Đất nông nghiệp có tách thửa được không và chi phí tách thửa đất nông nghiệp năm 2022 là bao nhiêu?

Việt Sáng Thứ tư, ngày 25/05/2022 07:16 AM (GMT+7)
Theo luật sư, có thể tách thửa đất nông nghiệp nhưng sẽ người dân phải đóng một số khoản chi phí như thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ... theo quy định.
Bình luận 0

Bạn đọc hỏi: Gia đình tôi đang có 1 mảnh đất nông nghiệp có diện tích 2 ha, giờ gia đình đang có nhu cầu tách thửa đất này.

Vậy cho tôi hỏi là đất nông nghiệp có tách thửa được không? Lệ phí khi tách thửa đất nông nghiệp như thế nào?

Theo luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa - Đoàn LS TP Hà Nội cho biết, theo quy định của Luật đất đai năm 2013 và các Nghị định, thông tư hướng dẫn thì không quy định về việc diện tích tổi thiểu đối với đất nông nghiệp. Như vậy, có thể hiểu là việc tách thửa đất nông nghiệp là tuỳ thuộc vào tình hình sử dụng ở địa phương đó.

Tuy nhiên Quyết định cá biệt riêng của một số UBND tỉnh của từng địa phương thì có quy định về diện tích tối thiểu để tách thửa đối với đất nông nghiệp.

Đất nông nghiệp có tách thửa được không và chi phí tách thửa đất nông nghiệp năm 2022 là bao nhiêu? - Ảnh 1.

Theo luật sư, có thể tách thửa đất nông nghiệp nhưng sẽ người dân phải đóng một số khoản chi phí như thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ... theo quy định.

 Điều kiện tách thửa đất nông nghiệp

Để thực hiện việc tách thửa đất nông nghiệp, thì thửa đất đó cần đáp ứng những điều kiện sau đây:

Có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; hoặc đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, theo quy định tại Điều 100 và Điều 101 của Luật đất đai 2013;

Đất đang trong thời hạn sử dụng và không có tranh chấp;

Quyền sử dụng đất không bị kê biên để đảm bảo thi hành án;

Đáp ứng được các quy định về hạn mức và diện tích tối thiểu để tách thửa đất nông nghiệp: Theo khoản 31 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP; căn cứ vào tình hình cụ thể của từng địa phương mà mỗi tỉnh khác nhau có thể có quy định về hạn mức tối thiểu được phép tách thửa đất nông nghiệp khác nhau; và được quy định tại Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Không thuộc các trường hợp không cho phép tách thửa:

Thửa đất thuộc các dự án phát triển nhà ở theo quy hoạch, các dự án đấu giá quyền sử dụng đất theo quy hoạch, để xây dựng nhà ở đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Các thửa đất thuộc khu vực đã có thông báo thu hồi đất, hoặc quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Các thửa đất không đủ điều kiện cấp sổ đỏ.

Chi phí tách thửa đất nông nghiệp

Chi phí tách thửa đất nông nghiệp sẽ được chia thành 4 phần chính:

Thuế thu nhập cá nhân

Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng = 2% x giá chuyển nhượng thửa đất

Đối với trường hợp nhận thừa kế, tặng cho:

Thuế thu nhập cá nhân = 10% x (giá đất theo bảng giá đất hiện hành x diện tích)

Lệ phí trước bạ

Lệ phí trước bạ là chi phí cần nộp cho nhà nước, khi phát sinh các yêu cầu đăng ký mới quyền sử dụng đất hoặc tách thửa lô đất hiện có. Có thể hiểu đơn giản là chi phí cấp sổ.

Lệ phí trước bạ = 0.5% x (giá đất theo bảng giá đất hiện hành x diện tích).

Phí đo đạc và lập bản đồ địa chính

Phí đo đạc và lập bản đồ sẽ tùy vào từng địa phương và từng đơn vị thực hiện. Tuy nhiên, mức phí tối đa không được vượt quá 1.500 đồng/ m2.

Lệ phí thẩm định và các chi phí khác

Lệ phí thẩm định là 0,15%..

Ngoài các khoản phí nêu trên, người sử dụng đất còn phải đóng một số chi phí khác như: Đăng ký biến động đất đai, lệ phí khi cấp sổ đỏ,… 

Tuy nhiên chi phí này thường không nhiều, giao động khoảng vài trăm nghìn đồng theo từng trường hợp.

Đáng chú ý, thời gian qua, một số tỉnh thành tạm dừng phân lô tách thửa, gồm:

Tại Bình Phước, ngày 22/3, UBND TP. Đồng Xoài đã ban hành công văn hỏa tốc tạm dừng tách thửa đối với các thửa đất nông nghiệp và tăng cường công tác quản lý đất đai trên địa bàn.

Tại Khánh Hòa, tỉnh này cũng yêu cầu chỉ cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở đối với các thửa đất nằm trong khu dân cư hiện có, đáp ứng được điều kiện hạ tầng khu vực, phù hợp quy hoạch sử dụng đất... đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Nghiêm cấm việc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với các thửa đất nằm ngoài khu vực dân cư hiện có.

Tương tự, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng có công văn số 1685 gửi đến UBND các quận, huyện, thị xã và Văn phòng đăng ký đất đai. Theo đó, đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tạm dừng việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc chia tách thửa đất đối với thửa đất nông nghiệp, thửa đất có đất ở và đất nông nghiệp trong cùng thửa đất, thửa đất phi nông nghiệp không phải đất ở...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem