Đắk Lắk đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo 3,46% trong năm nay

Duy Hậu Thứ tư, ngày 11/12/2019 16:19 PM (GMT+7)
Nhờ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, các chính sách xóa đói giảm nghèo đã được các ban, ngành tỉnh Đắk Lắk triển khai kịp thời, góp phần quan trọng vào việc giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo, phát triển kinh tế bền vững, ổn định chính trị - xã hội, an ninh - quốc phòng trên địa bàn...
Bình luận 0

Hỗ trợ toàn diện

Những năm qua, cùng với việc quan tâm triển khai sâu rộng, kịp thời các chính sách cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, các cơ quan ban ngành ở Đắk Lắk đã đẩy mạnh việc hỗ trợ vốn, đồng thời xây dựng các mô hình kinh tế có hiệu quả giúp người dân nhanh chóng thoát nghèo.

img

Mô hình nuôi dê đã giúp nhiều gia đình tại huyện Cư M'Gar giảm nghèo hiệu quả. Ảnh: Duy Hậu

Thống kê của Sở Lao động – Thương binh và xã hội (LĐTBXH) tỉnh Đắk Lắk cho thấy, giai đoạn 2016-2018, nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp 166.649 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn làm ăn, với doanh số cho vay hơn 3.014 tỷ đồng; dư nợ đạt hơn 4.368 tỷ đồng, nợ quá hạn là 5.411 triệu đồng, tỷ lệ 0,12%.

Song song với việc triển khai chương trình cho vay vốn ưu đãi, tỉnh cũng đã đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ khuyến nông, khuyến lâm và phát triển thủy sản cho nông dân như tập huấn hướng dẫn cách làm ăn, tạo điều kiện để hộ nghèo tham gia các mô hình trình diễn, tổ chức hội thảo đầu bờ, thả các loại cá nhằm bổ sung nguồn lợi thủy sản cho các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo…

Bên cạnh đó, chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng được tỉnh chú trọng, xem đây là một trong những giải pháp hiệu quả nhằm tạo việc làm cho người nghèo. Giai đoạn 2016-2018, tỉnh Đắk Lắk đã triển khai 258 lớp học nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp cho 8.911 người, trong đó: 2.007 người nghèo, kinh phí thực hiện hơn 24 tỷ đồng (trong đó kinh phí hỗ trợ học nghề cho người nghèo là 8,956 tỷ đồng); các nghề đào tạo chủ yếu là chăn nuôi, trồng trọt, trồng và khai thác nấm, may công nghiệp, xây dựng dân dụng, dệt thổ cẩm, sửa chữa máy nông nghiệp…

Ngoài ra, các chính sách khác cho người nghèo cũng được tỉnh triển khai kịp thời, rộng rãi. Thống kê của Sở LĐTBXH tỉnh Đắk Lắk cho thấy, giai đoạn 2016-2018, cơ quan chức năng đã cấp gần 3 triệu thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, cận nghèo và các đối tượng được ngân sách hỗ trợ, với số tiền hơn 1.907 tỷ đồng; gần 4 triệu lượt người nghèo, cận nghèo và các đối tượng được khám chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế với số tiền hơn 1.528 tỷ đồng; hỗ trợ gạo, hỗ trợ tiền ăn, tiền thuê nhà ở cho 197.615 lượt học sinh, sinh viên; xây dựng gần 5.500 căn nhà cho người nghèo, giúp bà con an cư lạc nghiệp...

Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc

Để các chính sách giảm nghèo được triển khai sâu rộng đến tất cả người nghèo trên địa bàn tỉnh, những năm qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng các hội, đoàn thể Đắk Lắk cũng đã vào cuộc tích cực. Giai đoạn 2016-2018, các đơn vị này đã huy động từ các các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh để tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa hỗ trợ người nghèo, cận nghèo, người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh về vay vốn phát triển sản xuất, hỗ trợ y tế, giáo dục, nhà ở, làm đường giao thông…, với kinh phí là 116.155 triệu đồng.

Chỉ trong năm 2018, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã tổ chức huy động Quỹ “Ngày vì người nghèo” toàn tỉnh trong năm 2018 đạt hơn 16,3 tỷ đồng; xây dựng 260 căn nhà đại đoàn kết, sửa chữa hàng chục căn nhà, mua bò giống sinh sản, hỗ trợ phát triển sản xuất cho hàng chục hộ nghèo…

Hội Nông dân tỉnh đã vận động các chi Hội và hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi hỗ trợ cho 2.669 hộ nghèo với số tiền gần 7,5 tỷ đồng, 1.669 con giống các loại, 39.550 cây giống, 303 tấn phân bón và 2.970 ngày công; hướng dẫn cách sản xuất và phổ biến kinh nghiệm, khoa học kỹ thuật cho 8.623 lượt hộ nghèo, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay hơn 318 tỷ đồng cho 15.909 hộ nghèo vay vốn, tổ chức thăm hỏi, tặng 227 suất quà trị giá 41,5 triệu đồng cho hộ nghèo…

Ông Trần Phú Hùng – Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Đắk Lắk cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chương trình giảm nghèo trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Chất lượng giảm nghèo chưa thật sự bền vững, nguy cơ tái nghèo cao; chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2016-2018 chưa đạt kế hoạch đề ra. Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo ở một số địa phương còn cao (còn 8 xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%), đặc biệt là trong đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu tập trung ở các xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn.

Có 5 huyện chưa có xã nào đạt tiêu chí nông thôn mới về tiêu chí tỷ lệ hộ nghèo là Buôn Đôn, Krông Bông, Lắk, M’Đrắk và Ea Súp. Tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn chương trình xóa đói giảm nghèo ở các địa phương vẫn còn chậm, do đó ảnh hưởng đến hiệu quả hỗ trợ trong năm đối với các hộ nghèo, hộ cận nghèo và các xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn.

Để thực tốt các chính sách giảm nghèo trong năm 2019 và các năm tiếp theo, ông Hùng cho biết tỉnh tiếp tục đặt ra mục tiêu phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo năm 2019 từ 3,46% trở lên. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm còn 4,3%, tỷ lệ hộ nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn giảm 4,3%.

Đắk Lắk là tỉnh nằm ở trung tâm khu vực Tây Nguyên, có đường biên giới dài khoảng 73km giáp với Campuchia. Toàn tỉnh có 608 buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, có 2 huyện nghèo thuộc Chương trình 30a, 46 xã và 231 thôn, buôn thuộc diện đầu tư Chương trình 135 giai đoạn 2017 - 2020.

Tính đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có tới 57.180 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 12,81%, trong đó hộ nghèo dân tộc thiểu số là 37.067 hộ, chiếm 25,49% so với tổng số hộ dân tộc thiểu số; hộ cận nghèo là 43.376 hộ, chiếm tỷ lệ 9,72%.

Đây là bài viết tuyên truyền về Truyền thông và giảm nghèo về thông tin năm 2019 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững  giai đoạn 2016-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem