Đạo diễn Trần Lực: Làm nghệ thuật là phải “đơn thương độc mã”

Thứ sáu, ngày 27/04/2018 19:48 PM (GMT+7)
Gần nửa năm qua, NSƯT, đạo diễn Trần Lực đã làm được điều mà nhiều người cho là “điên rồ” với sự ra mắt sân khấu tư nhân ở phía Bắc trong thời buổi sân khấu chưa hết khủng hoảng. Thật sự, nhiều người trong nghề cũng không biết “cái lão” này bằng cách nào để kéo khán giả đến rạp. Trong khi đó, chia sẻ với chúng tôi, Trần Lực lại rất lạc quan.
Bình luận 0

LucTeam ra mắt với hai vở diễn đầu tiên và gây dấu ấn thì anh có hài lòng với bước đi này?

- Tất nhiên là tôi hài lòng. Dù mới chỉ là bước đầu với hai vở diễn nhưng đã được người xem đón nhận và đồng nghiệp đánh giá tốt. Tôi rất vui. Nhưng hài lòng về những kết quả bước đầu không có nghĩa là thỏa mãn. Với LucTeam, tôi có nhiều tham vọng lắm. Tham vọng lớn nhất là thông qua LucTeam chúng tôi hy vọng sẽ kéo được khán giả trở lại với sân khấu. Khán giả trở lại với sân khấu không phải vì một sự thích thú nhất thời từ một, hai vở diễn hấp dẫn, mà phải là thói quen, một ý thức thẩm mỹ sân khấu đã từ lâu bị đánh mất. Chúng tôi muốn tạo dựng lại ý thức thẩm mỹ đó trong lòng công chúng yêu sân khấu.

img

Sân khấu xã hội hoá phía Nam khó khăn tới mức bà bầu Hồng Vân phải hoạt động rất cầm chừng nếu không nói sẽ đóng cửa trong nay mai, ngoài Bắc đa số các nhà hát kêu khó đủ đường. Còn anh, anh có nghĩ mình đang “đơn thương độc mã” trên con đường làm sân khấu hiện nay?

- Sân khấu Hồng Vân đóng cửa ư? Nếu vậy thì đáng tiếc quá. Sân khấu Hồng Vân là một trong số những sân khấu tư nhân hoạt động rất mạnh ở phía Nam. Nếu chị ấy phải đóng cửa thì tôi rất tiếc. Còn chuyện các nhà hát kêu khó, tôi nghĩ, trong mọi lĩnh vực không riêng gì sân khấu, để tồn tại được ở thời kỳ này thì không có cái gì là dễ dàng cả. Tôi nghĩ, làm nghệ thuật, xét theo nghĩa nào đó, luôn là “đơn thương độc mã”, và điều đó là bình thường.

Khi quyết định mở đoàn kịch tư nhân, nhiều người cản tôi cho rằng tôi đi ngược dòng. Dù giai đoạn này không phải là thời kỳ sân khấu chiếm lĩnh thị trường, tuy nhiên tôi tin sân khấu vẫn giữ nguyên giá trị của nó. Điều quan trọng là lâu nay các tác phẩm của chúng ta giống nhau quá, vẫn cứ hiện thực tâm lý khiến khán giả cứ phải ăn đi ăn lại một món đến nhàm chán. Tôi mong ước LucTeam làm được điều khiến khán giả nhận thấy chỉ đến rạp hát mới xem được thứ chỉ sân khấu có thể làm được.

img

Trích đoạn trong vở “Quẫn”

Sau “Quẫn”, vở “Cơn ghen của Lọ Lem” theo phong cách biểu hiện ước lệ, anh và các diễn viên trù tính như thế nào cho các vở diễn sắp tới?

- Trước mắt tôi sẽ dựng lại một số kịch bản thuộc loại kinh điển của phong trào kịch phi lý của phương Tây ở đầu thế kỷ XX. Tôi nghĩ chủ đề về sự phi lý, sự tha hóa của con người luôn là chủ đề thời sự, đặc biệt rất thời sự ở Việt Nam trong giai đoạn này. Tiếp theo tôi sẽ dựng một số vở về đề tài truyền thống như “Triệu Thị Trinh”, “Hà Ô Lôi”... và dù kịch phương Tây hay kịch truyền thống thì sản phẩm vẫn là của sân khấu LucTeam, của phong cách Biểu hiện-ước lệ LucTeam, hiện đại, hài hước và khác biệt.

Mới lạ là một trong những yếu tố quan trọng làm nên thành công trong nghệ thuật. Nhưng hỏi thật, anh có sợ những vở diễn mới của anh sẽ khó tiếp cận khán giả?

- Sao tôi phải sợ khi biết rõ ngôn ngữ sân khấu của mình. Mọi người thường quan niệm cái mới là cái xa lạ, cái tân kỳ và khó tiếp cận khán giả. Thật ra, có những cái mới được làm nên từ những cái rất quen thuộc, sân khấu dân gian như tuồng, chèo truyền thống là những ngôn ngữ sân khấu vốn rất quen thuộc của dân tộc, quen thuộc từ hàng trăm năm rồi. Đó chính là ngôn ngữ biểu hiện-ước lệ và tôi sử dụng ngôn ngữ đó làm chất liệu căn bản để sáng tạo nên một ngôn ngữ mới cho sân khấu kịch LucTeam, hiện đại bắt nguồn từ truyền thống, từ bản sắc văn hóa dân tộc, và như mọi người thấy, khán giả đã tiếp nhận sản phẩm của chúng tôi không chút khó khăn nào cả.

Sân khấu LucTeam ra đời chưa đầy nửa năm, diễn xuất của dàn diễn viên gây ấn tượng với giới trong nghề và khán giả. Anh có kế hoạch như thế nào để tiếp tục hoàn thiện, trau dồi kỹ năng cho các diễn viên trẻ ấy?

- Ngôn ngữ ước lệ biểu hiện đòi hỏi kỹ năng biểu diễn của diễn viên hoàn toàn khác với ngôn ngữ biểu diễn hiện thực tâm lý, bởi vậy diễn viên của LucTeam vẫn phải tiếp tục luyện tập, luyện tập rất nhiều, họ phải học hát, múa, đặc biệt múa dân gian như Chèo, Tuồng... phải rất vững, ngoài ra họ phải học các ngôn ngữ múa hiện đại, nhào lộn… Tóm lại, họ luôn luôn tập luyện. Với diễn viên của LucTeam, không có khái niệm “đã học xong” mà luôn luôn là “đang học”.

Việc một đoàn kịch mới không có nhà hát cố định cũng gây trở ngại không ít. Anh có dự định gì để giải quyết khó khăn ấy?

- Có một nhà hát mang tên LucTeam là mơ ước của chúng tôi. Đó là nhà hát thực thụ “chuẩn” hợp với ngôn ngữ sân khấu của chúng tôi: Biểu hiện-Ước lệ. Trước mắt, chúng tôi tập trung đầu tư cho ra đời chương trình kịch mục mới lạ, hấp dẫn và thuê nhà hát hợp với ngôn ngữ sân khấu của LucTeam, ví dụ như Trung tâm Văn hoá Pháp L’Espace, Nhà hát Lớn Hà Nội, Nhà hát 71 Kim Mã. Vấn đề cốt lõi vẫn là Đoàn kịch LucTeam chúng tôi phải có những tác phẩm sân khấu mới lạ hấp dẫn khán giả.

Hoài Phương (thực hiện) (Baovanhoa.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem