Cuối tuần, du khách lại rủ nhau về Củ Chi trải nghiệm làm bơ đậu phộng, lấy mật dừa nước

Hồng Phúc Thứ bảy, ngày 05/11/2022 12:00 PM (GMT+7)
Nhiều sản phẩm của Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tại TP.HCM đang được kết nối, đưa vào ngành du lịch với nhiều hình thức như quà tặng, hoạt động trải nghiệm… để phát huy hết giá trị, phát triển du lịch khu vực nông thôn.
Bình luận 0

Trải nghiệm làm OCOP

Nông trại đậu phộng tại xã Hòa Phú, huyện Củ Chi của Công ty TNHH Đạt Butter, cứ cuối tuần đều có khách đến trải nghiệm làm bơ đậu phộng. Bơ đậu phộng của Đạt Butter đã được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao tại TP.HCM. Đến với nông trại, khách được trải nghiệm quy trình từ lúc trồng cho đến trực tiếp vào nhà xưởng chế biến, mang hũ bơ do chính tay mình làm về nhà.

"Hầu như cuối tuần nào, tour trải nghiệm làm bơ đậu phộng của chúng tôi cũng có khách. Du khách được làm nông dân, hiểu về sản phẩm. Đó là cách để chúng tôi quảng bá tốt nhất cũng như kết nối, đưa khách về Củ Chi tham quan, du lịch" - đại diện Công ty Đạt Butter nói.

Du lịch nông thôn hấp dẫn hơn nhờ OCOP - Ảnh 1.

Giám đốc Vietnipa Phan Minh Tiến (thứ năm từ trái) dẫn khách tham quan trải nghiệm lấy mật dừa nước. Ảnh: Hồng Phúc

Ông Đinh Minh Hiệp - Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM cho biết, thời gian tới, riêng với 5 huyện và 56 xã xây dựng nông thôn mới tại TP.HCM, thành phố sẽ chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng đến các điểm du lịch, gắn kết tour, tuyến du lịch hiện có với các địa điểm sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP hiện nay...

Tại huyện Cần Giờ, anh Phan Minh Tiến - ông chủ 9X của sản phẩm mật dừa nước và mật dừa nước cô đặc Vietnipa (sản phẩm OCOP 4 sao) những ngày này thường xuyên đón khách trong và ngoài nước đến tham quan mô hình sản xuất. Trải nghiệm mát-xa lấy mật dừa, thưởng thức trực tiếp tại nông trại và cung cấp sản phẩm làm quà tặng là hoạt động đang được anh Tiến khai thác tốt.

"Hầu hết du khách đều hào hứng tìm hiểu và trải nghiệm cách thu mật dừa nước. Những cánh đồng dừa nước đón khách đến tham quan khiến tôi rất vui, giúp vừa quảng bá sản phẩm OCOP vừa thu hút khách đến huyện Cần Giờ. Nhiều đoàn sau khi trải nghiệm thì tiếp tục đến các điểm du lịch khác tại huyện Cần Giờ khám phá" - anh Tiến nói.

Cần Giờ là nơi đang rất hút khách du lịch. Đây cũng là địa phương sở hữu nhiều sản phẩm OCOP mang tính địa phương cao như xoài cát, khô cá dứa, tổ yến chưng và sắp tới là nhiều đặc sản khác. 

Theo anh Tiến, tương lai, nếu gắn kết được hoạt động sản xuất các sản phẩm OCOP này với du lịch như hình thành các tour tuyến trải nghiệm, kết hợp mua sắm đặc sản thì vừa có thể giới thiệu, quảng bá, vừa nâng cao giá trị sản phẩm OCOP trên địa bàn.

Tiềm năng lớn từ du lịch OCOP

Ông Đinh Minh Hiệp - Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM, đánh giá sản phẩm OCOP không chỉ là sản vật địa phương mà còn chứa đựng văn hóa vùng miền. Sản phẩm OCOP không chỉ giúp địa phương phát triển kinh tế về mặt sản xuất kinh doanh mà còn phát triển về du lịch. TP.HCM có thị trường du lịch sôi động. Vì vậy, phát triển sản phẩm OCOP kết hợp với du lịch, đặc biệt là loại hình du lịch trải nghiệm rất tiềm năng.

TP.HCM sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân, các tổ chức kinh tế xã hội thấy được lợi ích, giá trị kinh tế khi tham gia và thực hiện chương trình gắn với hoạt động du lịch. TP.HCM cũng phát động phong trào khởi nghiệp du lịch nông thôn gắn với phát triển sản phẩm OCOP, xây dựng các mô hình du lịch trải nghiệm tại nông thôn để người dân địa phương có thể học hỏi và nhân rộng.

Về quảng bá, TP.HCM sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với du lịch, đặc biệt quảng bá tại các sự kiện du lịch lớn của TP.HCM, tại hệ thống các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem