|
Chuồng trống không vì dịch tai xanh của hộ ông Lê Đức Tuấn. |
Trên nói có, dưới bảo chưa
Kể từ khi Trung tâm Thú y vùng IV kết luận có ổ dịch tai xanh trên lợn tại 3 xã Hòa Khương, Hòa Phước, Hòa Liên (30-7) đến nay số lợn chết tại 3 xã trên đã tăng lên 400 con. Nhưng lãnh đạo ngành thú y Đà Nẵng vẫn chưa khẳng định lợn chết là do bệnh tai xanh.
Ông Cao Xuân Thái - Chi cục trưởng Chi cục Thú y thành phố cho rằng, lợn chết là do thời tiết oi bức nên sức đề kháng yếu chứ không phải do bệnh tai xanh. Và đến giờ, TP. Đà Nẵng vẫn không công bố dịch.
Ngày 2-8, ông Văn Đăng Kỳ - Trưởng phòng Dịch tễ Cục Thú y:
Đà Nẵng là địa phương thứ 13 trong cả nước có dịch tai xanh.
Trong khi chính quyền còn lừng khừng, thì người tiêu dùng đang đặc biệt hoang mang. Vì không chỉ ngay trên địa bàn đã xuất hiện ổ dịch mà các tỉnh lân cận - nơi cung cấp thịt lợn cho thành phố, cũng đã bùng phát dịch lợn tai xanh như Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế.
Đã vậy đến nay, Đà Nẵng vẫn chưa chịu gọi đúng tên dịch bệnh để có biện pháp đối phó và ngăn chặn dịch bệnh. Còn người chăn nuôi như ngồi trên đống lửa. Họ đang tìm cách giải quyết theo cách của riêng mình: bán tháo lợn bệnh...
Hiểm họa từ bán tháo lợn dịch
Những ngày này về 3 xã có lợn chết nhiều nói trên, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những chiếc xe máy chở lợn chết luồn lách đến các lò mổ chui để tiêu thụ. Ông Lê Đức Tuấn (xã Hòa Khương, có 29 con lợn bị chết) cho biết: Lợn dịch mà báo lên chính quyền thì được yêu cầu giữ lại.
Mà giữ lại ngày nào tốn tiền tiêm kháng sinh ngày đó. "Thà bán rẻ kiếm ít tiền còn hơn giữ lại tốn kém rồi xôi hỏng bỏng không" - ông Tuấn tiết lộ. Cũng chính vì thế, tại 3 xã này, dân buôn lợn rảo liên tục từ sáng đến khuya, 1- 2 giờ sáng vẫn còn thấy xe chở lợn đi.
Chúng tôi đến trại chăn nuôi của chị Lê Thị Hiếu, thôn 4 xã Hòa Khương, nơi có hơn 70 con lợn vừa chết. Hộ này "tự giải quyết" số lợn chết của mình không thông qua cơ quan thú y. Theo chị Hiếu, trước lúc bán tháo đàn lợn, mỗi ngày chị tốn hơn 1,5 triệu tiền thuốc kháng sinh, vitamin C.
Mới 3 ngày mà chị đã không chịu nổi. "Đến nay, hơn 70 con lợn đã được gia đình giải quyết... ổn thỏa. Ngồi đó mà đợi thú y thì không khéo "mất cả chì lẫn chài" - chị Hiếu thở phào. Nhiều hộ chăn nuôi lợn ở Hoà Khương đều có ý nghĩ như như chị Hiếu.
Được biết, TP. Đà Nẵng đã có chủ trương khi lợn bị bệnh thì thực hiện đủ các bước "giám sát, tiêu độc, điều trị rồi mới tiêu hủy". Trong khi đó tâm lý người chăn nuôi khi lợn bị bệnh là tìm cách tiêu thụ ngay vì để lại thực hiện "4 bước" như thành phố quy định thì tốn kém tiền bạc, công sức... và tiếc của.
Ông Trần Phước Thành - Trạm phó Trạm thú y Hòa Vang nói rằng, những năm trước, nếu phát hiện lợn bệnh chỉ cần nghi dịch là đem đi tiêu hủy để tránh lây lan. Nhưng hiện nay, thành phố lại có "4 bước" nên chuyện tiêu hủy lợn chết không còn dễ dàng. Trong khi đó dân giữ lại thì phải tiêu tốn tiền thuốc rất lớn và buộc điều trị trong thời gian dài mà xác suất cứu sống lợn lại không cao.
"Cũng chính vì vậy mà số liệu thống kê của Ban phòng chống dịch gia cầm - gia súc huyện Hòa Vang cũng như Chi cục Thú y TP. Đà Nẵng, trong những ngày qua, số lợn chết chỉ có 200 con. Còn trên thực tế thì phải gấp đôi như vậy" - ông Thành khẳng định.
Vũ Vân Anh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.