Đắk Lắk: Tái hiện Lễ cúng lúa mới của người M'Nông Gar

Duy Hậu Thứ ba, ngày 12/03/2019 13:15 PM (GMT+7)
Lễ cúng lúa mới nhằm tôn vinh hạt thóc của thần linh (Yang) ban cho dân làng và cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu và gia đình sung túc. Lễ được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Đắk Lắk.
Bình luận 0

Sáng 12.3, tại Trung tâm văn hóa tỉnh Đắk Lắk, Đoàn nghệ nhân M’Nông Gar của buôn Jiê Yúk (xã Đắk Phơi, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) đã tái hiện Lễ cúng lúa mới của dân tộc mình.

img

Thầy cúng mời thần linh về chung vui cùng với gia đình, buôn làng.

Theo truyền thống, lễ cúng nhằm tôn vinh hạt thóc của thần linh (Yang) ban cho dân làng vào cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, gia đình sung túc…

Trước khi tổ chức lễ cúng, mọi người trong buôn chuẩn bị các lễ vật gồm: Cây nêu, 3 ché rượu cần, 1 con gà, 1 con heo, bếp lửa....; các đồ dùng hằng ngày và dụng cụ lao động sản xuất; các giống lúa, hạt giống cây trồng được thu hoạch từ trên nương rẫy.

img

Thầy cúng vừa cắt tiết gà vừa khấn thần linh.

Bắt đầu lễ cúng, thầy cúng đứng trước cây nêu cầu khấn gọi Thần núi cao, rừng xanh, vực sâu; thần sông mẹ, suối con, thần thác nước lớn nhỏ…về chung vui với dân làng, cùng uống rượu, mừng ăn cơm mới...để phù hộ cho gia đình, buôn làng năm tới mùa màng bội thu, lúa đầy kho, bắp đầy nhà, cây trồng phát triển tươi tốt…

Ngay sau đó, lễ cúng lúa mới và cúng sức khỏe cho già làng được thực hiện. Tại kho lúa của nhà mình, già làng đưa cho thầy cúng con gà. Thầy cúng vừa cắt tiết gà vừa đọc lời khấn mong thần linh phù hộ cho người dân trong buôn làng.

Sau khi cúng xong, thầy cúng sẽ được mời uống rượu cần. Đồng thời, già làng để rượu cần vào kho lúa, cho rượu chảy từ sàn kho lúa xuống dưới. Bên dưới, một người phụ nữ ngồi để hứng những giọt rượu chảy xuống với ý nghĩa cầu mong thần linh phù hộ cho già làng, lúa thóc đầy kho, ngô khoai đầy nhà…

img

Các đồ lễ để cúng lúa mới và sức khỏe già làng.

Sau đó, già làng bôi huyết gà pha với rượu quét lên tất cả các vật dụng trong nhà và bôi lên cổ các thành viên trong gia đình để cầu chúc cho mọi người sức khỏe, gia đình hạnh phúc, mùa màng bội thu…

Kết thúc lễ cúng, già làng mời thầy cúng, bà con và mọi người cùng ăn, uống rượu cộng cảm, kể chuyện, vui đùa, chúc nhau mừng lúa mới… cùng tiếng cồng chiêng và những điệu hát suốt ngày, thâu đêm.

Theo lãnh đạo sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk, việc tổ chức trình diễn nghi lễ, lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số là một trong những hoạt động quan trọng, góp phần bồi đắp, làm giàu kho tàng văn hóa, vốn tri thức dân gian của các dân tộc Việt Nam.

img

Nghi lễ cầu mong cho dân làng lúa thóc đầy kho, ngô khoai đầy nhà.

Những giá trị về bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp đó đều thể hiện sự mong ước của con người luôn khỏe mạnh, may mắn, mùa màng bội thu, nhà nhà no ấm, buôn làng yên vui, được gặp gỡ giao lưu sau những ngày lao động mệt mỏi.

Đây cũng là dịp để mỗi thành viên và cộng đồng được giao hòa với thế giới tâm linh và thế giới thực tại, giữa người với người, giữa người với thiên nhiên. Lễ cúng lúa mới của người M’Nông Gar là một trong những nỗ lực của ngành văn hóa để hoàn thành nhiệm vụ về bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng trên địa bàn tỉnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem