Đại dự án sông Tích 10 năm vẫn dở dang: Tổng cục Thủy lợi lên tiếng

Nhóm PV Thứ năm, ngày 25/03/2021 06:27 AM (GMT+7)
Trao đổi với DANVIET.VN, ông Lê Hùng Nam, Vụ trưởng Vụ Nguồn nước và nước sạch nông thôn (Tổng cục Thủy lợi) cho biết, cống Lương Phú sẽ là công trình thủy lợi cấp lượng nước lớn nhất nhì cho khu vực phía tây Hà Nội. Tuy nhiên, do dự án chưa hoàn thành nên đây là "điểm nóng" về chậm lấy nước, phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân.
Bình luận 0

Ông Lê Hùng Nam nhận định, việc cống Lương Phú (Dự án đầu tư tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích từ Lương Phú xã Thuần Mỹ, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội) chưa được đưa vào hoạt động sẽ có ảnh hưởng đến hoạt động tưới tiêu trong vùng.

Tiếp loạt Đại dự án sông Tích 10 năm vẫn dở dang: "Điểm nóng" về chậm lấy nước, phục vụ sản xuất vụ Xuân - Ảnh 1.

Công trình máy bơm nước ngầm được Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng và Du lịch Bình Minh xây dựng nhiều năm, nhưng đến nay vẫn chưa lắp đặt máy bơm. Công trình tiền tỷ"dầm mưa dãi nắng" trong nhiều năm khiến người dân không khỏi xót xa.

"Theo thông tin nắm bắt được thì hiện thành phố Hà Nội vẫn đang khai thác tối đa các công trình hiện có để tận dụng mọi nguồn nước trong vùng để cấp cho hoạt động sản xuất. Về lâu dài sẽ khó khăn do nhu cầu nước càng ngày càng gia tăng, trong khi nguồn sinh thủy có xu thế ngày càng kiệt, xả thải ô nhiễm gia tăng. Vì vậy, cần phải sớm đưa cống Lương Phú vào vận hành khai thác" - ông Nam nói.

Cống Phú Lương lớn nhất nhì ở thành phố Hà Nội

Trao đổi với DANVIET.VN, ông Nam cho biết, công trình cống Lương Phú được Bộ NN&PTNT nghiên cứu, phê duyệt quy hoạch thủy lợi. 

Cống Lương Phú là một công trình thủy lợi quan trọng được đầu tư xây dựng góp phần cấp nguồn nước sạch, khá ổn định từ sông Đà, sau thủy điện Hòa Bình, cho một phần diện tích khá lớn phía Tây Hà Nội (là khu vực có nguồn sinh thủy hạn chế) có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội cao của Thủ đô Hà Nội.

Theo quy hoạch thủy lợi, cống Lương Phú sẽ là công trình thủy lợi cấp lượng nước lớn nhất nhì cho khu vực phía tây Hà Nội. Khi đi vào hoạt động cống sẽ cung cấp lưu lượng khoảng 60m3/s, sẽ giúp bảo đảm cấp nước ổn định cho sản xuất nông nghiệp cho toàn vùng, đồng thời góp phần pha loãng, cải thiện chất lượng nước bị ô nhiễm (do hoạt động xả thải) cho hệ thống sông, kênh trong vùng, cải thiện cảnh quan, môi trường.

Theo ông Nam, cống Lương Phú cung cấp lưu lượng khoảng 60m3/s, tương đương 5 triệu m3/ngày đêm là rất lớn và là công trình cấp lượng nước lớn thứ hai của thành phố Hà Nội. "Trong quy hoạch cấp nước thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng chỉ hơn 3 triệu m3/ngày đêm" - ông Nam lấy ví dụ. 

Chính vì thế, việc cống Lương Phú chưa được đưa vào hoạt động sẽ có ảnh hưởng đến hoạt động tưới tiêu trong vùng, theo thông tin nắm bắt được thì hiện thành phố Hà Nội vẫn đang khai thác tối đa các công trình hiện có để tận dụng mọi nguồn nước trong vùng để cấp cho hoạt động sản xuất. 

"Về lâu dài sẽ khó khăn do nhu cầu nước càng ngày càng gia tăng, trong khi nguồn sinh thủy có xu thế ngày càng kiệt, xả thải ô nhiễm gia tăng. Vì vậy, cần phải sớm đưa Cống Lương Phú vào vận hành khai thác" - ông Nam nói.

"Điểm nóng" về lấy nước vụ Đông Xuân chậm

Mục tiêu đầu tư Dự án đầu tư tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích từ Lương Phú xã Thuần Mỹ, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội là cấp nước tưới cho 16.000ha đất nông nghiệp và nhiều mục tiêu khác. 

Về vấn đề này, lãnh đạo Cục Quản lý Công trình thủy lợi (Tổng cục Thủy lợi) cho biết, khi đi vào hoạt động, dự án sẽ cung cấp nước vào hệ thống thủy lợi đang lấy nguồn nước từ hồ Đồng Mô, Trạm bơm dã chiến Phù Sa...

"Khi Dự án này hoạt động thì mực nước hồ Đồng Mô sẽ duy trì ở cốt 18 cộng, trừ 2m để phục vụ phát triển du lịch" - đại diện lãnh đạo Cục Quản lý Công trình thủy lợi nói. 

Tiếp loạt Đại dự án sông Tích 10 năm vẫn dở dang: "Điểm nóng" về chậm lấy nước, phục vụ sản xuất vụ Xuân - Ảnh 3.

Chậm giải phóng mặt bằng, nên dự án sông Tích nhiều năm nay thi công cầm chừng. Nhiều công trường chất đống vật liệu, nhưng thiếu bóng dáng công nhân. Ảnh: Minh Đức

Tuy nhiên, do dự án chưa đi vào hoạt động nên việc cấp nước tưới cho diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn các huyện vẫn phụ thuộc vào nguồn nước từ Trạm bơm dã chiến Phù Sa, hồ Đồng Mô, hồ Suối Hai và khoảng 30 hồ chứa nhỏ trên địa bàn.

Thực tế cho thấy, việc khó khăn về nguồn nước đổ ải, phục vụ gieo cấy trên địa bàn TP.Hà Nội, đặc biệt là ở khu vực Dự án đầu tư tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích đã phát sinh và kéo dài trong nhiều năm nay. 

Ngay như trong vụ Đông Xuân 2020-2021, khi hết đợt 2 xả nước hồ thủy điện, hầu hết các địa phương đều hoàn thành 100% kế hoạch lấy nước phục vụ sản xuất. Riêng thành phố Hà Nội chỉ đạt 85,4%, trong đó các huyện Phúc Thọ, Sơn Tây, Ba Vì, Quốc Oai đạt dưới 80%.

Trao đổi với DANVIET.VN, đại diện lãnh đạo Cục Quản lý Công trình thủy lợi nhận định, trong nhiều năm qua, vùng này trở thành "điểm nóng" về lấy nước chậm, phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân: "Năm nào Bộ, Tổng cục Thủy lợi cũng có báo cáo về vấn đề này".

Trực tiếp đi kiểm tra công tác cấp nước đổ ải Đông Xuân tại một số công trình thủy lợi trên địa bàn thành phố Hà Nội ngày 22/2/2021, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh: "Nhu cầu lấy nước đổ ải cho diện tích ở Hà Nội chỉ cần 10 triệu m3, nhưng chúng tôi đang phải chỉ đạo xả 1 tỷ m3 nước" - ông Hiệp cho hay.

Đáng chú ý, đây không phải lần đầu, mà trong những năm qua, trong 3 đợt xả nước phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân, gần như đợt 3 các hồ thủy điện xả chủ yếu để phục vụ cho thành phố Hà Nội lấy nước, gây lãng phí nguồn nước rất lớn.

Theo nghiên cứu của Bộ NNPTNT, bình quân mỗi năm đáy sông Hồng giảm từ 10-20cm và trong 10 năm qua đáy sông Hồng đã giảm xuống hơn 1m. "Đáy sông Hồng tụt xuống, đến năm 2023 chúng tôi tính toán các thủy điện xả hết công suất thì mực nước Hà Nội khó mà duy trì được để lấy nước như hiện nay" - ông Hiệp khẳng định.

Trong bối cảnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị thành phố Hà Nội nghiên cứu tất cả các trạm bơm dã chiến để tính toán "lấy phụ làm chính", đảm bảo nước phục vụ gieo cấy trên địa bàn. Theo đó, Bộ NNPTNT dự kiến bố trí khoảng 450 tỷ đồng để xây dựng mới Trạm bơm Phù Sa, thay thế Trạm bơm dã chiến Phù Sa đã hoạt động trong nhiều năm qua.

Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV thủy lợi Sông Tích, hiện nay diện tích tưới của hệ Phù Sa là 6.214ha; hệ Đồng Mô là 3.729ha; bơm sông Tích là 2.885ha và các hồ nhỏ, bao đập dâng khác khoảng 709ha.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem