Nông dân Thái Nguyên khát vốn mở rộng quy mô nuôi bò 3B
Thái Nguyên: Khát vốn, nhiều nông dân khó mở rộng quy mô chăn nuôi giống bò ví như "cỗ máy sản xuất thịt"
Hà Thanh - Kiều Hải
Thứ tư, ngày 21/09/2022 19:23 PM (GMT+7)
Mặc dù mô hình chăn nuôi bò 3B đang mang lại hiệu quả kinh tế cho nhiều bà con nông dân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, tuy nhiên do vốn đầu tư lớn nên nhiều hộ dân đang rơi vào tình trạng khan hiếm nguồn vốn.
Nhiều nông dân ở Thái Nguyên rơi vào tình trạng khát vốn khi nuôi bò 3B do vốn đầu tư lớn (Clip: Hà Thanh)
Khát vốn để mở rộng quy mô
Anh Phạm Ngọc Vinh (tổ dân phố Hợp Thịnh, phường Trung Thành, TP Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) cho biết, năm 2020, anh tận dụng đồng đất dư thừa để trồng cỏ voi và bắt tay vào chăn nuôi bò 3B. Ban đầu anh chỉ nuôi 4 con bò, đến nay anh đã phát triển số lượng đàn bò lên hơn 20 con bò 3B.
Đối với nuôi bò 3B thương phẩm, ở mỗi giai đoạn khác nhau sẽ có chế độ ăn khác nhau, nhưng quan trọng nguồn thức ăn cần phải đều.
Ở giai đoạn vỗ béo cần bổ sung nguồn cám lớn, trung bình 1kg cám/1 tạ trọng lượng bò, kết hợp cho ăn cỏ, bã bia, cháo với chi phí thức ăn mỗi ngày khoảng 60.000 – 80.000 đồng/con. Trong giai đoạn này, trung bình mỗi con bò 3B tăng từ 30 – 40kg/con/tháng, có con tăng 50kg/tháng tùy theo trọng lượng.
Hiện bò 3B thương phẩm đang được bán với giá 88.000 đồng/kg. Theo tính toán của anh Vinh, với giá bán hiện nay, nếu xuất bán mỗi con bò 3B sẽ cho lợi nhuận khoảng 7 – 8 triệu đồng/con sau khi trừ hết chi phí.
Cũng theo anh Vinh, nuôi bò 3B tương đối dễ do ít bệnh tật, không mất nhiều công chăm sóc, đầu ra ổn định, nguồn thức ăn lại dễ kiếm. Tuy nhiên khó khăn chủ yếu hiện nay là nguồn vốn đầu tư lớn, thời gian chăn nuôi lại kéo dài, do đó ảnh hưởng đến việc duy trì nguồn vốn.
Anh Vinh bày tỏ, mặc dù rất muốn mở rộng quy mô chăn nuôi bò 3B nhưng nguồn vốn còn eo hẹp nên không thể đầu tư tiếp.
Chính vì vậy, để khắc phục tình trạng khan hiếm nguồn vốn trong chăn nuôi bò, anh Vinh kéo dài thời gian nuôi để có thu nhập.
Anh Dương Văn Hồng - Giám đốc HTX chăn nuôi bò và dịch vụ sản xuất nông nghiệp Nga My (xã Nga My, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) cho biết, ưu điểm khi nuôi bò 3B là nguồn thức ăn dễ kiếm, có thể tận dụng cây ngô, cây sắn làm thức ăn, do đó hiệu quả kinh tế cao hơn.
Chăn nuôi bò 3B cũng đem lại hiệu quả kinh tế tương đối cao. Ngoài ra, rủi ro từ chăn nuôi bò ít hơn hẳn so với nuôi lợn. Chỉ cần tiêm phòng đủ vaccine là cơ bản bò sẽ không bị bệnh.
Tuy nhiên nuôi bò đòi hỏi nguồn vốn lớn hơn nuôi lợn. Do đó, ngoài nguồn vốn sẵn có của gia đình, anh Hồng phải vay thêm tiền từ ngân hàng để phát triển chăn nuôi.
Giải quyết tình trạng khát vốn cho nông dân
Đây là tình trạng chung của nhiều hộ dân chăn nuôi bò 3B trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện nay. Dù hiệu quả kinh tế mang lại tương đối cao nhưng do nguồn vốn eo hẹp nên nhiều hộ không thể mở rộng quy mô sản xuất mặc dù rất muốn.
Ông Phạm Văn Hà - Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP Phổ Yên đánh giá, hiện nay, các mô hình chăn nuôi trên địa bàn TP Phổ Yên phát triển tương đối hiệu quả, trong đó có mô hình chăn nuôi bò 3B.
Tuy nhiên, các hộ đang gặp khó khăn về nguồn vốn để phát triển do vốn đầu tư lớn. Do đó, Hội Nông dân đã cùng Ban điều hành Quỹ hỗ trợ nông dân xây dựng dự án vay vốn để hỗ trợ các hộ chăn nuôi bò nhưng vẫn ở mức hạn hẹp.
Chính vì vậy, trong thời gian tới, Hội mong muốn Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên sẽ tạo nguồn vốn lớn hơn nữa để hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, từ đó tăng nguồn vốn vay trên một hộ để họ mở rộng quy mô sản xuất.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.