Đau đáu niềm nhớ đồng đội của cựu binh Gạc Ma

Lương Kết Thứ ba, ngày 14/03/2017 16:00 PM (GMT+7)
"Tôi đã tìm và kết nối được với hơn 50 gia đình trong tổng số 64 liệt sĩ đã hy sinh trong trận Gạc Ma, thăm gặp được hơn 30 cựu chiến binh sống sót sau trận chiến bi hùng đó" - ông Lê Hữu Thảo (Hà Tĩnh, cựu chiến binh Gạc Ma) tâm sự với Dân Việt.
Bình luận 0

Sáng nay (14.3), đúng dịp 29 năm ngày Trung Quốc cưỡng chiếm trái phép đảo Gạc Ma, ông Lê Hữu Thảo - một cựu binh có mặt trong trận chiến Gạc Ma năm đó - chia sẻ với Dân Việt: Đã thành thông lệ từ nhiều năm, sáng nay ông đã tham gia lễ tri ân để tưởng nhớ đến các đồng đội đã hy sinh trong trận chiến Gạc Ma cách đây 29 năm. Buổi lễ diễn ra ở nghĩa trang Quảng Phúc, Ba Đồn, Quảng Bình.

img

Ông Lê Hữu Thảo - cựu chiến binh Gạc Ma. Ảnh: zing.vn

"Nơi đây, anh hùng liệt sĩ Trần Văn Phương đã yên nghỉ. Liệt sĩ Trần Văn Phương chính là người chỉ huy lực lượng bảo vệ và xây dựng đảo Gạc Ma. Khi Trung Quốc cho quân đổ bộ lên đảo, nổ súng tấn công vào ngày 14.3.1988, anh hùng Trần Văn Phương đã hy sinh khi quyết giữ lá cờ Tổ quốc bay cao trên đảo”, cựu binh Lê Hữu Thảo xúc động nhớ lại.

Liệt sĩ Trần Văn Phương có câu nói đã đi vào lịch sử nước nhà: Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo. Hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng Hải quân anh hùng.

Trong suốt nhiều năm qua, cựu binh Lê Hữu Thảo đã dành phần lớn thời gian, công sức để đi tìm, thăm hỏi các gia đình trong số 64 liệt sĩ, kết nối những cựu binh còn sống. Dù công việc không ổn định, cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng nhiều năm nay, cứ có thời gian rảnh là ông Thảo lại đến thăm hỏi những gia đình đồng đội là liệt sĩ đã ngã xuống trong trận chiến Gạc Ma, hay tìm lại những đồng đội năm xưa còn sống.

Ông Thảo kể, ông vừa vào Thừa Thiên - Huế để tìm gặp lại 3 cựu chiến binh Gạc Ma, nhưng tiếc là chỉ tìm được một gia đình. "Tôi mới chỉ gặp được người vợ chứ không gặp được đồng đội cũ. Còn một đồng đội khác đã mất, nhưng tôi vẫn chưa tìm được nhà" - ông Thảo cho biết.

Theo ông Thảo, mục đích việc làm của ông, ngoài việc thăm hỏi người thân của đồng đội cũ, còn là cơ hội để kết nối các đồng đội và gia đình các liệt sĩ để nắm bắt tình hình sức khỏe, gia cảnh. Những trường hợp khó khăn sẽ có sự giúp đỡ kịp thời.

img

Cựu binh Lê Hữu Thảo và mẹ của liệt sĩ Trần Văn Phương. Ảnh: LĐO

Ban liên lạc cựu chiến binh Gạc Ma - HQ 604 được thành lập vào ngày 22.8.2014, đúng vào ngày ông Thảo cưới vợ. Ban liên lạc có trách nhiệm giúp đỡ những đồng đội có hoàn cảnh khó khăn bằng nhiều cách.

Tính đến nay, người cựu binh Gạc Ma Lê Hữu Thảo đi tìm và thăm được hơn 50 gia đình của 64 liệt sĩ anh dũng hy sinh ở Gạc Ma và thăm gặp được hơn 30 cựu binh sống sót sau trận đánh đó.

"Những cựu chiến binh Gạc Ma mà tôi đã gặp gỡ, thăm hỏi, hầu như ai cũng có gia cảnh rất khó khăn. Mỗi người mỗi bệnh, mỗi nhà mỗi cảnh. Chỉ có vài trường hợp nhờ có chế độ thương binh nên đỡ hơn chút" - ông Thảo tâm sự.

Nói về chuyện gia đình, người cựu binh Gạc Ma Lê Hữu Thảo vui mừng thông báo, vợ ông đã có bầu cháu thứ hai. Người đàn ông gần 50 tuổi mới lập gia đình đã có một đứa con trai đầu lòng vào cuối năm 2015 và ông đặt tên con là Lê Trường Sa.

Lo lắng cho bạn bè đồng đội như vậy, nhưng chính hoàn cảnh của ông Thảo cũng không mấy dễ dàng. Mỗi khi các bạn có việc sẽ gọi ông Thảo đi làm giúp.

"Công việc tự do, theo từng "gói”. Có khi cả tháng chỉ làm vài ngày, cũng có lúc việc nhiều thì làm kín tháng”, ông Thảo chia sẻ. Trong khi đó, vợ ông đang có bầu lại chưa có việc làm nên cuộc sống gia đình cũng khá bấp bênh.

“Nhưng cứ tâm niệm, nhiều đồng đội còn có hoàn cảnh khó khăn hơn mình nên tôi không kêu ca, chỉ động viên vợ phải cố gắng hơn mỗi ngày" - ông Thảo tâm sự.

Đầu tháng 3.1988, các tàu vận tải HQ 604, HQ 605, HQ 505 của ta được lệnh đưa công binh và chiến sĩ ra Trường Sa xây dựng cụm đảo chìm Gạc Ma. Sáng 14.3.1988, khi bộ đội Việt Nam đang chuyển vật liệu lên Gạc Ma thì quân Trung Quốc đưa tàu chiến đến ngăn cản, lính Trung Quốc cướp cờ, xả súng giết hại các chiến sĩ. 64 lính hải quân Việt Nam hy sinh, 9 người khác bị bắt làm tù binh.

Tàu HQ 604 neo cạnh bãi Gạc Ma, HQ 605 bảo vệ bãi Len Đao bị bắn chìm. HQ 505 bị bắn cháy phần đuôi đã lao hết tốc lực lên bãi, trở thành cột mốc sống bảo vệ chủ quyền Cô Lin. Việt Nam giữ được Cô Lin, Len Đao, còn Gạc Ma bị Trung Quốc chiếm trái phép từ đó.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem