng các công trình thiết yếu tại khu vực quy hoạch 2 nhà máy điện hạt nhân - Ảnh 7.

Tuyến đường vào thôn Vĩnh Trường. Ảnh: Đức Cường

Trong đó, tại xã Phước Dinh sẽ đầu tư nâng cấp mở rộng tuyến đường Quốc Phòng cũ (701) và xây dựng mới 3 tuyến đường với tổng chiều dài 2,7km kết nối đường 701 cũ với đường ven biển hiện nay.

Riêng tại xã Vĩnh Hải sẽ tập trung nâng cấp đường tỉnh lộ 702 cũ và đầu tư xây mới 3 tuyến đường kết nối trong khu vực sản xuất. Đồng thời tập trung nâng cấp ao Bầu Tró và xây dựng hệ thống dẫn nước từ suối Hố Quạt về để phục vụ sản xuất nông nghiệp của người dân.

Song song đó, Nghị quyết được HĐND tỉnh Ninh Thuận thông qua cũng sẽ đầu tư xây dựng mới kè chắn sóng và kè chắn lũ dài trên 2km tại thôn Thái An để đảm bảo an toàn trước mỗi mùa mưa bão.

Ông Nguyễn Hải Đăng, Phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Hải cho biết, sau khi Nghị quyết được HĐND tỉnh thông qua thì địa phương xã Vĩnh Hải nói chung cũng như bà con thôn Thái An nói riêng rất phấn khởi và cũng mong muốn Nghị quyết này sớm được triển khai để người dân được hưởng thụ, để người dân có điều kiện đi lại cũng như phục vụ sản xuất.

"Theo kế hoạch thì việc nâng cấp ao Bầu Tró và mở rộng các tuyến đường kết nối trong khu sản xuất để giúp bà con có điều kiện giao thương buôn bán, phục vụ phát triển nông nghiệp nói chung cũng như làng nho Thái An nói riêng nhằm ổn định sản xuất, hướng đến phát triển kinh tế hộ gia đình cũng như tạo bước đệm phát triển kinh tế xã hội của địa phương...", ông  Đăng nói.

Trước đó, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng duy trì hiệu lực các quyết định phê duyệt quy hoạch địa điểm xây dựng các nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận.

Theo Bộ Công Thương, việc hủy các quyết định quy hoạch địa điểm xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 tại thời điểm này là "chưa phù hợp" do mới chỉ có chủ trương tạm dừng thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Theo Bộ Công thương, việc hủy quy hoạch địa điểm trên sẽ gây lãng phí, ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao và khó khăn nếu như sau này các cấp có thẩm quyền chấp thuận việc tiếp tục thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2.

Về giải pháp ổn định sản xuất, đời sống nhân dân vùng dự án, Bộ Công Thương đề nghị Thủ tướng giao UBND tỉnh Ninh Thuận phê duyệt theo hướng không thay đổi chức năng sử dụng đất nhưng cải tạo chỉnh trang khu dân cư hiện hữu, cho phép người dân cải tạo xây mới nhà ở với các chỉ tiêu quy hoạch phù hợp các đồ án đã duyệt. Cùng với đó, cho phép cải tạo, hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật giao thông, điện, cấp thoát nước, vệ sinh đảm bảo đồng bộ, liên thông.

Đại biểu Quốc hội lên tiếng

Tại hội trường Quốc hội chiều 30/5/2022, bà Đàng Thị Mỹ Hương, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận cho hay, năm 2016, Quốc hội khóa XIV đã tạm dừng chủ trương thực hiện, đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Tuy nhiên, đến nay các vấn đề về quy hoạch của dự án ảnh hưởng tới đời sống, kinh tế của người dân vẫn chưa được giải quyết, làm ảnh hưởng tới thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương.

"Ở khu vực này, người dân vẫn bị hạn chế quyền sử dụng đất, không được mua bán, không được chuyển nhượng hay thế chấp đất để vay vốn sản xuất; không được xây dựng, cải tạo nhà ở, cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi không được đầu tư hiện đang bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng… Người dân trải qua thời gian dài chờ đợi, không ổn định được sản xuất, đời sống gặp nhiều khó khăn, bức xúc…", bà Hương thông tin.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem