Với phẩm chất người lính Cụ Hồ cần cù chịu khó và mong muốn cháy bỏng làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, ông Thuật cùng gia đình bắt tay vào làm nhiều nghề như: Nấu rượu, chăn nuôi lợn... nhưng cuộc sống gia đình vẫn gặp nhiều khó khăn.
Năm 1986, được tham gia học lớp trung cấp thú y Hà Nội, cộng với quá trình đi tập huấn ở nhiều nơi đã tiếp thêm nghị lực để ông vươn lên làm giàu. Năm 1999, thấy phong trào chăn nuôi bò sữa phát triển, ông Thuật vay 10 triệu đồng từ Dự án Chăn nuôi bò sữa 120 thuộc quỹ tạo việc làm của Phòng Nông nghiệp huyện Ba Vì, cộng với nguồn vốn tích luỹ để đầu tư mua bò sữa.
|
Cựu chiến binh Phùng Văn Thuật bên chuồng bò đã xoá đói nghèo cho gia đình. |
Giống bò ông chọn là giống bò sữa Hà Lan của Trung tâm Nghiên cứu bò và Đồng cỏ Ba Vì. Bước đầu, do chưa có kinh nghiệm nên gia đình ông gặp không ít khó khăn trong việc chăm sóc vật nuôi. Qua quá trình tự tay chăm sóc con vật, ông Thuật đã có thêm nhiều kinh nghiệm quý: "Mua bò tốt nhất là chọn bò giống trong vùng, vì mua ở vùng khác về nuôi bò dễ bị bệnh ký sinh trùng máu".
Sau thời gian chăn nuôi thấy hiệu quả, gia đình ông quyết định đầu tư, mở rộng để tăng số lượng đàn bò. Nhưng chăn nuôi bò sữa đòi hỏi vốn đầu tư khá lớn, bởi giá bò giống rất đắt. "Cái khó ló cái khôn", sẵn có kiến thức và kinh nghiệm trong chữa bệnh thú y, ông mạnh dạn mua lại những con bò bệnh từ các hộ chăn nuôi khác với giá từ 5 - 10 triệu đồng, sau đó chữa trị lành bệnh để tiếp tục sản xuất.
Ông Thuật cho biết: "Hiện tại, đàn bò sữa của gia đình có 7 con, trong đó 4 con đang cho sữa. Mỗi ngày, bình quân một con bò sữa cho khoảng 20kg sữa, với giá hiện nay là 12.000 đồng/kg, tính ra, mỗi ngày tôi thu lãi từ 500 - 600 nghìn đồng sau khi trừ đi chi phí thức ăn. Chăn nuôi bò sữa mang lại thu nhập hàng ngày và cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với các ngành chăn nuôi khác trước đây tôi đã từng làm".
Ngoài bán sữa tươi hàng ngày, ông Thuật còn nhân giống bò sữa để tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình.
Trúc Như
Vui lòng nhập nội dung bình luận.