Dạy nghề để giữ nghề

Thứ năm, ngày 01/08/2013 19:24 PM (GMT+7)
Trong khi nhiều làng nghề đang làm ăn thua lỗ, ách tắc đầu ra... thì người dân làng nghề mây giang đan Phú Bình, xã Bình Phú (Thạch Thất, Hà Nội) vẫn sống khỏe với nghề.
Bình luận 0
Theo ông Nguyễn Khắc Đồng, một chủ doanh nghiệp sản xuất mây giang đan đang tham gia dạy nghề và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho bà con ở đây: “Làng nghề sống được là do tính độc đáo của nghề truyền thống, sản xuất thủ công đã đánh bại sự cạnh tranh của hàng Trung Quốc”.
Công đoạn kiểm tra sản phẩm lần cuối trước khi đóng gói xuất khẩu.
Công đoạn kiểm tra sản phẩm lần cuối trước khi đóng gói xuất khẩu.

Ưu đãi doanh nghiệp dạy nghề

Xã Bình Phú, nằm cách Hà Nội hơn 40km, có 9 thôn, với 11.000 hộ, hầu hết các thôn đều làm nghề truyền thống mây giang đan xuất khẩu. Theo ông Nguyễn Hữu Hải - Chủ tịch UBND xã Bình Phú, nghề mây giang đan ở xã đã có hàng trăm năm nay. Trước đó chủ yếu sản xuất để phục vụ trong nước, nhưng hiện nay gần như 100% các sản phẩm đều được xuất khẩu đi các nước như: Mỹ, Nhật, Đức, Pháp, Thụy Sỹ… Với các sản phẩm chủ yếu là mành, quạt lá đề, khay trà…

Cũng theo ông Hải, để giữ và phát huy làng nghề truyền thống, xã có những chính sách ưu tiên các doanh nghiệp. “Nhờ có sự “tiếp sức” của Đề án 1956, trong vài năm gần đây mỗi năm chúng tôi đào tạo nghề cho khoảng 200 lao động. Hiện xã có khoảng 1.000 hộ, hơn 2.500 lao động đang làm nghề mây giang đan, thu nhập ổn định từ 2,5-4 triệu đồng/người/tháng”-ông Hải cho hay. Ngoài tổ chức lớp học tại các thôn, xã còn phối hợp với các doanh nghiệp cho học viên học, thực hành, nhờ đó học viên sau khi học nghề đều “cứng” nghề, có thể sống với nghề.

Theo thống kê, hiện xã có 6 công ty và hàng chục cơ sở sản xuất nhỏ, các doanh nghiệp này đang bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho người dân. Ông Nguyễn Khắc Đồng chia sẻ: “Tôi mới làm nghề mây giang đan hơn 20 năm nay, nhưng gia đình tôi đã làm nghề này cả trăm năm nay. Tôi muốn truyền nghề cho thế hệ sau này, vừa tạo việc làm cho họ, vừa giữ được nghề truyền thống”.

Sống khỏe với nghề

Về làng Bình Phú, đi dọc các con ngõ, đâu đâu cũng thấy người dân phơi tre, trúc, giang, mây, thi thoảng lại bắt gặp vài chiếc xe đỗ ở đầu ngõ “ăn” hàng. Chỉ riêng cơ sở của anh Đồng, mỗi năm sản xuất và xuất khẩu khoảng 1 triệu sản phẩm. Anh Đồng cho hay, do tình hình suy thoái kinh tế, nên giá sản phẩm có giảm hơn so với năm 2012 khoảng 10%, tuy nhiên đầu ra vẫn ổn định.

"Lớp trẻ bây giờ có nhiều cơ hội để chuyển nghề, nhưng vẫn còn nhiều người yêu nghề. Tôi muốn truyền nghề cho thế hệ sau này, vừa tạo việc làm cho họ, vừa giữ được nghề truyền thống”.
Anh Nguyễn Khắc Đồng

Chị Nguyễn Thị Lý, đội 5, cho hay: “Nếu dệt mành, thì chỉ học 2 tuần là có thể làm được, nhưng khay trà, nhất là quạt lá đề ít nhất phải học 2-3 tháng đối với người nhanh ý. Được xã và cơ sở anh Đồng hỗ trợ dạy nghề, học xong có thu nhập luôn, chúng tôi rất yên tâm”.

Hầu hết các cơ sở đang tạo việc làm cho 200-600 lao động, lúc thời vụ có thể số lao động gấp đôi; trong đó làm việc thường xuyên tại cơ sở từ 40-80 lao động/cơ sở. Song, hầu hết các doanh nghiệp đều đang khó khăn về mặt bằng. Anh Đồng bày tỏ: “Chúng tôi chủ yếu đặt hàng cho các hộ làm tại nhà, vì không có mặt bằng. Nếu có mặt bằng tôi sẽ mở rộng xưởng, tạo thêm việc làm cho người dân”.

Trần Quang - Nam Tùng Sơn ( Trần Quang - Nam Tùng Sơn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem