Ngoài việc thay avatar (ảnh đại diện) bằng hình ảnh hoa sim biên giới với dòng chữ “Nhân dân sẽ không quên 17.2.1979”, rất nhiều người đã đăng những dòng status thể hiện cảm xúc và hồi tưởng về một sự kiện lịch sử đau thương.
Trên trang mạng cá nhân của mình, facebooker Phu Hapham đăng bài thơ “Nhớ ngày 17.2.1979”
“Nhớ ngày 17.2.1979
Hơn ba mươi năm
Sáng ấy mình đến cơ quan
Mấy đồng đội được lệnh lên Lạng Sơn gấp
Trung Quốc xâm lược!
Người đi Cao Bằng, Quảng Ninh
Trung Quốc tấn công toàn tuyến biên giới!
Hướng Lào Cai, hướng ấy của mình.
Mình quen Mộng Lục
Nhà văn viết cho thiếu nhi, trên đường Hải Phòng - Hà Nội
Anh bị Trung Quốc bắn chết ở Lạng Sơn
Mình gặp những thi thể dân thường
Chết vì đạn pháo ở Cam Đường
Nắng thui vàng kinh khiếp
Một người lính hy sinh ở Nhạc Sơn
Đôi giầy cao cổ tuột cả dây buộc
Nhà máy điện Lào Cai bị đánh rớt xuống sông
Mố cầu phía Kim Tân bộc phá thổi bay biến mất
Những công sở ở Phố Lu bị đánh sập hết
Nhà máy apatit bị vét đến cả chiếc đinh ốc
Những chiếc cầu sắt bị cắt chặt rời
Người ta bảo có thể còn phải lùi
Nhưng chúng tôi thì tới
Phía bên này Lào Cai...
Mới hơn 30 năm trời
Sao có kẻ quên
Sao nhiều người quên
Sao cố tình quên?”.
Facebooker Binh Nguyên viết:
“17.2.1979
Nhiều bạn trẻ bây giờ dường như không biết ngày này - ngày 17.2.1979, vì các sách lịch sử giảng dạy trong trường phổ thông dường như không bao giờ nhắc tới (hay không được phép nhắc tới), cho dù giáo khoa thư hiện đại luôn dầy đặc những chiến tích chống Pháp, chống Mỹ...
Ngày này, 37 năm trước, 300.000 quân Trung Quốc xâm lược với 7 quân đoàn, 21 sư đoàn đã tấn công toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam, từ Lai Châu cho đến Quảng Ninh. Các thị xã Lạng Sơn, Cao Bằng... bị hủy diệt hoàn toàn, 320/320 xã, 735/904 trường học, 428/430 bệnh viện, bệnh xá, 41/41 nông trường, 38/42 lâm trường, 81 xí nghiệp, hầm mỏ các tỉnh biên giới bị bom đạn tàn phá, 400.000 gia súc bị giết và bị cướp. Khoảng một nửa trong số 3,5 triệu dân 6 tỉnh biên giới phía Bắc bị mất nhà cửa, tài sản và phương tiện sinh sống, hàng vạn dân thường và bộ đội đã hy sinh khi chống quân Trung Quốc xâm lược, bảo vệ tổ quốc... Làm sao có thể quên ?...”.
Trên trang cá nhân của mình, facebooker Nguyễn Trọng Tạo viết:
“1979 tháng 2, với tôi không thể quên. Tôi đã đi dọc những xác người, những đàn bà trẻ con gồng gánh chạy giặc, những phố nhà đổ nát tan hoang biên giới phía Bắc... Giặc Trung Quốc xâm lăng Tổ quốc mình...
Tôi đã làm thơ, viết báo, viết văn trong cuộc chiến đấu ấy và gửi về Hà Nội. Mở lại những trang báo thời ấy mà bùi ngùi xúc động. Nước Việt thân yêu ơi, hãy tưởng nhớ những người con của Mẹ đã nằm xuống trong cuộc chiến đẫm máu ấy để tôn cao đất nước; hãy tưởng niệm đau thương để mà Nhớ mãi...”.
Facebooker Đỗ Thu Hà thì chia sẻ một kỷ niệm:
“Mẹ sinh ra mình ở nơi sơ tán, không có mặt bố vì bố còn ở chiến trường. Lớn lên trong doanh trại quân đội, suốt những năm 77-78 trẻ con khu gia binh đã biết thế nào là bố mẹ vắng nhà vì đi công tác tăng cường biên giới Tây Nam. Ngày 17.2 thì không kịp biết, nhưng rạng sáng 18.2 đã chộn rộn khắp khu tập thể lính vì gia đình họ hàng chạy loạn từ biên giới về và những người đàn ông chuẩn bị tư trang lên đường.
Suốt những năm 80, vào bệnh viện 354 hay 103, 108 chăm mẹ ốm lần nào cũng gặp những chú lính trẻ măng, má còn phúng phính lông tơ, băng bó đầy người, tay treo lủng lẳng, chân chống nạng, nửa đêm gào lên tức tưởi: "Mẹ ơi, con đau quá! Mẹ ơi, con cụt rồi!".
Bạn cùng lớp trượt ĐH cũng 2 thằng lên chốt, một thằng chống nạng về. Giờ lái taxi nuôi vợ con, họp lớp vẫn cười phớ lớ.
Chiến tranh, tình yêu Tổ quốc, với gia đình mình, với mình và bọn trẻ con khu gia binh ngày ấy, chẳng phải chuyện sách vở, phim ảnh, cũng chẳng phải chuyện làm sang.
Bởi thế, rất muốn im lặng, ngày này, vì có những nỗi đau cần thời gian và sự tử tế để thành sẹo.
Người không bao giờ nói về chiến tranh là bố mình, ông chỉ ngồi im lặng nhìn bọn cá bơi trong cái bể cạn”.
Còn trên trang cá nhân của mình, facebooker Văn Sáng viết:
“NGÀY GIỖ CỦA EM
Em hy sinh ngay trong loạt pháo kích đầu tiên của quân Trung Quốc xâm lược, khi đó em chỉ có mấy tháng tuổi quân và vừa bước qua tuổi mười tám.
Mỗi khi đến thăm em tại nghĩa trang liệt sĩ, tôi chưa bao giờ cầm được nước mắt, chưa bao đọc hết được nội dung ghi trên bia mộ của em.
Vài năm sau tôi cũng khoác ba lô lên miền biên giới, cũng đối đầu với kẻ thù với những gian nguy, số phận đã đưa anh em chúng tôi chung một chiến hào.
Yên nghỉ Hùng nhé, họ hàng và anh không bao giờ quên em, nguôi nhớ em”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.