Đây là ngôi đình cổ xưa nhất đất Vĩnh Phúc, xem bức chạm gỗ "Ngày hội xuống đồng" ai cũng trầm trồ

Ngọc Linh (Cổng TTĐT Vĩnh Phúc) Chủ nhật, ngày 05/11/2023 05:27 AM (GMT+7)
Đình Thổ Tang, thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường là một trong những ngôi đình cổ nhất còn lại trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Đây là công trình tiêu biểu về nghệ thuật kiến trúc, chạm khắc đình làng Bắc Bộ thế kỷ XVII và được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 1964.
Bình luận 0

Nhằm tôn vinh, gìn giữ các giá trị văn hóa của đình Thổ Tang, cuối năm 2018, địa phương đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị Nhà nước công nhận, xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với ngôi đình này.

Đây là ngôi đình cổ xưa nhất đất Vĩnh Phúc, xem bức chạm gỗ "Ngày hội xuống đồng" ai cũng trầm trồ - Ảnh 1.

Đình Thổ Tang là ngôi đình cổ lâu đời nhất còn tồn tại trên đất Vĩnh Phúc. Đình Thổ Tang (thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) có từ thế kỷ thứ XVII mang phong cách kiến trúc thời Hậu Lê.

Trải qua hàng trăm năm, đến nay, đình Thổ Tang vẫn lưu giữ được nét kiến trúc thời Hậu Lê. Công trình được xây dựng với quy mô đồ sộ, kiến trúc bố cục hình chữ đinh, gồm 2 tòa đại đình và hậu cung. 

Đại đình gồm 5 gian đại bái dựa trên 60 cột với diện tích sử dụng gần 400m2. 

Kiến trúc đình mang đậm nét đặc trưng của các ngôi đình có niên đại từ thế kỷ XVII- XVIII, tạo ra các mảng cấu kiện để người thợ dân gian thoải mái phô diễn các mảng chạm trổ tinh xảo.

Trong đình Thổ Tang còn lưu giữ được hàng chục bức chạm khắc gỗ độc đáo, tinh tế, từ thân kè, thân bẩy, thân rường... 

Đây là những di sản vật thể, minh chứng cho sự tài hoa và phồn thịnh của vùng đất học, đất nghề, đất giao thương. 

Tiêu biểu là bức chạm "Ngày hội xuống đồng", miêu tả ngày hội xuống đồng thuở trước với nhiều nhân vật thuộc đủ các tầng lớp xã hội thu nhỏ trong một ngôi làng mà trung tâm là người đang cày ruộng với trâu, thể hiện không khí ngày hội xuống đồng đầu năm tưng bừng, rộn rã. 

Hay bức chạm "Bắn hổ", thể hiện sức mạnh, sự mưu trí của con người chinh phục và làm chủ tự nhiên. 

Bức chạm "Múa" miêu tả hai người đang trong động tác múa uyển chuyển, đầu chít khăn, tay cong xòe rộng; một người ngồi xem tay vuốt râu, dưới là một con rồng. 

Đặc biệt hơn, cửa võng đình có 3 tầng được chạm trổ rất tinh tế, trong đó, tầng trên chạm hình "cửu long tranh châu", tầng giữa chạm "rồng chầu mặt nguyệt", tầng dưới chạm "lục tiên, cửu trùng, gai dứa" rất đẹp và sống động. 

Những bức chạm khắc trong đình Thổ Tang không chỉ điêu luyện về kỹ thuật điêu khắc gỗ mà còn mang những triết lý nhân sinh sâu sắc.

Hằng năm, vào ngày mùng 9 tháng giêng, nhân dân địa phương tổ chức lễ hội để tưởng nhớ công lao của tướng Lân Hổ.

 Lễ hội truyền thống diễn ra với nhiều nghi thức trang trọng, thiêng liêng như: Rước sắc, rước nghinh, rước bình hương, đón lễ quan anh, tế lễ và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, giao lưu thể thao, trò chơi dân gian...

Trải qua thời gian dài, cộng với khí hậu khắc nghiệt nên một số hạng mục của đình Thổ Tang có dấu hiệu xuống cấp. Tuy nhiên, nhân dân và chính quyền địa phương luôn nỗ lực huy động mọi nguồn lực để tu bổ, tôn tạo công trình. 

Nhiều hạng mục trong đình như: Cột, cửa, mái ngói… đã được gia cố, sửa chữa thường xuyên, phục vụ các hoạt động tín ngưỡng, lễ hội tại địa phương. 

Cùng với chùa Tùng Vân, miếu Trúc Lâm, đình Thổ Tang góp phần tạo thành một quần thể di tích độc đáo, điểm đến của du lịch văn hóa tâm linh huyện Vĩnh Tường.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem