Nữ sinh 15 tuổi gây kinh ngạc khi ra mắt tiểu thuyết ngôn tình về tình yêu nơi tiên giới

Khánh Đăng Thứ hai, ngày 28/11/2022 08:38 AM (GMT+7)
Tác giả Nguyệt Thượng Thanh Phong – một cô bé 15 tuổi đã gây kinh ngạc cho nhiều người khi ra mắt tập tiểu thuyết ngôn tình thuộc thể loại huyền huyễn mang tên “Hai kiếp phàm trần một kiếp tiên”.
Bình luận 0

Nguyệt Thượng Thanh Phong tên thật là Minh Châu, sinh năm 2007, hiện đang học THCS tại Hà Nội. Cuốn tiểu thuyết được nữ sinh này viết từ năm 12 tuổi và phải mất 3 năm mới hoàn thành. Tiểu thuyết xoay quanh câu chuyện về tình yêu, số phận, những biến cố của 12 vị Thượng thần cả khi ở trên thiên giới và lúc lịch kiếp xuống phàm trần. Cũng ở đó, tác giả đan xen những câu chuyện về thế sự, nhân sinh hết sức sâu sắc.

Nữ sinh 15 tuổi gây kinh ngạc khi ra mắt tiểu thuyết ngôn tình về tình yêu nơi tiên giới - Ảnh 1.

Tác giả Nguyệt Thượng Thanh Phong (áo dài vàng) trong buổi ra mắt sách. Ảnh: GĐCC.

Để hoàn thành được cuốn tiểu thuyết ngôn tình huyền huyễn này, Nguyệt Thượng Thanh Phong đã phải đọc rất nhiều. Vừa đọc, cô vừa tư duy về những điều mình sẽ viết để đắp bồi nguồn cảm hứng cho những sáng tạo của mình. Cô đặc biệt thích những thể loại phim cổ trang, chuyện dã sử và truyện lịch sử.

"Tôi rất hứng thú với những bộ phim cổ trang, lấy bối cảnh từ thời cổ đại và trung đại của Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam… Năm lớp 7 và lớp 8, tôi đã đọc rất nhiều bộ tiểu thuyết lịch sử và chính những bộ sách này đã mang đến cho tôi nguồn cảm hứng để viết nên "Hai kiếp phàm trần một kiếp tiên". 

Đọc nhiều nhưng không có nghĩa là tôi bị ảnh hưởng bởi mô-tuýp của tiểu thuyết ngôn tình, một nam chính, một nữ chính. Tôi sáng tạo ra lối viết của mình đó là dựa vào 12 chòm sao cung Hoàng Đạo. Tức là lấy bối cảnh Trung Hoa cổ đại nhưng lại có tới 12 nhân vật chính, tên của mỗi nhân vật gắn với chòm sao cung Hoàng Đạo của phương Tây", Nguyệt Thượng Thanh Phong bày tỏ.

Nữ sinh 15 tuổi gây kinh ngạc khi ra mắt tiểu thuyết ngôn tình về tình yêu nơi tiên giới - Ảnh 2.

Tiểu thuyết “Hai kiếp phàm trần một kiếp tiên” được tác giả viết trong 3 năm. Ảnh: GĐCC.

Nhà phê bình văn học Lam Nguyên cho rằng, ngay mở đầu tác phẩm, Nguyệt Thượng Thanh Phong đã đem đến cho bạn đọc những bối cảnh vừa thần tiên, vừa phàm trần để bạn đọc chuẩn bị được những hình dung cơ bản mà không có sự vênh lệch nào. Càng đọc chúng ta càng thấy hiện ra một đại cảnh rộng lớn, phức tạp với sự xuất hiện của nhiều nhân vật.

"Việc đặt tên các nhân vật chính theo tên của mười hai cung Hoàng Đạo cũng là một sự khám phá, sáng tạo đầy độc đáo, bất ngờ và vô cùng thú vị mà Nguyệt Thượng Thanh Phong đem đến cho bạn đọc. Càng đọc chúng ta sẽ càng thấy vỡ ra một điều gì đó, đó là cách mà tác giả đã dẫn dắt, thu hút và chinh phục chúng ta qua từng chi tiết, từng góc nhìn, từng bối cảnh.

Có thể nói, ở kiếp phàm trần tính cách, số phận của các nhân vật còn đang đặt ra cho chúng ta những băn khoăn, những dấu hỏi để ngỏ thì tác giả đã vô cùng điêu luyện và khéo léo như một nhà văn cao tay đích thực khi giải thích, lý giải ở phần kiếp tiên của các nhân vật", nhà phê bình văn học Lam Nguyên nhận xét.

Nữ sinh 15 tuổi gây kinh ngạc khi ra mắt tiểu thuyết ngôn tình về tình yêu nơi tiên giới - Ảnh 4.

Tác giả Nguyệt Thượng Thanh Phong vẫn đang ấp ủ những sáng tạo mới. Ảnh: GĐCC.

Nguyệt Thượng Thanh Phong: Viết tiểu thuyết từ năm 12 tuổi và 15 tuổi đã gây xôn xao

Theo nhà phê bình văn học Lam Nguyên, tiểu thuyết vốn là thể loại văn học hư cấu, ở tiểu thuyết huyền huyễn thì yếu tố hư cấu lại càng cao hơn, lớn hơn. Tuy nhiên, cái mà chúng ta thấy được qua "Hai kiếp phàm trần một kiếp tiên" không phải là những yếu tố phi thực tế, xa rời thực tế, thiếu logic, mà ngược lại - ở đó ta thấy được trùng điệp nhân sinh với những hỉ nộ ái ố, những tính cách hành vi toan tính và tình yêu rất con người.

Một điều đáng quý nữa ở cây bút trẻ tuổi này là, trong trùng trùng chi tiết trong đó có không ít chi tiết phức tạp được xây dựng lên một cách công phu thì tác giả luôn giữ cho mình một giọng văn tự nhiên, điềm đạm, khách quan, không phán xét. Đây cũng là yếu tố giúp tác giả giữ được giọng điệu, phong cách riêng xuyên suốt tác phẩm, mang đến cho tác phẩm sự lôi cuốn, sinh động và bạn đọc không có cảm giác bị áp đặt theo cái nhìn của tác giả mà họ được tự do liên tưởng, tự do cảm nhận và nhìn nhận vấn đề. Tác giả biết tạo ra những gay cấn, những bất ngờ và cả những khoảng lặng để người đọc chiêm nghiệm, suy ngẫm. Đặc biệt, tác phẩm không bị rơi vào bi kịch hoá nhưng vẫn gợi lên nhiều sự trắc ẩn sâu xa.

"Có thể nói, tiểu thuyết ngôn tình huyền huyễn đã và đang nở rộ ở Trung Quốc, Việt Nam cũng bị ảnh hưởng không nhỏ, ngay kể cả tác giả Nguyệt Thượng Thanh Phong. Tuy nhiên, cô bé đã có ý thức đưa thể loại này về gần gũi hơn với người Việt Nam, qua đó thể hiện ý chí muốn thể loại này cũng có bản sắc riêng của tác giả người Việt", nhà phê bình văn học Lam Nguyên nói thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem