Đại biểu Quốc hội đề xuất cán bộ vi phạm do cơ chế, tự khai báo, hoàn trả lại tiền để "đóng hồ sơ"
Đại biểu Quốc hội đề xuất cán bộ vi phạm do cơ chế được tự khai báo, hoàn trả lại tiền để "đóng hồ sơ"
Gia Bình
Thứ tư, ngày 29/05/2024 12:58 PM (GMT+7)
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị, có quy định với trường hợp cán bộ trước đây sai phạm có phần nguyên nhân từ cơ chế, được tự giác khai báo, hoàn lại nguồn tiền bất hợp pháp, đổi lấy việc “đóng hồ sơ”, không xử lý hình sự. Các sai phạm phát sinh sau này bị xử lý bình thường.
Trong phiên thảo luận sáng 29/5 tại Quốc hội, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) đề nghị Chính phủ có giải pháp cần thiết để khắc phục sớm tình trạng thiếu vật liệu thi công cao tốc, quốc lộ, công trình dân sinh.
Biện pháp này có thể bao gồm tìm vật liệu khác thay thế như cát biển qua xử lý, xỉ than… và nếu được, cần nhanh chóng thí điểm xây dựng cầu cạn đường cao tốc để rút kinh nghiệm.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa. Ảnh: QH
Với công tác phòng ngừa tiêu cực, lãng phí, tham nhũng trong thời gian tới, đại biểu Hòa đề nghị cấp có thẩm quyền "nên có lằn ranh đỏ" bằng quy định cụ thể.
Ông Hòa đề xuất: "Trước đây cán bộ, doanh nghiệp đã có những việc làm không đúng quy định của pháp luật, thu lợi bất chính từ đấu thầu, giao đất không thông qua đấu giá, bắt tay nhau để đấu thầu, lợi dụng chức vụ quyền hạn tác động để tiêu cực... được tự giác khai báo và hoàn trả lại nguồn tiền bất hợp pháp cho Nhà nước".
Đổi lại, những cán bộ này được bảo vệ bí mật và khép lại hồ sơ; được hoạt động, công tác bình thường.
"Việc này giúp cho người lỡ đã nhúng chàm ăn năn, hối cải và cũng là chính sách khoan hồng nhân đạo, nhân văn của Đảng, Nhà nước, như tiền nhân đã nói đánh người chạy đi, không đánh người trở lại", ông Hòa nói tại nghị trường.
Đại biểu Hòa tin rằng, những cán bộ như vậy sẽ làm rất tốt để chuộc lại lỗi lầm của mình thời gian qua.
Trường hợp người không tự giác khai báo, nếu phát hiện sau này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức án cao nhất, không tình tiết giảm nhẹ. Tương tự, với các trường hợp sai phạm sau này, đại biểu Hòa đề xuất: "Sẽ bị xử lý theo quy định hiện hành, không miễn trừ. Có như thế, mọi người sẽ suy nghĩ điều chỉnh hành vi hoạt động của mình, tình hình tham nhũng tiêu cực sẽ giảm".
Ông Hòa nhận định: "Nếu các cơ quan chức năng vào cuộc truy cứu những vụ việc trước đây với tổ chức, cá nhân nào, chắc chắn phải vào lò. Như vậy, biết bao giờ mới hết".
Lý do, những sai phạm trước đây của cán bộ, doanh nghiệp cũng có phần do cơ chế, chính sách khi địa phương nào cũng muốn phát triển kinh tế - xã hội, đô thị hoá, thu ngân sách cao... "cho bằng chị bằng em". Cán bộ do vậy đã "trải thảm đỏ kêu gọi đầu tư, vượt rào, làm không đúng quy định" nên sẽ mắc sai phạm, dù ít hay nhiều.
Hôm 23/5, Đại biểu Phạm Văn Hòa cũng từng phát biểu tại Quốc hội về vấn đề phòng chống tham nhũng với nội dung: "Củi đưa vào lò hiện nay toàn là loại gỗ quý hiếm, rất xót xa. Nhiều quy định phát huy người dám nghĩ dám làm, sáng tạo chịu trách nhiệm, nêu gương, nhưng có làm có sai, không làm không sai, nếu sai cơ quan chức năng vào cuộc thì bị xử lý. Tôi nghĩ, cán bộ làm việc cầm chừng, sợ sai, sợ trách nhiệm cũng có lý do của họ".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.