Đặc sắc nghi lễ rước kiệu của 7 xã, phường ven Đền Hùng
Ngàn người rước kiệu dâng bánh chưng, bánh giầy, sản vật địa phương... về Đền Hùng
Hoan Nguyễn
Thứ tư, ngày 26/04/2023 15:16 PM (GMT+7)
Rước kiệu về Đền Hùng là hoạt động mang tính cộng đồng cùng thực hành Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, thể hiện đạo lý uống nước, nhớ nguồn và sự tôn kính đối với tổ tiên, tinh thần đoàn kết, tính cộng đồng dân tộc.
Lễ rước kiệu về Đền Hùng trong sáng 26/4. Video: TQ
Vào dịp Giỗ Tổ hằng năm, các xã, phường ở vùng ven Khu di tích lịch sử Đền Hùng đều rước kiệu về Đền Hùng để tri ân công đức các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.
Năm nay, lễ rước kiệu về Đền Hùng được tổ chức vào ngày 26/4 (tức mùng 7 tháng 3 âm lịch). Dù diễn ra trước chính lễ ba ngày, nhưng lượng người tập trung về Đền Hùng và tham gia lễ rước kiệu vẫn rất đông.
Ngay từ sáng sớm, hơn 1.000 người đến từ 7 đoàn rước kiệu của các xã Hy Cương, Chu Hóa, Hùng Lô, Kim Đức, phường Vân Phú (TP.Việt Trì); xã Tiên Kiên, thị trấn Hùng Sơn (huyện Lâm Thao) đã đồng loạt rước kiệu từ đình, đền ở các xã, phường về hội tụ dưới chân núi Nghĩa Lĩnh.
Đúng 7 giờ 30 phút, đoàn rước kiệu với bạt ngàn cờ, hoa, lọng, kiệu… xếp thành hàng dài, xuất phát từ dưới chân núi về sân Trung tâm lễ hội, lên cổng Đền Hùng.
Đội hình rước kiệu được sắp xếp theo trình tự: Đi đầu là đội múa sư tử, tiếp đó là đoàn rước Quốc kỳ và cờ hội, đội rước cờ thần nhỏ; các thiếu nữ đội lễ vật, hương hoa; đoàn người đánh chiêng, trống, đội bát âm và múa sinh tiền, rước bát bửu, rước tàn, lọng, đội kiệu, chủ tế và quan viên.
Theo sau là lãnh đạo xã, phường, thị trấn, các cụ cao niên mặc áo the, khăn xếp theo trang phục truyền thống cùng nhân dân tham gia rước kiệu. Lễ vật gồm có hương, hoa, quả, bánh chưng, bánh giầy và các sản vật địa phương...
Ông Nguyễn Đình Sảo - Trưởng ban rước kiệu làng Hy Sơn (thị trấn Hùng Sơn, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) tự hào cho biết, từ xưa, dân làng Hy Sơn đã có truyền thống rước kiệu về đền Hùng trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương. Nghi lễ rước kiệu của làng rất công phu, từ việc sắp lễ đến việc chọn người khiêng kiệu.
"Vào mỗi dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, tôi lại cùng con cháu trong xã tham gia rước kiệu lên núi Nghĩa Lĩnh. Đoàn kiệu của chúng tôi luôn thu hút được sự chú ý của mọi người, vì xã chúng tôi còn lưu giữ được những chiếc kiệu bát cống, kiệu văn có tuổi đời hàng trăm năm" - ông Nguyễn Đình Sảo cho hay.
Ông Sảo cho biết thêm, đối với người dân làng Hy Sơn nói riêng, người dân tỉnh Phú Thọ nói chung, nghi ngày rước kiệu lên Đền Hùng dịp Giỗ Tổ có ý nghĩa chẳng kém gì ngày Tết. Bởi vậy, những người con của làng, của quê hương Đất Tổ, dù đi đâu, ở đâu, những ngày này đều có gắng tề tựu đông đủ.
Theo Ban tổ chức Lễ hội Đền Hùng, Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm 2023, từ bao đời nay, tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng không chỉ là hoạt động tâm linh cầu mong Quốc Tổ phù hộ cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, đất nước yên vui, thịnh vượng, mà còn nhắc nhở, kết nối, củng cố tình đoàn kết, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau của cộng đồng dân tộc Việt Nam, những người cùng chung một cội nguồn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.