Dân ca ví, dặm: Đường đi còn lắm gian nan

Thứ tư, ngày 11/07/2012 10:11 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Dân ca ví, dặm - loại hình văn hoá độc đáo của người dân xứ Nghệ đang được lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Tuy nhiên con đường để dân ca ví, dặm về đích đang còn rất nhiều gian nan...
Bình luận 0

Lung linh hồn quê

Những làn điệu dân ca ví, dặm như dòng sữa ngọt ngào đã nuôi dưỡng, tâm hồn, cốt cách của bao thế hệ người dân Nghệ - Tĩnh, trong đó có các bậc anh hùng dân tộc, danh hiền, chí sĩ, văn sĩ như Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Phan Bội Châu, Hồ Chí Minh... Đó một thể loại văn nghệ dân gian độc đáo với giai điệu trữ tình, đằm thắm, sâu lắng. Hơn 40 làn điệu độc đáo của ví, dặm luôn hiện hữu và trở thành “món ăn tinh thần” không thể thiếu trong cuộc sống thường nhật của người dân xứ Nghệ-Tĩnh đã bao đời nay.

img
Trình diễn dân ca, ví dặm Nghệ Tĩnh tại liên hoan.

Để gìn giữ và phát huy những giá trị độc đáo của dân ca, ví dặm, từ năm 2000, Nghệ An đã thành lập Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ với hạt nhân là Nhà hát Dân ca. Ngày 27.3.2011, Hội Văn nghệ dân gian phối hợp với Sở VHTTDL 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh cùng các nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa đã tổ chức Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy các giá trị dân ca, hò, ví, dặm xứ Nghệ”. Hội thảo này là tiền đề đi đến lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận dân ca, hò, ví, dặm xứ Nghệ là văn hóa di sản nhân loại.

Liên tục trong hai tháng 5 và 6.2012, tại các sân khấu trung tâm từ cấp xã, thị trấn, đến cấp huyện, thị xã, thành phố ở 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã diễn ra rất nhiều cuộc liên hoan thi hát dân ca ví, dặm xứ Nghệ với các chủ đề “Ví, dặm - lung linh hồn quê xứ Nghệ”.

Đặc biệt là Liên hoan Dân ca ví, dặm lần thứ nhất do UBND 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh phối hợp tổ chức tại TP.Vinh từ ngày 25 đến 27.6 vừa qua, đã cho thấy sự hồi sinh mãnh mẽ của các loại hình dân ca, ví dặm trong tâm hồn và trong sinh hoạt thường nhật.

Không chỉ có thế, liên hoan còn tạo động lực thúc đẩy nhiều hoạt động ở cơ sở nhằm khôi phục, phát huy những giá trị văn hóa, nghệ thuật của dân ca ví, dặm xứ Nghệ. Riêng tỉnh Nghệ An hiện có 52 CLB đàn và hát dân ca với khoảng 2.000 thành viên tham gia sinh hoạt.

Cụ Nguyễn Thị Ba (88 tuổi) - Nghệ nhân ví, dặm ở xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương, Nghệ An, tâm sự: “Dân ca, ví dặm lâu rồi ngỡ như vắng bóng trong mỗi làng quê, vậy mà bây giờ đã thực sự hồi sinh. Xem liên hoan vừa rồi tôi thấy như trẻ lại thời mười tám đôi mươi, những câu dân ca ví, dặm cùng tình yêu cuộc sống, con người cứ ào ạt tràn về...”.

Câu hỏi khó về không gian diễn xướng

Ông Cao Đăng Vĩnh- Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Nghệ An cho biết, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với tỉnh Hà Tĩnh triển khai việc lập hồ sơ khoa học trình Bộ VHTTDL đưa dân ca, ví, dặm xứ Nghệ vào danh mục hồ sơ Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia trước ngày 31.7.2012, hướng tới lập hồ sơ trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại.

Theo quyết định mới của UNESCO, mỗi năm một nước chỉ được trình 1 loại hình di sản văn hóa phi vật thể. Năm nay (2012), Việt Nam đang đợi UNESCO xét hồ sơ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; năm 2013 là hồ sơ Đờn ca tài tử. Hồ sơ Dân ca ví, dặm xứ Nghệ dự kiến sẽ hoàn thành và đệ trình UNESCO xét duyệt vào năm 2015.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đó phải là một nỗ lực rất lớn của 2 tỉnh Nghệ An- Hà Tĩnh vì hiện nay dân ca ví, dặm đang dần mai một trong đời sống cộng đồng. Các nghệ nhân lưu giữ các làn điệu gốc hầu hết đã qua đời, số còn lại cũng đã già yếu. Âm nhạc và lối sống hiện đại đang tác động mạnh mẽ, làm dân ca xứ Nghệ mất dần công chúng. Các bà mẹ hầu như không còn ru con bằng dân ca. Kiến thức về dân ca ví, dặm của thế hệ trẻ cũng rất mờ nhạt. Các CLB dân ca được thành lập chưa nhiều, số đã có hoạt động chưa thực sự hiệu quả, kinh phí còn rất khó khăn. Nghệ An, Hà Tĩnh đều chưa khai thác được vốn dân ca vào việc phục vụ và thu hút khách du lịch...

NSƯT Hồng Lựu - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn, phát huy di sản dân ca xứ Nghệ chia sẻ: “Môi trường diễn xướng nguyên bản của dân ca xứ Nghệ không còn, và làm thế nào để phục hồi môi trường diễn xướng đang là một câu hỏi khó. Ngày xưa hát phường vải thì có phường vải, hò chèo thuyền thì có chèo thuyền... còn ngày nay chỉ có thể mô phỏng, sân khấu hóa”.

Dẫu biết rằng chặng đường phía trước còn rất nhiều khó khăn, nhưng những người yêu mến câu hát dân ca ví, dặm đậm đà hồn cốt xứ Nghệ vẫn nóng lòng mong chờ, đến một ngày, nghệ thuật độc đáo này sẽ được vinh danh xứng đáng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem