Đã xác định nguồn gốc ổ dịch Covid-19 tại Hải Dương

Diệu Linh Thứ ba, ngày 18/08/2020 17:31 PM (GMT+7)
Về các ca nhiễm mới ở Hải Dương, kết quả giải trình tự gen cho thấy chủng virus SARS-CoV-2 tương đồng với chủng virus đã xuất hiện tại Đà Nẵng trước đó.
Bình luận 0

Ổ dịch ở Hải Dương bước đầu được kiểm soát

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 ngày 18/8, Bộ Y tế cho biết Việt Nam đã ghi nhận 983 ca mắc, trong đó có 645 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Số lượng ca mắc mới liên quan đến Đà Nẵng tính từ ngày 25/7 đến nay là 505 ca.

Bộ Y tế cũng cho biết, trong những ngày gần đây, đã nổi lên ổ dịch ở tỉnh Hải Dương với ca nhiễm đầu tiên ghi nhận ở quán "Thế giới bò tươi". Bộ Y tế xác định khả năng nguồn bệnh xâm nhập vào quán từ khoảng ngày 25-27/7, cùng chủng virus ở Đà Nẵng. Từ địa điểm này, dịch lây lan ra cộng đồng. Hiện đã ghi nhận tổng số 12 trường hợp mắc Covid-19 tại ổ dịch Hải Dương. Các chuyên gia xác định trong  những ngày tới, có thể có thêm ca nhiễm mới.

Đã xác định nguồn gốc ổ dịch Covid-19 tại Hải Dương  - Ảnh 1.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, đối với ổ dịch ở tỉnh Hải Dương, chúng ta phải truy vết thật nhanh, xét nghiệm thật nhanh để khoanh vùng dập dịch… Ảnh: VGP/Đình Nam

Về các ca nhiễm mới ở Hải Dương, kết quả giải trình tự gen cho thấy chủng virus SARS-CoV-2 tương đồng với chủng virus đã xuất hiện tại Đà Nẵng trước đó. Hải Dương đã kịp thời áp dụng các biện pháp cần thiết như: Giãn cách xã hội tại TP.Hải Dương; phong tỏa các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao; tạm dừng các hoạt động không thiết yếu… Do đó, các chuyên gia cho biết tình hình dịch bệnh bước đầu được kiểm soát.

Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết ngay từ khi phát hiện ca nhiệm đầu tiên, tỉnh Hải Dương đã và đang quyết liệt triển khai các biện pháp ứng phó. Bộ Y tế cũng đã cử các đoàn xuống hỗ trợ, phối hợp cùng địa phương khẩn trương truy vết thật nhanh, xét nghiệm thật nhanh để khoanh vùng dập dịch…

Nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng là hiện hữu và phải đặc biệt lưu ý, tiếp tục nâng mức cảnh báo ở các địa phương, nhất là những đô thị lớn, nơi tập trung đông người, mật độ dân số cao.

Các chuyên gia xác định thời gian tới sẽ xuất hiện một số ca nhiễm mới trong cộng đồng, Hải Dương tiếp tục triển khai quyết liệt biện pháp khoanh vùng, dập dịch, truy vết, xét nghiệm… với sự hỗ trợ của các viện, bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế.

Sáng nay (18/8), Bộ Y tế yêu cầu Hải Dương cũng phải lấy mẫu cả người thuộc diện F2, không đợi khi F1 trở thành F0 (ca bệnh), F2 trở thành F1 mới làm xét nghiệm.

Hiện, toàn tỉnh Hải Dương đã xét nghiệm khoảng 2.000 mẫu; truy vết 800 ca F1; mở rộng xét nghiệm ca F2; lấy mẫu của nhân viên y tế và bệnh nhân ở các bệnh viện, phòng khám và khu vực nghi ngờ…

Còn từ ngày 23/7 đến 18/8, tại Hà Nội đã ghi nhận 11 trường hợp mắc mới. Hầu hết các trường hợp có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến ổ dịch tại Đà Nẵng, 1 trường hợp liên quan đến ổ dịch tại Hải Dương. 

Hà Nội đang khẩn trương triển khai lấy mẫu trên diện rộng. Đến nay, Bộ Y tế phối hợp với Hà Nội lấy 50.602/70.000 mẫu, đã thực hiện xét nghiệm 28.478 mẫu. 

Đã xác định nguồn gốc ổ dịch Covid-19 tại Hải Dương  - Ảnh 2.

Quán ăn tại Hải Dương, nơi có ổ dịch Covid-19 được phong tỏa.

Cảnh báo có thể xuất hiện ổ dịch mới

Cảnh báo cả nước có thể xuất hiện thêm ổ dịch mới, rải rác trong cộng đồng, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị: “Các địa phương luôn tăng cường và nâng cao ý thức cảnh giác nhằm phát hiện kịp thời ca nhiễm mới. Phát hiện càng sớm, việc khoanh vùng, dập dịch càng thuận lợi".

Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng trước đó, các chuyên gia đã đưa ra cảnh báo ở mức độ cao trong cộng đồng, nhưng người dân thực hiện chưa nghiêm, vẫn còn tình trạng chủ quan. Trong khi lây nhiễm trong cộng đồng đã xuất hiện, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị cần có giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ nhằm làm chậm và hạn chế nguồn lây.

"Một trong những yếu tố quyết định thành công của giai đoạn 1 là chúng ta đã bằng tất cả các giải pháp tổng hợp, từ chỉ đạo, hướng dẫn, tuyên truyền, vận động, nêu gương cho đến xử phạt, đã huy động được mọi người dân thực sự vào cuộc chủ động phòng, chống dịch vì mình, vì người thân và toàn xã hội.

Thời gian qua do thực tế chúng ta kiểm soát được dịch bệnh tốt dài ngày cho nên có tâm lý lơi lỏng. Bây giờ là lúc phải nhìn vào thực tế dịch bệnh còn kéo dài, ít nhất 1 năm nữa vaccine mới có thể đến với mọi người. Chúng ta phải tăng cường các giải pháp để thực sự chung sống an toàn trong dịch bệnh",

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

Liên quan đến công tác xét nghiệm, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, từ ngày 25/7 đến ngày 17/8, Việt Nam đã xét nghiệm Realtime RT-PCR hơn 342.000 mẫu. Đặc biệt, số lượng xét nghiệm trong các cơ sở bệnh viện đã tăng lên (từ 10% lên 40%). Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo bệnh viện tuyến Trung ương thành lập phòng thí nghiệm có năng lực xét nghiệm lớn để hỗ trợ cho địa phương trong trường hợp xuất hiện dịch bệnh trên diện rộng

“Sự hỗ trợ mạnh mẽ, kịp thời trong công tác xét nghiệm của các cơ quan Trung ương là bài học quan trọng trong đợt chống dịch tại Đà Nẵng. Qua đó, không chỉ nâng công suất xét nghiệm mà còn hỗ trợ Đà Nẵng chủ động xét nghiệm trên diện rộng”, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định.

Bộ Y tế cho hay tới đây, Bộ sẽ chỉ đạo tất cả các bệnh viện, đặc biệt tại các bệnh viện Trung ương sẽ lập các labo có khả năng, năng lực xét nghiệm lớn, giúp tăng cường hỗ trợ địa phương trong trường hợp địa phương phát hiện dịch. Bài học từ Đà Nẵng cho thấy nhờ sự hỗ trợ mạnh mẽ, kịp thời của Trung ương cho khối xét nghiệm địa phương, công suất xét nghiệm của thành phố này được nâng lên rất lớn, hoàn toàn chủ động xét nghiệm diện rất rộng.

Cũng liên quan tới công tác xét nghiệm, Bộ Y tế khẳng định từ đầu dịch đến nay, Việt Nam không triển khai xét nghiệm Covid-19 theo hình thức dịch vụ. Bệnh viện nào, đơn vị nào thực hiện xét nghiệm dịch vụ là vi phạm, sẽ bị xử lý nghiêm.

Trong thời gian tới, Bộ Y tế đề nghị, toàn bộ người dân cài đặt và sử dụng ứng dụng Bluezone để phát hiện người tiếp xúc gần với người nhiễm qua điện thoại thông minh nhanh chóng, chính xác, ít tốn kém; cài đặt ứng dụng NCOVI để khai báo y tế và theo dõi sức khỏe.

Cách cài đặt Bluezone giúp cảnh báo người nghi nhiễm Covid-19

Bluezone là ứng dụng giúp cảnh báo sớm cho người dùng nếu họ chẳng may từng tiếp xúc với những người bị nhiễm Covid-19.Để nhận được các cảnh báo từ Bluezone, việc đầu tiên cần làm là tải về và cài đặt ứng dụng này.

Link tải Bluezone trên Android/Link tải Bluezone trên iOS

Sau khi cài đặt, người dùng cần cấp quyền cho ứng dụng Bluezone truy cập vào bộ nhớ và kết nối Bluetooth để nhận được cảnh báo từ ứng dụng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem