Con vật đa tình
Thoạt nhìn, người ta bảo trâu tre là con bọ hung (loài côn trùng ăn phân, rúc ráy trong hố xí bẩn thỉu). Chỉ nghĩ đến chuyện thò tay cầm lên đã thấy dơ bẩn rồi, ai dám chế biến thành món ăn.
Vậy mà, ở những bản làng ven khu bảo tồn Pù Hu (huyện Mường Lát, Thanh Hóa), con bọ cánh cứng có thân hình đen nhẫy, to như ngón chân cái này lại là đặc sản trứ danh. Nó quý hiếm đến nỗi người có tiền cũng khó có thể mua được.
|
Trâu tre - loài "tê giác bay".
|
Người già của bản Tà Cóm (xã Trung Lý) bảo rằng, cứ đến mùa mưa, những con trâu tre lại bới đất đào hang dưới gốc xoan rồi rủ bạn tình về “yêu đương”. Con đực càng to, càng khỏe thì càng thu hút con cái. Nhiều người đã từng đào được một cái hang trâu tre 12-15 con cái vây quanh con đực to như cái chén (bình thường mỗi hang chỉ có 1 con đực và 3 - 4 con cái).
“Tê giác bay” tính khí hung tàn, tợn bạo. Con khỏe hơn thường xâm lấn sang lãnh thổ của kẻ yếu để cướp bạn tình. Chúng đánh nhau chí tử cho đến khi một con phải đầu hàng bỏ chạy.
Nắm bắt được tập tính ấy, người Mông ở bản Tà Cóm đã nghĩ ra trò trọi trâu tre để mua vui. Có khi, trò vui biến tướng thành một cuộc thách đấu. Con trâu tre của ai bị hạ gục sẽ phải thực thi theo đúng giao kèo.Với người lớn, vật thách đấu thường là một con gà; một ngày công phát cỏ nương hoặc 3 chai rượu.
Thời trẻ, Phàng A Chỉnh (39 tuổi, ngụ tại bản Tà Cóm) là một tay săn trâu tre trọi đẳng cấp. Anh thường luồn sâu vào những khu đất rậm rạp và hẻo lánh tìm những gốc xoan to lớn để đào bới.
|
Trâu tre thường đào hang ở gốc và rễ cây xoan để hút nhựa.
|
"Mấy năm trước, tôi bắt được một con trâu tre đực to như cái chuôi dao, sừng dài gần 3cm. Sáu cái chân của nó nhiều lông, cào xước cả da. Hai cánh đập cành cạch giãy giụa như quạt cóc đang chạy. Đem về thách đấu với những con khác, cùng lắm nó vung hai ba đòn là đối thủ phải bỏ chạy. Sau mỗi cuộc đấu, thịt, rượu ăn xả láng”, Chỉnh chia sẻ.
Một buổi săn trâu tre Thấy tôi hiếu kỳ câu chuyện về con “tê giác bay”, Thào A Sang (em trai trưởng bản Tà Cóm Thào A Thái) cho tôi “bám đuôi” một buổi săn trâu tre. Đồ nghề của Sang chỉ có một túi vải, một cây thuổng, một cái cuốc và con dao cài thắt lưng.
Sang bảo: “Mùa này mưa ít, đất cứng rồi, trâu tre cái đã đẻ xong trứng và chuẩn bị chết cùng con đực vì rét quá. Anh thấy cái hang nào nằm ở gốc cây xoan có nhiều mối thì bỏ qua, vì đào cũng chỉ tìm thấy xác con trâu tre”.
Chúng tôi tiến đến một gốc xoan bị đào bới tứ tung, chỉ còn trơ bộ rễ phía lưng đồi Suối Pùng. Tưởng rằng không còn sót một sinh vật sống nhưng Sang không bỏ qua. Anh lom khom dòm ngó một lúc, chợt thấy mấy cái lỗ hổng nhỏ như đầu ngón tay cách thân cây 2m.
Cầm lưỡi thuổng hảy hảy lớp đất mặt, một cái hang to như cổ tay người lớn bỗng xuất hiện. Thợ săn trâu tre cười mừng rỡ: “Đây rồi! Tối nay chắc chắn có đồ nhắm rượu”.
|
Cuộc đấu giữa những chú trâu tre đực.
|
Hang trâu tre tuy to nhưng không sâu mà chạy dọc theo rễ cây, bởi nhựa xoan chính là thức ăn của chúng. Đi rừng thường nhật như con nai, con hoẵng, Sang thống kê từ khu Suối Quặp đến suối Pùng có khoảng 6.000 cây xoan to cỡ cột nhà.
Riêng khu suối Quặp đường đi rậm rạp nên nhiều người ngán, ai chịu được gai mây cào xước chui vào đào hang trâu tre thì vớ bở. Một gốc nhặt được 3-4 kg là chuyện thường.
“Mới đây, một người ở bản Chiền đi cùng thằng Hờ A Pó lên sát khu bảo tồn Pù Hu đào một buổi sáng được 1 yến trâu tre. Hai người rủ nhau phi xuống khu thủy điện Trung Sơn bán 200.000 đồng/kg. Cánh công nhân ở đấy tranh nhau mua. Nếu không muốn đi xa, chỉ cần ra mấy bản người Thái ở dọc sông Mã bán 150.000 đồng/kg, chẳng cần kỳ kèo làm gì cho mệt”, Sang nói.
Ngoài cách đào hang, có một tuyệt chiêu khác dẫn dụ đàn trâu tre tự tìm đến mà không cần tốn sức. Đó là thắp đèn. Sang lý giải, những con bọ cánh cứng thường sử dụng mặt trăng hay các ngôi sao để làm “la bàn” định hướng di chuyển. Khi thấy ánh sáng, nghĩa là đường đi không có chướng ngại vật. Chúng bay thẳng về phía đó để kiếm ăn.
“Con thiêu thân hay con trâu tre tự lao vào đống lửa hay bóng đèn rồi chết không phải vì nó ngu dốt, mà vì nó khôn quá đấy anh ạ”, Sang khoe sự hiểu biết côn trùng của mình.
Trưởng bản Thào A Thái kể, tháng 7.2007, Bí thư Đảng ủy xã Trung Lý công tác tại Tà Cóm. Việc xong xuôi cũng là lúc mặt trời lặn. Bản nằm cách trung tâm xã 48 km nên đành nghỉ lại qua đêm.
Chẳng mấy khi có cán bộ to đến, dân bản bảo nhau mổ lợn thiết đãi. Bóng điện dẫn ra ngoài trời để thái thịt, đúc dồi. Bỗng từ đâu có đàn trâu tre kéo đến. Dân bản thu được đầy túi vải. Ông Bí thư thấy thế ra xem rồi bảo: “Ai muốn ăn thịt thì cứ ăn nhé. Chỗ trâu tre này dành phần tôi”.
Trong khi trưởng bản Thào A Thái kể chuyện về con “tê giác bay”, ông em trai Thào A Sùng hí hoáy vặt cánh trâu tre, cắt bỏ phần chân dưới rồi xé đít moi sạch ruột ra ngoài.
Sau khi rửa sạch nước, Sùng đặt con vật xuống thớt rồi cầm nghiêng dao đập dập xương. Cô vợ cầm một gói nụ mắc khén đã nướng, ống muối, mì chính và lá chanh thái nhỏ để tẩm ướp gia vị.
Phía trong bếp, than hoa đã đỏ hồng. Hương thơm ngào ngạt từ những xiên thịt trâu tre được hơi nóng đẩy lên, lan tỏa khắp không gian. Mấy đứa trẻ gần đó không chịu được sức hút của thứ mùi quyến rũ xúm xít lại ngồi.
Không ai nói, nhưng cái nhìn thèm thuồng của chúng nhắc tôi biết rằng miệng ai cũng nuốt nước bọt ừng ực. Kéo con trâu tre đang bốc khói nóng hôi hổi khỏi xiên, đưa lên miệng nhai, mùi thơm giòn của xương cùng vị ngọt dai như da bê đánh thức vị giác cực đại.
|
Những xiên trâu tre nướng bốc mùi thơm lừng.
|
Thào A Sự, một người dân trong bản, nhìn kiểu ăn ngon lành của tôi cười phá tan không gian yên lặng của rừng núi rồi bảo: “Ngon chứ nhà báo? Kiểu ni, cảm xúc viết phóng sự lên cao ngút trời. Nhớ quảng bá cho sản vật của quê hương tôi hay ho tí nhé”.
Sự bật mí, nếu không kiếm được than hoa nướng, có thể ướp gia vị rồi rang lên. Nhớ không được để lửa to, nếu bị cháy ăn sẽ có mùi hơi khét.
(Theo NNVN)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.