Các bị cáo rời khỏi tòa sau phiên xét xử chiều 12.1.
Ngày 11.2, phiên tòa phúc thẩm xét xử Phạm Công Danh (cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB), Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Thiên Thanh) và đồng phạm tiếp tục phần tranh tụng.
Đáng chú ý, trong phần này có mặt ông Hoàng Văn Toàn (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Tín), Trần Sơn Nam (nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Đại Tín) - những người vừa bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an bắt giam vào tối 10.1.2017. Ông Toàn và ông Nam tham gia phiên tòa với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án.
Tại tòa, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích cho ông Hoàng Văn Toàn và bản thân ông đã trình bày kháng cáo yêu cầu hủy quyết định khởi tố vụ án “Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, liên quan đến hành vi của nhóm hội đồng tín dụng Ngân hàng Đại Tín gồm ông Hoàng Văn Toàn, Trần Sơn Nam và các thành viên khác của bản án sơ thẩm.
Luật sư nhận định bản án sơ thẩm đã vi phạm về tố tụng. Bởi trong phần công bố quyết định khởi tố vụ án tại phiên tòa sơ thẩm vào ngày 9.9.2016, HĐXX sơ thẩm đề nghị khởi tố vụ án về hành vi Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Nhưng khi nhận được bản án thì lại đề nghị khởi tố về tội vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Việc không thống nhất giữa lời tuyên án tại tòa sơ thẩm và bản án sơ thẩm đã gây ảnh hưởng đến những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, bởi hai tội danh này hoàn toàn khác biệt nhau về bản chất.
Theo luật sư, tòa cấp sơ thẩm trong quá trình giải quyết không có sự thống nhất. Do đó, cần phải đính chính lại sự trái ngược này để bảo đảm quyền và lợi ích những người liên quan.
Luật sư cũng đưa ra luận cứ cho việc khởi tố hành vi vi phạm quy định về cho vay là không đúng. Do luật sư diễn giải lòng vòng, không tập trung vào trọng tâm kháng cáo của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, HĐXX đã truất quyền tranh tụng của luật sư này.
Đến phần trình bày của mình, ông Hoàng Văn Toàn đồng tình với quan điểm của luật sư. Ông cho rằng ông tham dự tòa với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Tòa cấp sơ thẩm đề nghị khởi tố vụ án, không khởi tố bị can nên ông cho rằng mình không có tội, mà không có tội thì không kháng cáo.
Cựu chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Tín nêu quan điểm cho rằng hình thức thực hiện tố tụng có mâu thuẫn giữa công khai bản án tại tòa và công khai bằng văn bản. Ông cũng dẫn chứng một số quan điểm để kháng cáo toàn diện quyết định khởi tố vụ án của bản án sơ thẩm bởi cho rằng ông không vi phạm quy định cho vay.
Chủ tọa phiên tòa giải thích quyết định khởi tố vụ án với nhóm lãnh đạo Ngân hàng Đại Tín là quyết định chung. Trong quyết định chưa xác định ai là bị can, ai là người có tội, những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan sợ quyền lợi của mình bị ảnh hưởng nên kháng cáo là đúng. Tuy nhiên, HĐXX đề nghị không tập trung quá nhiều vào nội dung vì chưa có cơ sở để xem xét.
Sau phần đề nghị của HĐXX, ông Trần Sơn Nam và một số người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khác đều khẳng định sẽ giữ nguyên kháng cáo yêu cầu hủy quyết định khởi tố vụ án với nhóm lãnh đạo Ngân hàng Đại Tín, đồng thời không nêu ý kiến gì thêm tại tòa.
Trong thời gian điều hành VNCB, Phạm Công Danh đã chỉ đạo cấp dưới thực hiện các hành vi phạm tội, gây tổng thiệt hại cho VNCB hơn 9.000 tỷ đồng. Tại phiên tòa sơ thẩm vào tháng 9.2016, TAND TP.HCM đã tuyên phạt Phạm Công Danh (52 tuổi, cựu Chủ tịch VNCB) mức án 30 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Cùng với hai tội danh này, Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc VNCB) bị tuyên phạt 22 năm tù; Mai Hữu Khương (Giám đốc VNCB Chi nhánh Sài Gòn) bị tuyên phạt 20 năm tù; Hoàng Đình Quyết (nguyên Phó giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn) bị tuyên phạt 19 năm tù. Còn 32 bị cáo khác liên quan đến vụ án này chịu mức án từ 3 năm tù cho hưởng án treo đến 9 năm tù.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.