Đáp ứng số lượng, gia tăng giá trị
Theo đề án OCOP, từ nay đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, tỉnh Đăk Lăk sẽ phát triển 84 SP với 196 chủ thể. Các SP OCOP của tỉnh sẽ tập trung vào 6 nhóm, ngành hàng là: Nhóm thực phẩm, đồ uống, thảo dược, vải và may mặc, lưu niệm - nội thất - trang trí, dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng.
Giai đoạn 2018-2020, Đăk Lăk sẽ hoàn thiện tiêu chuẩn chất lượng, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, câu chuyện SP, xúc tiến thương mại cho 27 SP; phân bố tối thiểu mỗi huyện có 1 SP. Trong đó, nhóm thực phẩm có 36 chủ thể tham gia với 11 SP gồm: Hạt hồ tiêu, bơ, sầu riêng, mật ong, sữa ong chúa, phấn hoa, cá tầm, cá lăng đuôi đỏ, cá thát lát, thịt lợn. Nhóm đồ uống có 15 chủ thể tham gia với 5 SP gồm: Cà phê, trà thảo mộc Xuân Sang, trà mãng cầu, rượu mắc ca, chanh dây.
Cá lăng đuôi đỏ là một đặc sản sẽ được phát triển trong Chương trình OCOP của tỉnh Đăk Lăk. Ảnh: Duy Hậu
Các SP tham gia Chương trình OCOP bắt buộc phải tham gia đánh giá/phân hạng tại 3 cấp (cấp huyện, cấp tỉnh, cấp quốc gia), trong đó các SP đạt từ 3-5 sao ở cấp huyện sẽ được đánh giá ở cấp tỉnh, các SP đạt 4-5 sao cấp tỉnh sẽ được đánh giá ở cấp quốc gia. Các SP được đánh giá và phân hạng tại các cấp sẽ do Hội đồng đánh giá SP cấp tương ứng (huyện, tỉnh và quốc gia) thực hiện.
|
Nhóm thảo dược có 6 chủ thể tham gia với 4 SP gồm: Thuốc Ama Kông, tinh bột nghệ, tinh dầu sả Java, tinh dầu sả Anh Nhân. Nhóm vải và may mặc có 5 chủ thể tham gia cùng 1 SP là dệt thổ cẩm. Nhóm trang trí - nội thất - lưu niệm có 1 SP với 1 chủ thể tham gia.
Nhóm du lịch có 5 chủ thể tham gia với 5 SP là các hình thức du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, chuỗi du lịch.
Trong giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, Đăk Lăk sẽ tiếp tục phát triển 57 SP. Giai đoạn này, tỉnh sẽ tập trung nghiên cứu phát triển tạo SP mẫu, thiết kế bao bì nhãn mác, sản xuất thử nghiệm, xây dựng tiêu chuẩn cho SP (nguyên liệu bán thành phẩm, thành phẩm), công bố tiêu chuẩn chất lượng SP, đánh giá hoạt động phân phối của SP trên thị trường, hoàn thiện SP và sản xuất đại trà cho 57 SP với 128 chủ thể.
Ông Vũ Văn Đông - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đăk Lăk cho biết, quá trình phát triển, tỉnh sẽ tập trung việc gia tăng giá trị cho các SP nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Cùng với đó, việc phát triển số lượng cũng được chú trọng, đảm bảo đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
"Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, để có chỗ đứng trên thị trường thì yêu cầu đặt ra cho các SP nông nghiệp và SP thủ công của Đăk Lăk đó là phải nâng cao tiêu chuẩn và nâng cao tính cạnh tranh. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, các cơ sở ngành nghề nông thôn phải nâng cao trình độ về quản lý, về ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất và quản lý tiêu thụ" - ông Đông nói.
Chủ thể chủ động
Theo ông Vũ Văn Đông, trong các giai đoạn tới, tỉnh sẽ thúc đẩy hơn nữa quá trình tập trung đất đai, mở rộng quy mô đầu tư khai thác theo hướng chuyển đổi cơ cấu sản xuất thành nền nông nghiệp hàng hóa có năng suất, chất lượng cao, tập trung, chuyên canh đồng thời không ngừng đa dạng hóa cơ cấu SP nhằm đáp ứng cao nhu cầu của thị trường trong tỉnh và các tỉnh lân cận, đặc biệt là xuất khẩu.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển các SP OCOP, các chủ thể tham gia sẽ chủ động xây dựng dự án phát triển SP; từ các ý tưởng đăng ký, phê duyệt, chủ thể sẽ xây dựng dự án phát triển SP mới. Trong quá trình xây dựng, chủ thể sẽ nhận sự hướng dẫn của cán bộ OCOP, tư vấn hoặc có thể hợp đồng với đơn vị tư vấn hoàn thiện thuyết minh dự án. Sau khi hoàn thành, dự án của các chủ thể sẽ được trình lên cơ quan có thẩm quyền để phê duyệt. Cán bộ OCOP các cấp sẽ hỗ trợ các chủ thể trong toàn bộ quá trình tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt dự án.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.