Đại học Khoa học Thái Nguyên: Phát triển chương trình đào tạo du lịch theo hướng ứng dụng

Hà Thanh - Kiều Hải Thứ sáu, ngày 14/04/2023 09:35 AM (GMT+7)
Mới đây, trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên) đã tổ chức buổi toạ đàm với chủ đề “Giải pháp phát triển chương trình đào tạo đại học định hướng ứng dụng cho lĩnh vực du lịch.
Bình luận 0

Mục tiêu của tọa đàm hướng tới đó là, các doanh nghiệp sẽ đánh giá chất lượng của sinh viên tốt nghiệp ngành Du lịch như thế nào, điểm mạnh và điểm yếu nằm ở đâu? Và trong tương lai, nguồn nhân lực Du lịch của Việt Nam cần phải có những kĩ năng gì để đáp ứng nhu cầu thị trường?

 Đại học Khoa học Thái Nguyên: Phát triển chương trình đào tạo du lịch theo hướng ứng dụng  - Ảnh 1.

Toàn cảnh buổi toạ đàm. Ảnh: Hà Thanh

Tại buổi toạ đàm, ông Helmut Weber, GS.TS. Trường Đại học Khoa học Ứng dụng Konstanz (Đức) đã trao đổi về hệ thống giáo dục – đào tạo ở Đức và đưa ra những vấn đề tồn tại về đào tạo Du lịch ở Việt Nam hiện nay. 

Ông Helmut cho rằng, đang có khoảng cách giữa những kiến thức sinh viên được đào tạo trong nhà trường và nhu cầu của xã hội. Qua đó, ông nhấn mạnh, có 2 kỹ năng cần thiết cho nhân lực ngành du lịch đó là kỹ năng cứng: Phân tích thị trường, phát triển sản phẩm, marketing và kỹ năng mềm: Ngoại ngữ, kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng làm việc nhóm.

Đồng thời, ông Helmut Weber cũng thông qua dự án tài trợ về chương trình đào tạo giảng dạy ngành du lịch tại trường Đại học Khoa học. Đây là dự án kéo dài trong 2 năm, được tổ chức DAAD tài trợ nhằm tìm ra những giải pháp phát triển chương trình đào tạo giảng dạy ngành Du lịch.

Trong đó, dự án sẽ gồm 4 mục tiêu: Thứ nhất là xem xét, rà soát chương trình đào tạo tại trường Đại học khoa học và lắng nghe ý kiến chuyên gia về chương trình đào tạo ngành Du lịch (tính ứng dụng và sự phát triển bền vững của ngành du lịch). 

Thứ hai, nhằm nâng cao chất lượng của đội ngũ giáo viên giảng dạy trong chương trình đào tạo. Thứ ba là vấn đề kết nối giữa các chuyên gia và doanh nghiệp để nâng cao chất lượng đào tạo. Thứ tư là nâng cao chất lượng quản lý của các chương trình đào tạo.

Tại chương trình, GS.TS Helmut Weber đã trao tặng học liệu cho Nhà trường để phục vụ nghiên cứu và giảng dạy trong lĩnh vực du lịch.

 Đại học Khoa học Thái Nguyên: Phát triển chương trình đào tạo du lịch theo hướng ứng dụng  - Ảnh 2.

GS.TS Helmut Weber trao tặng học liệu cho Trường Đại học Khoa học Thái Nguyên để phục vụ nghiên cứu và giảng dạy trong lĩnh vực du lịch. Ảnh: Hà Thanh

Trao đổi, thảo luận tại buổi toạ đàm, ông Nguyễn Tùng Lâm - Đại diện Sở VHTT&DL Thái Nguyên thông tin: Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện có hơn 2.700 người lao động trong lĩnh vực du lịch, 466 cơ sở lưu trú và 17 công ty lữ hành. Trong đó có 4 sản phẩm du lịch chủ đạo là: Du lịch văn hóa, tâm linh, lịch sử, sinh thái nghỉ dưỡng.

 Hiện nay, tỉnh Thái Nguyên đang quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển du lịch, đầu tư các tuyến đường như quốc lộ 3, quốc lộ 31 vào khu ATK Định Hóa đi thẳng đến huyện Chợ Mới – Bắc Kạn, tuyến đường Bắc Sơn dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2023 để tăng khả năng tiếp cận vào khu du lịch hồ Núi Cốc.

Ông Lâm cho biết thêm, hiện chính sách tuyển dụng tại các cơ quan nhà nước đối với ngành du lịch đang ưu tiên sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi.

 Đại học Khoa học Thái Nguyên: Phát triển chương trình đào tạo du lịch theo hướng ứng dụng  - Ảnh 3.

Đại diện các đơn vị liên quan trong lĩnh vực du lịch phát biểu tại buổi toạ đàm. Ảnh: Hà Thanh

Tuy nhiên, thực trạng hiện nay, đội ngũ làm du lịch trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên còn hạn chế về số lượng và chất lượng. Số lượng cán bộ du lịch chỉ chiếm 17 - 20% tổng số cán bộ tại các sở ban ngành. Vốn hiểu biết về địa lý, lịch sử văn hóa còn hạn chế, kỹ năng mềm của sinh viên nhìn chung còn yếu. Vì vậy, các cơ sở đào tạo cần gia tăng các hoạt động khuyến khích sinh viên tham gia tích cực hơn trong việc tìm hiểu về văn hóa, lịch sử, địa lý.

Trước thực trạng đó, ông Ma Khánh Huy - Đại diện công ty du lịch Âu Lạc cho biết: Hiện nay, các doanh nghiệp đang đẩy mạnh vào tìm kiếm đội ngũ nhân lực có chất lượng cao. Cụ thể như đội ngũ hướng dẫn viên quốc tế, nhưng số lượng hướng dẫn viên quốc tế ở Thái Nguyên hiện rất ít vì sinh viên đa phần yếu về kỹ năng ngoại ngữ. Ông đề xuất nhà trường cần chú trọng hơn nữa vào việc bổ trợ ngoại ngữ cho sinh viên bằng việc xây dựng, bổ sung thêm và chuyên sâu hơn về các học phần ngoại ngữ chuyên ngành du lịch.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Chí Viết - Đại diện Khách sạn Crowne Plaza Vĩnh Yên city Centre, Tập đoàn IHG nêu quan điểm các trường cần thu hẹp khoảng cách giữa đào tạo và nhu cầu thực tế. Đề xuất đưa môn học phát triển du lịch bền vững vào chương trình đào tạo. Đồng thời, nhà trường nên đầu tư thêm về cơ sở vật chất cho sinh viên có môi trường thực hành nhiều hơn.

Còn theo bà Lý Thị Chiên - Đại diện Noọng Homestay đưa ra ý kiến, các trường cần rõ ràng về quan điểm đào tạo (theo hướng nghiên cứu chuyên sâu hoặc hướng huấn luyện viên). Nhờ đó, sinh viên vừa có kỹ năng tốt, vừa có kiến thức chuyên sâu. Đồng thời, đưa ra những định hướng rõ ràng hơn cho sinh viên trong quá trình học tập tại trường.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem