Có nghề, làm giàu nhanh
Ông Nguyễn Văn Tuyên – Phó Giám đốc HTX gà Đông Thịnh (Tân Khánh, Phú Bình, Thái Nguyên) là 1 trong số 30 học viên được tham gia lớp học nghề chăn nuôi và phòng trị bệnh cho gà. Ông Tuyên cho biết, năm 2017 HTX được Hội Nông dân huyện và xã tạo điều kiện dạy nghề cho nông dân, trong đó có những thành viên nòng cốt của HTX.
Sau khi học nghề, các hội viên đã ứng dụng được những kỹ thuật mới, tiên tiến vào sản xuất chăn nuôi, chăm sóc, ấp trứng và phòng trị bệnh cho gà. “Giờ đây việc chăn nuôi được các thành viên ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tất cả những con gà đồi của HTX đều được ghi chép lịch trình chăm sóc, cho ăn uống, tiêm thuốc...” – ông Tuyên nói. Thêm vào đó, nhờ các hộ nuôi biết kết hợp giữa kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến và kinh nghiệm nuôi trồng truyền thống mà sản phẩm gà ở HTX Đông Thịnh cho năng suất và chất lượng sản phẩm ngon hơn hẳn những sản phẩm gà cùng loại ở các vùng khác.
![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/4-2019/images/2019-11-18/k-1574063319-width960height635.jpg)
Tại trang trại nuôi gà giống mới của HTX Đông Thịnh, ông Nguyễn Duy Tuyên giới thiệt sản phẩm của HTX. Ảnh TN
Hiện nay, HTX đã ổn định sản xuất với hơn 10 hội viên nông dân là thành viên. HTX còn chủ động sản xuất, tạo nên một dây chuyền khép kín từ sản xuất con giống – nuôi gà thịt – cung cấp thịt gà tươi. Các sản phẩm gà đồi của HTX gà Đông Thịnh đã xuất bán đi nhiều tỉnh như Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Thanh Hóa...
Ông Lê Duy Thạnh (54 tuổi)- thành viên của HTX Gà Đông Thịnh cho biết, ông từng tham gia nhiều lớp tập huấn kỹ thuật và dạy nghề chăn nuôi gà. “Sau khi tham gia lớp học nghề chăn nuôi và phòng trị bệnh cho gà, tôi có những kiến thức cơ bản để áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi. Đặc biệt, tôi lại tiếp tục được tập huấn, cập nhật kỹ thuật mới và đã áp dụng vào ấp trứng, chăn nuôi gà, vì thế hiệu quả sản xuất, chăn nuôi gà của gia đình đạt hiệu quả cao hơn trước” – ông Thạnh nói.
Sau khi áp dụng kinh nghiệm và kiến thức vào sản xuất, hoạt động chăn nuôi của ông Thạnh đã thay đổi rõ rệt. Tỷ lệ ấp trứng gà giống đã cao hơn trước. Tỷ lệ gà chết, trứng không nở chỉ khoảng 0,001%.
Hiện nay, quy mô sản xuất đàn gia cầm của gia đình ông Thạnh thuộc loại lớn nhất nhì trong HTX. Trung bình mỗi tháng ông cho ấp khoảng từ 5.000 - 8.000 con giống, nuôi hơn 30.000 con gà thành phẩm. Doanh thu hàng năm của gia đình ông khoảng trên dưới 1 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 2 thành viên trong gia đình và 2 lao động thời vụ.
Ông Nguyễn Văn Nguyên – giáo viên Trung tâm Dạy nghề Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên cho biết, năm 2017 Trung tâm đã phối hợp Hội Nông dân huyện Phú Bình tổ chức dạy nghề nuôi và phòng bệnh cho gà cho 30 nông dân ở xã Tân Khánh và vùng lân cận, trong đó có 20 thành viên của HTX Gà Đông Thịnh. Gần đây nhất, từ tháng 7-9/2019, trung tâm cũng đã phối hợp các cấp hội nông dân tổ chức một lớp dạy nghề chăn nuôi gà cho nông dân trên địa bàn huyện Phú Bình. Nội dung đào tạo là kỹ thuật chăn nuôi theo chuẩn VietGAP, ứng dụng khoa học công nghệ, dùng chế phẩm vi sinh trong chăn nuôi...
Mở rộng vùng chuyên canh chăn nuôi
Bà Nguyễn Thị Sâm – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Bình cho biết, từ lâu huyện Phú Bình đã xác định chăn nuôi là thế mạnh của địa phương. Bởi đây là vùng đất có địa hình đồi núi và thổ nhưỡng thuận lợi để phát triển hình thành vùng sản xuất hàng hóa, chăn nuôi gà đồi. Trước đây vùng sản xuất gà đồi rải rác ở 20 xã trên địa bàn huyện, nhiều nhất là các xã Tân Khánh, Tân Kim, Tân Thành, Bảo Lý...
Nhờ làm tốt công tác dạy nghề gắn với thế mạnh của địa phương, mà giờ đây Phú Bình đã trở thành một huyện giàu nhất, nhì của tỉnh Thái Nguyên. Người dân được dạy nghề, gắn với tạo việc làm bền vững, làm giàu trên chính quê hương của mình”.
Bà Nguyễn Thị Sâm
|
Bà Sâm cho biết, trước đây việc chăn nuôi gà chỉ nhỏ lẻ, rải rác nên chưa hình thành vùng sản xuất hàng hóa chuyên nghiệp. Khoảng 5 năm trở lại đây, huyện có chủ trương xây dựng đề án phát triển kinh tế, lấy chăn nuôi gia cầm làm trọng điểm, nhờ vậy tập trung được khá nhiều nguồn lực đầu tư vào việc này.
Điển hình là đầu tư nguồn lực cho công tác dạy nghề nâng cao trình độ chăn nuôi cho lao động trong vùng để thích ứng với sản xuất hàng hóa. Để làm tốt nhiệm vụ tăng cường kỹ thuật cho nông dân, địa phương không chỉ thực hiện dạy nghề thuần túy, các cấp Hội Nông dân còn kết hợp với ác doanh nghiệp, trung tâm nghiên cứu giống hữu cơ... thực hiện tập huấn kỹ thuật mới cho bà con nông dân.
Hiện sản phẩm gà đồi Phú Bình đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu. Hàng năm huyện, tỉnh vẫn tổ chức hội nghị tôn vinh sản phẩm gà đồi Phú Bình nhằm quảng bá sản phẩm. “Xác định chăn nuôi là thế mạnh, trong nhiều năm gần đây địa phương rất chú trọng tới việc đầu tư dạy nghề, tập huấn kỹ thuật liên quan tới chăn nuôi cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện, nhằm giúp nông dân thích ứng với lối sản xuất hàng hóa, chuyên nghiệp, từ đó tăng chuỗi giá trị sản phẩm” – bà Sâm nói.
Từ chủ trương đúng, gắn dạy nghề với phát triển vùng sản xuất kinh tế trọng điểm của địa phương, Phú Bình đã hình thành được vùng chuyên canh chăn nuôi gà rộng lớn ở khắp 20 xã trên địa bàn huyện. Nhiều xã hình thành được những HTX chăn nuôi quy mô lớn, doanh thu hàng chục tỷ đồng năm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.