Đại hội Phật giáo toàn quốc sẽ tu chỉnh Hiến chương
Đại hội Phật giáo toàn quốc sẽ tu chỉnh Hiến chương, bàn về tài sản riêng của Tăng, Ni
Hà Tùng Long
Thứ hai, ngày 28/11/2022 11:06 AM (GMT+7)
Sáng 28/11, Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX chính thức khai mạc tại Hà Nội. Đại hội sẽ diễn ra trong 2 ngày 28 & 29/11, bàn nhiều vấn đề quan trọng trong thay đổi Hiến chương.
Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX có chủ đề "Kỷ cương - Trách nhiệm - Đoàn kết - Phát triển" với sự tham dự của 1.091 đại biểu gồm chư tôn đức Hòa thượng thành viên Hội đồng Chứng minh; Hòa thượng, Thượng tọa, Ni trưởng, Ni sư, Đại đức Tăng, Ni, cư sĩ, Phật tử thành viên Hội đồng Trị sự GHPGVN; đại biểu các ban, viện trực thuộc Trung ương Giáo hội; Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố trong cả nước và đại biểu tăng, ni, Phật tử Hội Phật tử Việt Nam ở nước ngoài.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN nhấn mạnh: "Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022-2027 là sự kiện đặc biệt quan trọng đối với Tăng Ni, đồng bào tín đồ Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam ở trong nước và nước ngoài…. Nhiệm kỳ IX (2022-2027), Tăng Ni, tín đồ Phật tử các cấp GHPGVN nỗ lực phấn đấu theo định hướng "Kỷ cương - Trách nhiệm - Đoàn kết - Phát triển".
Tại Đại hội này, các đại biểu có nhiệm vụ tập trung thảo luận, đánh giá, rút ra bài học kinh nghiệm, phương thức thực hiện hiệu quả các Phật sự trong điều kiện, hoàn cảnh thực tế trong nhiệm kỳ vừa qua. Qua đó đề ra phương hướng hoạt động Phật sự nhiệm kỳ tới; thảo luận, đóng góp ý kiến vào 12 mục tiêu Phật sự lớn của Giáo hội trong nhiệm kỳ tới, các dự thảo văn kiện trình Đại hội; suy tôn Đức Pháp chủ và bổ sung Hội đồng Chứng minh; suy cử Hội đồng Trị sự khóa IX, nhiệm kỳ 2022-2027 và một trong những nội dung quan trọng của Đại hội kỳ này là tiến hành tu chỉnh Hiến chương GHPGVN đảm bảo Hiến chương thực sự phù hợp với các quy định trong Luật tín ngưỡng, tôn giáo và pháp luật Nhà nước liên quan, cũng như phù hợp với thực tiễn trong công tác điều hành Phật sự".
Phát biểu tại Lễ khai mạc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và quyền tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, thực hiện bình đẳng giữa các tôn giáo; bảo đảm sinh hoạt tôn giáo đúng pháp luật, đúng Hiến chương và điều lệ của các tôn giáo được Nhà nước công nhận.
Qua đó, giữ gìn, phát huy phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp, nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước, không ngừng chăm lo đời sống cho nhân dân, tạo điều kiện cho đồng bào có đạo, chức sắc các tôn giáo thực hiện tốt việc tu hành chân chính và làm tròn bổn phận của công dân đối với Tổ quốc.
Trên tinh thần đó, Chủ tịch nước đề nghị Đại hội tập trung thảo luận, thống nhất ý chí và hành động của toàn thể Giáo hội để quyết tâm thực hiện thành công 12 mục tiêu tổng quát về hoạt động Phật sự trong nhiệm kỳ 2022-2027 đã đề ra. Xây dựng GHPGVN trang nghiêm, vững mạnh, phát triển; suy tôn, suy cử các quý vị lãnh đạo trong Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự là những người tiêu biểu về đạo hạnh và năng lực, đại diện cho các hệ phái, vùng miền, xứng đáng là “thạch trụ tùng lâm”.
Thống nhất tu chỉnh Hiến chương phù hợp và đáp ứng yêu cầu hoạt động của Giáo hội trong giai đoạn mới, tiếp tục phát huy những giá trị tốt đẹp của Phật giáo, khẳng định vị thế của tổ chức Phật giáo duy nhất ở Việt Nam đại diện cho tăng, ni, phật tử Việt Nam ở trong và ngoài nước, làm cơ sở để tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp "Hộ quốc an dân" của Phật giáo Việt Nam trong giai đoạn mới.
Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch nước ghi nhận, đánh giá cao những kết quả tốt đẹp, những đóng góp quan trọng của GHPGVN trong nhiệm kỳ 2017 - 2022 vào thành tựu chung của đất nước.
Tại buổi Lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các ban, bộ, ngành đã trao Huân chương Lao động, Huân chương Đại đoàn kết dân tộc và nhiều phần thưởng khác tặng các tập thể ban, viện Trung ương, Ban Trị sự và cá nhân Tăng, Ni, Phật tử thành viên Giáo hội có thành tích đặc biệt đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc; chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo, thực hiện đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Đại hội Phật giáo toàn quốc sẽ tu chỉnh Hiến chương, bàn về tài sản Tăng, Ni
Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự, Thư ký Ban Chỉ đạo, Trưởng ban Nội dung Đại hội chia sẻ, mục đích việc tu chỉnh Hiến chương của GHPGVN lần này để Hiến chương thực sự phù hợp với các quy định trong Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và pháp luật Nhà nước liên quan, cũng như phù hợp với thực tiễn trong công tác điều hành Phật sự trong giai đoạn hiện nay. Bản dự thảo Hiến chương tu chỉnh lần này gồm 14 chương và 86 điều, nhiều hơn Hiến chương GHPGVN hiện hành 1 chương và 15 điều.
Ban Thường trực Hội đồng Trị sự và Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự trực tiếp chỉ đạo Ban soạn thảo tu chỉnh Hiến chương từ rất sớm bắt tay vào công việc nghiên cứu, xin ý kiến góp ý rộng rãi của các Ban, Viện Trung ương; Ban Trị sự GHPGVN các cấp; Tăng Ni, Phật tử; các nhà nghiên cứu, chuyên môn về pháp luật, về quản lý nhà nước về tôn giáo từ đầu năm 2021. Đến nay, bản dự thảo Hiến chương GHPGVN lần này đã qua 3 lần xin ý kiến đóng góp và tiếp thu ý kiến góp ý của đông đảo chư tôn đức Tăng Ni và các chuyên gia, nhà nghiên cứu.
Hiến chương tu chỉnh lần này tập trung vào cơ cấu hệ thống tổ chức các cấp hành chính Giáo hội. Sửa đổi bổ sung cấp hành chính cơ sở. Sau khi tu chỉnh, Hiến chương GHPGVN sẽ có 4 cấp hành chính: GHPGVN cấp Trung ương (bao gồm: Hội đồng Chứng minh và các cơ quan của Hội đồng Chứng minh; Hội đồng Trị sự và các cơ quan của Hội đồng Trị sự); GHPGVN cấp tỉnh, thành phố (bao gồm: Ban Chứng minh; Ban Trị sự và các cơ quan của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, thành phố); GHPGVN cấp quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (bao gồm: Ban Chứng minh; Ban Trị sự và các cơ quan của Ban Trị sự GHPGVN quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương); GHPGVN cấp cơ sở: Ban Quản trị cơ sở tự viện. Hiến chương tu chỉnh đã dành riêng một chương mới quy định về GHPGVN cấp cơ sở (Chương VIII). Hiến chương tu chỉnh cũng có quy định cụ thể về tài sản của tổ chức tôn giáo trực thuộc GHPGVN và tài sản của Tăng, Ni.
Hòa thượng Thích Huệ Thông – Phó Thư ký Hội đồng Trị sự kiêm Chánh VP II cho biết, Hiến chương lần này sẽ quy định rất rõ về vấn đề liên quan đến tài sản của tổ chức tôn giáo trực thuộc GHPGVN và tài sản của Tăng, Ni để tránh những tình trạng sử dụng tiền của Tam Bảo làm của riêng. Theo đó, trước đây Hiến chương không quy định chuyện tài sản, nhưng Nội quy Ban Tăng sự của giáo hội đã quy định rõ, nếu Tăng, Ni đang ở chùa, muốn sở hữu tài sản riêng phải chứng minh được tài sản là của riêng mình như tài sản do cha mẹ, anh chị em cho tặng hay do Phật tử cúng dường riêng cho Tăng, Ni… Còn nếu không chứng minh được, toàn bộ tài sản đều thuộc của Tam Bảo thì khi hoàn tục mà nói đó là tài sản riêng để mang đi Giáo hội không chấp nhận.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.