Ông Ngô Quốc Bảo ở thôn 5, xã Cư Yang cho biết: Đàn heo của gia đình ông (khoảng 80 con) bắt đầu bị bệnh từ ngày 7.9, đến nay đã có 20 con chết. Trước khi huyện Ea Kar ra thông báo hết dịch, thì số heo bệnh và chết của gia đình ông vẫn được chính quyền địa phương xác nhận là do virus “tai xanh”, nhưng chỉ vài ngày sau đó heo cũng bị bệnh, chết lại không được công nhận bị bệnh trên.
|
Nhiều hộ dân ở huyện Ea Kar bỏ trống chuồng trại vì không được hỗ trợ phòng chống dịch. |
Hiện nay, ở xã Cư Yang có trên 10 hộ chăn nuôi đang có heo bị bệnh và chết rải rác, có hộ đã thiệt hại hơn 20 con. Tuy nhiên do chính quyền địa phương không xác nhận là dịch heo tai xanh nên công tác phun thuốc, tiêm vaccin phòng ngừa bệnh cho đàn heo không được quan tâm. Người dân xử lý heo chết bệnh bằng cách giết thịt để nấu cho cá, gia súc, gia cầm khác ăn hoặc vứt xuống suối… nên bệnh dịch càng lây lan.
Về phía chính quyền địa phương, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Cư Yang lại cho rằng: “Sau khi huyện Ea Kar ra thông báo hết dịch heo tai xanh, thì số heo bị bệnh chết trên địa bàn trong những ngày qua chỉ là do tụ huyết trùng”. Thực tế, không ai kiểm nghiệm số heo chết sau ngày 2.10 và kết luận là bị tụ huyết trùng.
Trong khi đó, tại xã Cư Bông (sát xã Cư Yang, cách một con suối nhỏ), từ sau ngày 2.10 đến nay đã có 140 con heo bị chết bệnh và tiêu hủy, với trọng lượng khoảng 11 tấn (ước tính thiệt hại trên 500 triệu đồng). UBND xã Cư Bông đã hướng dẫn người dân tiêm phòng ngừa vaccin, xử lý chuồng trại, khu vực chăn nuôi sạch sẽ, đồng thời khoanh vùng những hộ có heo mắc bệnh để xử lý, tránh lây lan, heo bị chết phải được tiêu hủy cẩn thận có sự giám sát của chính quyền... Song, việc hỗ trợ cho người dân vẫn không có.
Quang Tạo
Vui lòng nhập nội dung bình luận.