Đại biểu Quốc hội: Đấu thầu đang là "cơn ác mộng của các bệnh viện"

Thành An Thứ hai, ngày 07/11/2022 19:25 PM (GMT+7)
Một số đại biểu Quốc hội cho rằng, đối với ngành Y, "đấu thầu đang là cơn ác mộng chung của các bệnh viện", nhiều cơ sở y tế thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị y tế.
Bình luận 0

Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 4, chiều 7/11, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Tại tổ TP.HCM, TS Dược học, đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan (nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM) quan tâm đến quy định đấu thầu trong lĩnh vực y tế và cho rằng thực tế, tiêu chí trúng thầu đầu tiên hiện vẫn là giá rẻ.

Đấu thầu đang là "cơn ác mộng của các bệnh viện" - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan - nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM.

Nữ đại biểu đề xuất dự luật thiết kế chương riêng về đấu thầu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế theo hướng đơn giản, đảm bảo chất lượng.

Theo bà, các bác sĩ chắc chắn biết chọn thuốc nào tốt nhất cho bệnh nhân, bao gồm tác dụng tốt và giá hợp lý, nhưng khi các bệnh viện đấu thầu thì thường phải lấy giá rẻ nhất.

"Thậm chí, có nơi đã đấu thầu xong thuốc bảo hiểm y tế với mức giá rất rẻ. Nhưng một, hai tháng sau, có nơi mua được thuốc giá rẻ hơn, thì bên bảo hiểm quay ngoắt, thanh toán giá rẻ nhất đó", bà Phong Lan nói và đề nghị cơ quan soạn thảo khi sửa Luật Đấu thầu cần quy định các cơ quan tôn trọng kết quả đấu thầu; không lấy giá trúng thầu thuốc của năm trước làm giá kế hoạch cho năm sau.

Đáng chú ý, nữ đại biểu Đoàn TP.HCM này còn nêu nhiều bất cập trong việc đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế và lưu ý có những ý kiến đặt ra là việc này từ xưa tới giờ, sao bây giờ mới khó như vậy. Ngày xưa không thiếu, sao bây giờ mới thiếu.

Đại biểu Lan cho rằng "cái gì cũng vậy, tới lúc chịu hết nổi sẽ bung ra chứ không phải không có khó khăn". "Trước đây, toàn thành phố cũng đã có tổ chức riêng một hội thảo để các bệnh viện phát biểu về đấu thầu và đấu thầu là cơn ác mộng chung của các bệnh viện", nữ đại biểu nói và đề nghị Chính phủ cũng cần làm rõ tại sao "đấu thầu đang là cơn ác mộng chung của các bệnh viện".

Đấu thầu đang là "cơn ác mộng của các bệnh viện" - Ảnh 2.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tri Thức - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM.

Cùng quan điểm, đại biểu Quốc hội Nguyễn Tri Thức (Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM) dẫn chứng, có lần bệnh viện đấu thầu túi nước tiểu, một đơn vị hồ sơ đẹp, giá rẻ, nhưng khi dùng thông tiểu bệnh nhân thì bị hỏng. Sau đó, bệnh viện phải lập hội đồng để xác định túi đó không dùng được, và phải đấu thầu lại 4-5 lần mới chọn được đơn vị mới.

Theo đại biểu, với những bất cập về chính sách trong công tác đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế, thuốc men... dẫn tới những khó khăn của ngành Y tế, các bệnh viện trong thời gian vừa qua.

Do đó, đại biểu đề nghị khi sửa Luật Đấu thầu, Chính phủ nên thiết kế chương riêng về đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế và vật tư tiêu hao để giải quyết kịp thời khó khăn cho ngành y.

Đại biểu phân tích, trong dự thảo luật hiện tại mới chỉ rõ về việc đấu thầu thuốc còn 2 mục rất lớn trong ngành y đó là vật tư y tế tiêu hao và trang thiết bị y tế chưa được quy định rõ.

Theo đó, cần phân biệt các mặt hàng y tế với hàng hóa thông thường, phải có định nghĩa riêng bởi hàng hóa y tế là loại hàng hóa đặc biệt, liên quan tới sức khỏe người bệnh.

"Dễ sinh ra tiêu cực nhất là chỉ định thầu nên quy định luật càng chi tiết càng tốt", Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy nhấn mạnh.

Vị đại biểu Quốc hội Đoàn TP.HCM đề nghị làm rõ các vấn đề trong chỉ định thầu trong các tình huống bất khả kháng, tình huống cấp cứu và ông đề nghị bổ sung thêm tình huống cấp bách trong chỉ định thầu. Đây là tình huống cần phải mua thuốc ngay.

Đồng thời, ông đề nghị cần quy định tổ chức nào được xác định gói thầu chỉ định là tình huống cấp cứu, tình huống cấp bách phải mua ngay để đảm bảo yêu cầu hoạt động của bệnh viện, đảm bảo hoạt động khám chữa bệnh.

Còn tại Tổ 7, đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Chính (Đoàn Hòa Bình) cho biết, thực tế vừa qua những vi phạm trong hoạt động đấu thầu do nhân dân hoặc các cơ quan báo chí phát hiện ra.

Do vậy, đại biểu đề nghị cần tăng cường công khai, minh bạch các vấn đề liên quan đến gói thầu để người dân và báo chí theo dõi, giám sát, từ đó phát hiện những vi phạm, sai sót trong đấu thầu.

Bổ sung sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội trong giám sát công tác đấu thầu để đảm bảo công khai, minh bạch.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem