Phú Vinh nhưng không "phú"
Gần 20 năm trước, có hàng chục hộ dân di cư tự do vào khu rừng phía cuối xã Quảng Phú dựng nhà, khai phá đất rừng trồng tỉa sinh sống. Họ cứ vậy mưu sinh, rồi dần dà có thêm họ hàng, người thân vào hình thành một khu dân cư "vô thừa nhận" giữa rừng.
Cuộc sống tạm bợ, cơ cực của một gia đình tại thôn Phú Vinh.
Mãi đến năm 2016, chính quyền tỉnh Đắk Nông mới công nhận sự tồn tại của khu dân cư này và đặt tên là thôn Phú Vinh dưới sự quản lý của xã Quảng Phú. Thống kê từ chính quyền địa phương, thôn có đến 350 hộ với khoảng 1.200 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc thiểu số (H'Mông, Dao, Thái…).
Gần 20 năm qua, hàng ngàn con người ở đó quanh quẩn với cây mì, cây ngô, cuộc sống vô cùng khó khăn. Con số chưa chính thức từ địa phương, số hộ nghèo ở đây chiếm đến khoảng 90%. "Đất đai nơi đây cằn cỗi nên thu nhập của người dân hàng năm chẳng đáng là bao"- Phàng A Hồng, một người dân ở Phú Vinh than thở với chúng tôi.
Trưởng thôn Phú Vinh, ông Lục Văn Hiệp, nói với chúng tôi, người "giàu" trong thôn có tài sản lớn nhất là chiếc xe máy, nhà cửa thì thưng ván, lợp tôn...mọi thứ đều hết sức tạm bợ. Thiếu điện, thiếu thông tin và thiếu hàng trăm thứ khác nên dân không cất đầu lên được. "Tha hương với hi vọng được đổi đời nhưng mọi thứ chẳng có gì khá hơn"- ông Hiệp thở dài.
Khổ trăm bề vì không hộ khẩu, chứng minh thư
Cũng theo ông Hiệp, ngoài cái nghèo, người dân Phú Vinh còn gặp rất nhiều khó khăn khác do không có hộ khẩu khiến họ chẳng được cấp giấy chứng minh nhân dân, nhiều đứa trẻ chẳng có giấy khai sinh.
Do không có giấy khai sinh, nhiều đứa trẻ ở thôn Phú Vinh đứng trước nguy cơ thất học.
Phàng A Hồng vừa mua được chiếc xe máy nên vui mừng lắm. Nhưng do không có chứng minh nhân dân nên để mua được xe, Hồng phải nhờ người khác đứng tên chủ xe. Cũng như Hồng, hàng trăm người dân khác cũng phải nhờ người đứng tên để mua xe về sử dụng. Nhưng cũng vì không có chứng minh thư nên không thể học bằng lái, người dân Phú Vinh gần như chỉ sử dụng xe máy để chạy quanh quẩn trong thôn mà không dám ra ngoài vì sợ bị phạt.
Thiếu chứng minh thư, nhiều người muốn thoát ly để đổi đời nhưng không ít người mất tiền bạc vào tận TPHCM để xin việc đành phải thất thểu trở về vì không chỗ nào dám nhận.
Anh Giàng A Thể (19 tuổi) là một trong những thanh niên hiếm hoi ở Phú Vinh học đến lớp 12. Thể muốn tiến thân bằng con đường học vấn nhưng cũng vì thiếu chứng minh thư mà không thể học tiếp. Cuối cùng, Thể cũng "theo bước cha ông" quanh quẩn trong thôn với cây mì, cây bắp.
Đáng báo động nhất là tình trạng trẻ em trong thôn không có giấy khai sinh khá phổ biến. Do không thể làm thủ tục đăng ký kết hôn nên hầu hết trẻ em sinh ra phải lấy họ mẹ khi làm giấy khai sinh. Nhiều người không muốn con theo họ mẹ nên không làm được giấy khai sinh cho con.
Giàng A Ninh có hai đứa con chuẩn bị đến trường. Nhưng đến giờ vẫn không làm được giấy khai sinh. “Mình đi đến xã làm giấy khai sinh cho con nhưng cán bộ nói phải có giấy đăng kí kết hôn nhưng hồi đó vợ chồng mình về ở chung đâu có làm cái giấy đó. Giờ con cái đến tuổi đến trường nhưng không được đi học mình cũng lo lắng lắm…”- Ninh cho hay.
Một hộ "giàu" hiếm hoi ở Phú Vinh đầu tư tấm điện năng lượng mặt trời để sử dụng.
Theo ông Vũ Hoàng Phú, Chủ tịch UNND xã Quảng Phú, thời điểm được công nhận, toàn bộ người dân thôn Phú Vinh đều không có hộ khẩu. Hiện chính quyền đang tích cực xử lý việc này nhưng khó khăn vô cùng. Một phần hầu hết người dân đều không có bất cứ một loại giấy tờ tùy thân nào hoặc có nhưng bị thất lạc nên rất khó để làm các thủ tục theo đúng quy định. Mặt khác, do hầu hết đất đai mà người dân đang sinh sống đều có nguồn gốc từ rừng nên rất vướng.
“Chính quyền địa phương đang cố gắng các hoàn tất thủ tục hành chính, quy hoạch đất ở và đất sản xuất tại thôn Phú Vinh để sớm các thủ tục cấp sổ hộ khẩu, CMND để bà con trong thôn được hỗ trợ các chính sách xã hội như ở nơi khác”- ông Phú nói.
Ông Ngô Xuân Đông, Chủ tịch UNND huyện Krông Nô, cho biết bên cạnh việc cố gắng hoàn tất các thủ tục để cấp sổ hộ khẩu, chứng minh thư…cho người dân thôn Phú Vinh, địa phương cũng đang từng bước xây dựng các cơ sở hạ tầng để ổn định đời sống cho nhân dân.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.