Cuối năm, làm chổi "quét" nghèo

Thứ sáu, ngày 20/12/2013 19:06 PM (GMT+7)
Nằm ẩn mình lặng lẽ dưới chân núi Chiêm Sơn đầy cổ tích, Làng nghề làm chổi Chiêm Sơn (xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam), đã làm thay đổi bao phận đời, phận người.
Bình luận 0
Không biết nghề làm chổi có từ khi nào, chỉ nghe những cụ già trong làng bảo rằng nghề này có từ lâu lắm rồi. Từ khi còn chiến tranh loạn lạc, mặc cho những cuộc càn quét, truy kích của quân địch, ban ngày dân làng Chiêm Sơn lo việc đồng áng, đêm về chong đèn ngồi xúm xít ở đầu làng để bó chổi, rồi gánh ra bán ở Hội An (khi ấy Hội An là thương cảng nổi tiếng của vùng Đông Nam Á) để vượt qua những ngày đói khổ, ác liệt của chiến tranh. Hòa bình lập lại, nghề đan chổi vẫn tiếp tục cho đến ngày nay.

img

Trong đó nổi bật nhất là nghề làm chổi xương, với nguyên liệu là cây chổi Chà- một loại cây thân bụi mọc ở rừng, và trên núi Chiêm Sơn gần đấy. Cây chổi Chà được sử dụng hầu hết các bộ phận. Trong đó, lá dùng để làm dầu Chổi có tác dụng chữa đau bụng, đau đầu, được xem là một bài thuốc quý trong dân gian. Còn thân cây dùng làm chổi xương, để quét sân, quét nhà...

Cuối năm về làng Chiêm Sơn, không khí làng nghề có vẻ tất bật và rôm rả hơn ngày thường. Những nụ cười rạng rỡ, của chị em nơi xóm núi, tiếng thậm thịch của chổi va vào nền đất dưới bàn tay người, như xua tan đi cái lạnh giá, của những ngày dài cuối đông.

Cây chổi là vật không thể thiếu trong những dịp “năm hết, tết đến”, vì vậy ai cũng tranh thủ làm cho kịp để bán cho thương lái, và các vùng lân cận như Thăng Bình, Hội An, Tam Kỳ, Huế... để phục vụ cho những công việc chính, như tảo mộ tổ tiên vào cuối năm, hoặc quét dọn nhà sạch sẽ trong nhà ra ngoài ngõ, đều cần đến sự hiện diện của cây chổi.

Nghề làm chổi ở Chiêm Sơn, ban đầu có vài hộ, đến nay đã có hơn 50 hộ làm nghề chổi. Và đã có những hộ “phất” lên từ nghề này, trở nên giàu có. Và nghề chổi đã giải quyết công ăn việc làm cho một số hộ khó khăn trên địa bàn xã, góp phần quan trọng vào công tác “xóa đói giảm nghèo”.

Chị Lê Thị Bốn (49 tuổi, trú tại làng Chiêm Sơn, xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) cho biết: “Tôi làm nghề này gần mười năm. Nghề gì cũng có cái cực của nó.

Làm chổi cả ngày, vừa rát tay, vừa đau nhức, tối về không ngủ được. Chồng làm thợ hồ, nên thu nhập cũng không bao nhiêu, vì thế tôi phải cố kiếm thêm tiền nuôi con ăn học, có đồng ra đồng vào cũng đỡ”. Được biết, chị Bốn hiện đang nuôi ba đứa con học đại học, một đứa đã ra trường và đi xin việc ở thành phố lớn. Tất cả nhờ vào thu nhập từ nghề làm chổi của chị.

Nghề làm chổi thu hút phần lớn là lao động nữ. Dưới bàn tay khéo léo và tỉ mỉ của họ, những cây chổi gọn gàng, đẹp mắt đang bán rất chạy trên thị trường, nhất là vào dịp cuối năm, và dịp hè. Mỗi ngày, trung bình một người có thể bó hơn 50 cây chổi, có giá bán từ 8.000 đến 10.000 đồng/1 cây, tùy theo chất lượng chổi. Với mức thu nhập từ 2,5 đến 3 triệu/ 1 tháng, nên tỷ lệ hộ nghèo trong xã đã giảm mạnh. Bên cạnh nghề làm nông, nghề chổi đã mang lại một nguồn thu nhập không nhỏ cho những hộ dân ở đây, và một số hộ đã trở nên khấm khá, thuê nhân công ở những vùng lân cận về làm.

Trước đây, do làng nghề chưa phát triển, hình thức còn nhỏ, lẻ nên nhiều người chưa biết đến. Ngày nay, làng chổi Chiêm Sơn đã phát triển một cách mạnh mẽ, chổi được tiêu thụ hầu hết ở thị trường Đà Nẵng, Hội An, Buôn Ma Thuột...Và cây chổi làng Chiêm Sơn, dần khẳng định vị trí của mình trên thị trường chổi đa dạng, nhiều mẫu mã như hiện nay.

Cụ Nguyễn Thị Lan (82 tuổi, trú tại làng Chiêm Sơn, xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) tâm sự: “ Nghề này tuy vất vả nhưng vui. Tôi làm nghề này từ thời con gái. Trước đây, nhiều người khuyên tôi nên bỏ nghề, tìm nghề khác có thu nhập cao hơn. Nhưng tôi yêu nghề như chính yêu bản thân mình vậy. Đây là nghề do cha tôi để lại, không phải nói bỏ là bỏ được”.

Không riêng gì cụ Lan, trong làng Chiêm Sơn còn rất nhiều cụ già cao tuổi đều làm biết làm chổi, và quyết tâm giữ nghề của cha ông để lại. Nhìn những bàn tay nhăn nheo, già nua theo dòng thời gian, đang bện những cây chổi một cách khéo léo mới thấy hết được lòng yêu nghề của các cụ. Các cụ đã góp phần tạo nên nét đẹp văn hóa cho đất và người Chiêm Sơn, trong việc “giữ lửa” làng nghề.

Nằm trên tuyến đường du lịch Hội An- Mỹ Sơn, và có nhiều di tích lịch sử cấp quốc gia như dinh bà Chiêm Sơn, lăng mộ bà Đoàn Qúy Phi, chùa Vua...Làng chổi Chiêm Sơn, với vẻ yên tĩnh của một làng quê có sông, núi hữu tình, con người mộc mạc, hiền hòa. Nên làng chổi Chiêm Sơn cũng là nơi dừng chân của nhiều du khách qua lại.

Những ngày cuối năm, đâu đâu cũng thấy sự hồ hởi, vui tươi hiện trên từng khuôn mặt của người làng Chiêm Sơn. Những em nhỏ hí hửng vì sắp có quần áo mới, cặp sách mới. Những chiếc xe bon bon chạy trên các nẻo đường làng, để chở chổi về miền xuôi, và các thành phố lớn. Hy vọng một mùa xuân no ấm, sung túc, bội thu về với những người dân chăm chỉ, đôn hậu trên đất Chiêm Sơn.....
Thanh Châm (Thanh Châm)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem