Đại biểu Quốc hội đề xuất 3 giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, bứt phá sau đại dịch

Trần Quang Thứ hai, ngày 08/11/2021 14:26 PM (GMT+7)
Hiến kế giải pháp giúp doanh nghiệp vực dậy và trở thành động lực cho phát triển kinh tế sau đại dịch, ĐBQH Nguyễn Như So (Bắc Ninh) đề nghị Chính phủ và các bộ ngành tập trung giải quyết 3 nút thắt quan trọng. Trong đó, cần khẩn trương, quyết liệt giải ngân gói hỗ trợ cho doanh nghiệp đã ban hành trong thời gian qua.
Bình luận 0
Đại biểu Quốc hội bày 3 cách giúp doanh nghiệp vực dậy, bứt phá sau đại dịch - Ảnh 1.

ĐBQH Nguyễn Như So (Bắc Ninh) cho rằng: Nhanh chóng ban hành các gói hỗ trợ tiếp theo. Trên thế giới, để vượt qua đại dịch, hầu hết các quốc gia đều phải can thiệp mạnh vào nền kinh tế bằng các gói hỗ trợ. Dịch bệnh còn diễn biến khó lường, doanh nghiệp cần những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn.

Can thiệp mạnh vào nền kinh tế bằng các gói hỗ trợ

Theo Chủ tịch Tập đoàn Dabaco Nguyễn Như So, nhiều chính sách đã ban hành trong thời gian qua chưa bao quát hết các nhóm đối tượng. Việc tiếp cận gói chính sách hỗ trợ còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hưởng thụ còn hạn chế, nhiều doanh nghiệp sản lượng giảm nhưng doanh thu vẫn cao hơn so với những năm trước.

Lợi nhuận âm do giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu vận chuyển, chi phí tăng phi mã, gánh nặng chi phí vừa sản xuất, vừa chống dịch lại không thuộc nhóm đối tượng hỗ trợ.

Đại biểu đoàn Bắc Ninh cho biết, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phải đóng cửa do dịch bệnh như khách sạn, nhà hàng thì việc miễn, giảm thu nhập doanh nghiệp trong khu vực này thực sự là không có ý nghĩa.

"Do vậy, vấn đề đặt ra quan điểm của các nhà làm chính sách phải thực sự muốn hỗ trợ, khuyến khích và mong muốn cho đi, từ đó có cách tiếp cận, cởi mở và thân thiện, nhân văn hơn. Cần tối giản và rút gọn các thủ tục rườm rà, thiện chí và linh động xét duyệt cho đối tượng, tạo điều kiện thuận lợi doanh nghiệp tiếp cận được nguồn hỗ trợ quý giá này", đại biểu Nguyễn Như So khẳng định.

Thứ hai, nhanh chóng ban hành các gói hỗ trợ tiếp theo. Trên thế giới, để vượt qua đại dịch, hầu hết các quốc gia đều phải can thiệp mạnh vào nền kinh tế bằng các gói hỗ trợ. Dịch bệnh còn diễn biến khó lường, doanh nghiệp cần những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn.

"Chính phủ đặt ra mục tiêu nợ công năm 2022 là khoảng 40 - 45% so với GDP và khả thi so với ước thực hiện năm 2021 là 43,7%. Việc kiểm soát lạm phát ở mức 4%, mức này là an toàn so với trần nợ công 60% GDP.

Do vậy, chúng ta còn nhiều dư địa để tiếp tục nghiên cứu, tung ra gói kích thích đủ lớn, có hiệu ứng lan tỏa sâu rộng để phục hồi kinh tế mà vẫn đảm bảo kiểm soát được chỉ tiêu vi mô. Các gói hỗ trợ cần lựa chọn đúng, trúng các đối tượng ngành nghề hay là xác định để nâng cao năng lực cạnh tranh, tự chủ cho doanh nghiệp, trung tâm trong chiến dịch tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2021-2025", đại biểu So nhấn mạnh.

Theo đó, Chủ tịch Tập đoàn Dabaco cho rằng, phải lấy tiêu chí nâng cao năng suất lao động làm then chốt quyết định đến nội lực của doanh nghiệp.

Đẩy mạnh hơn nữa việc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xóa bỏ rào cản định kiến, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân.

Tinh gọn bộ máy hành chính là nhiệm vụ then chốt giúp các doanh nghiệp rút gọn các khâu trung gian, tiết kiệm chi phí nguồn lực. Tuy nhiên, tinh gọn bộ máy không nên máy móc cơ học và nóng vội.

Ba là phát triển, mở rộng thị trường, đây là nhiệm vụ sống còn và phát triển kinh tế. Hiện nay chúng ta lại phụ thuộc quá nhiều vào thị trường nước ngoài, điều này làm cho nền kinh tế Việt Nam dễ bị tổn thương.

Do đó cần phải có chính sách đột phá nhằm ổn định phát triển thị trường nội địa, đa dạng hóa thị trường quốc tế, mở rộng môi trường xuất khẩu mới có tiềm năng tăng cường xúc tiến đầu tư thương mại trực tuyến gắn với chuyển đổi số. Xây dựng trung tâm quảng bá thương hiệu hàng hóa Việt Nam.

Đại biểu Quốc hội bày 3 cách giúp doanh nghiệp vực dậy, bứt phá sau đại dịch - Ảnh 3.

Công nhân chăm sóc lợn tại trang trại của Dabaco (huyện Tiên Du, Bắc Ninh). Ảnh: Vũ Sinh

Tiếp tục cải cách thể chế, cắt giảm thủ tục hành chính

ĐBQH Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) cho hay: Mặc dù việc thực hiện các gói hỗ trợ tài chính hiện nay rất cấp bách nhưng tôi vẫn tha thiết đề nghị chúng ta không thể một chút lơ là. Nhiệm vụ trọng tâm của chúng ta vẫn cứ phải tiếp tục đẩy mạnh các cải cách thể chế, cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia để phát huy được sức mạnh toàn dân để nền kinh tế nước ta không lỡ nhịp với thiên hạ.

"Chính niềm tin vào những cải cách thể chế mạnh mẽ và thực chất chứ không phải là các gói hỗ trợ về tiền bạc sẽ định hình tương lai của nền kinh tế Việt Nam", ĐBQH Vũ Tiến Lộc nói.

ĐBQH Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) đề nghị cần phải rút kinh nghiệm để tổ chức thực hiện thật hiệu quả các chính sách đã ban hành. Đồng thời những tháng còn lại của năm 2021 cần tập trung ưu tiên chỉ đạo thực hiện mục tiêu kép, quan tâm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cần sớm ban hành gói hỗ trợ phục hồi sản xuất trong điều kiện bình thường mới.

Ngoài ra, đại biểu Huy kiến nghị Chính phủ cần có những giải pháp, cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thu hút lao động quay trở lại nơi làm việc tại các khu công nghiệp, thành phố lớn để khôi phục năng lực sản xuất.

Bên cạnh đó cần hỗ trợ các địa phương có phương án giải quyết việc làm cho người lao động trở về mà chưa sẵn sàng quay trở lại các khu công nghiệp thành phố lớn do tâm lý e ngại bởi đại dịch diễn biến phức tạp, và có giải pháp để bảo đảm an ninh, trật tự, tránh những bất ổn về mặt xã hội.

Trao đổi tại phiên thảo luận, ĐBQH Nguyễn Thị Minh Trang (Vĩnh Long) đề nghị Chính phủ trong thực hiện cơ cấu lại đầu tư công, cơ cấu lại nền kinh tế nghiên cứu rà soát, cắt giảm những dự án đầu tư công chưa thực sự cần thiết, cân đối ngân sách, ưu tiên phân bổ nguồn lực cho các địa phương để thực hiện các nhiệm vụ chi cho công tác phòng, chống dịch.

Và chi cho các chương trình mục tiêu quốc gia, đầu tư phát triển mạnh mẽ y tế cơ sở và y tế dự phòng cũng như thực hiện các chính sách an sinh xã hội.

Đồng thời chỉ đạo tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, cải cách thủ tục, quy trình để doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận tiện, kịp thời, nhất là các chính sách về tín dụng để phục hồi sản xuất.

Đại biểu Quốc hội bày 3 cách giúp doanh nghiệp vực dậy, bứt phá sau đại dịch - Ảnh 4.

ĐBQH Nguyễn Thị Minh Trang (Vĩnh Long) chia sẻ tại buổi thảo luận về kế hoạch phát triển KH-XH và công tác phòng chống dịch sáng 8/11.

Tăng cường nguồn lực đầu tư cho Đồng bằng sông Cửu Long

Theo đại biểu Trang, Chính phủ cần tiếp tục hiện thực hóa chủ trương quy hoạch liên kết và thúc đẩy phát triển các vùng kinh tế trọng điểm; tiếp tục triển khai các gói hỗ trợ nhằm tăng cường nguồn lực thực hiện Nghị quyết phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trong đó, ưu tiên cho việc triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với các giải pháp hỗ trợ nông dân giải bài toán về giá cả, chất lượng đầu vào, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, chế biến, bảo quản, nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản thực phẩm.

Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, nhất là dự án nâng cấp, mở rộng các tuyến quốc lộ đang xuống cấp, các dự án đường bộ cao tốc tại đồng bằng sông Cửu Long.

Triển khai sớm các dự án thủy lợi, công trình cống đập, chống sạt lở bờ sông kết hợp với ngăn mặn, trữ nước ngọt giúp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long phát huy được những tiềm năng, lợi thế sẵn có, thực hiện thắng lợi mục tiêu kép cùng với các vùng, miền trong cả nước hoàn thành thắng lợi mục tiêu mà Đảng, Quốc hội và Chính phủ giao trong giai đoạn tiếp theo...


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem