Dạy những nghề nông dân cần

Thứ ba, ngày 06/03/2012 07:10 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nghề mộc, sản xuất gạch vồ… đã và đang tạo việc làm cho nhiều ND xã Hợp Thịnh (Kỳ Sơn, Hòa Bình). Nhiều hộ đang ăn nên, làm ra từ nghề này. Đây là kết quả của sự phối hợp dạy nghề giữa Hội ND xã và các cơ sở sản xuất.
Bình luận 0

Ông Lê Đình Phương - Chủ tịch UBND xã Hợp Thịnh cho biết: "Hợp Thịnh có 930 hộ với 2.400 nhân khẩu, hơn 40% là người dân tộc thiểu số. Xã ít ruộng lại không có nghề phụ, nên đời sống của người dân còn rất khó khăn. Chúng tôi cũng rất trăn trở để tìm nghề cho người dân, nhưng vướng mắc là thiếu kinh phí. Thực hiện Đề án 1956, chúng tôi đã huy động các ban, ngành, hội, doanh nghiệp… cùng vào cuộc để dạy nghề cho bà con. Tôi thấy nghề mộc, gạch, chăn nuôi thích hợp với điều kiện của xã nên đã chọn dạy”.

img
Nhờ học nghề mộc, hàng chục lao động đã có việc làm ổn định, thu nhập từ 2-4 triệu đồng/người/tháng.

Học đi đôi với hành

Cách dạy nghề mà lãnh đạo xã Hợp Thịnh chọn là phối hợp với các doanh nghiệp, xưởng sản xuất dạy tại chỗ, thực hành tại chỗ theo kiểu "vừa học, vừa làm". Theo ông Nguyễn Quốc Linh - Chủ tịch Hội ND xã Hợp Thịnh, hình thức này có rất nhiều lợi thế: "Tổ chức dạy nghề tại các xưởng và gia trại, kết hợp giữa việc dạy lý thuyết của các giảng viên Trung tâm Dạy nghề huyện và thực hành do chính các tay thợ, chủ xưởng, trang trại dạy, vừa thiết thực vừa tiết kiệm thời gian, chi phí mở lớp. Cái hay nữa là sau khi học xong, nếu học viên có nhu cầu các xưởng sẽ nhận làm".

Theo ông Linh, từ năm 2010 đến nay, xã đã mở được 3 lớp dạy nghề mộc, sản xuất gạch vồ và chăn nuôi, với khoảng 120 học viên tham gia. Hiện có khoảng 80% số học viên sau khi học nghề đang làm nghề. Hiệu quả nhất là nghề mộc, đang tạo việc làm cho khoảng 60 lao động, với thu nhập từ 2 - 5 triệu đồng/người/tháng.

Có nghề, không ly hương

Sau khi được học nghề mộc, nhiều người đã mở xưởng để sản xuất, người không có vốn thì đi làm công cho các xưởng quanh xã. HTX Đức Thịnh là một trong những cơ sở vừa tham gia dạy nghề, vừa tạo việc làm cho các học viên sau khi lành nghề.

Anh Nguyễn Văn Phương - Chủ nhiệm HTX cho biết: "Mặc dù mới thành lập năm 2007, nhưng doanh thu của HTX đã đạt vài tỷ đồng/năm, trừ chi phí còn lãi từ 300 - 400 triệu đồng/năm. Chúng tôi chủ yếu tập trung vào các mặt hàng đồ gỗ nội thất như giường, tủ, bàn, ghế… và quyết tâm lấy uy tín, chất lượng làm thương hiệu. HTX đang tạo việc làm cho 10 lao động, với thu nhập từ 2 - 4 triệu đồng/người/tháng".

“Nhờ có việc làm, tôi có thu nhập ổn định, "mưa không tới mặt, nắng không tới đầu", lại gần nhà nên mỗi tháng tôi cũng dư dả".

Gia đình anh Nguyễn Văn Chiến ở thôn Hợp Thành có 5 người, nhưng chỉ có 3 sào ruộng. Trước đây, không có nghề phụ nên khi cấy hái xong anh lại lên thành phố Hòa Bình hay xuống Hà Nội phụ vữa, làm cửu vạn. Năm 2010, anh tham gia lớp học nghề mộc do xã tổ chức. Sau 3 tháng học, anh đã được HTX Hợp Thịnh nhận vào làm và hiện là một tay thợ cứng, với mức lương 4 triệu đồng/tháng.

Xưởng sản xuất gạch vồ của anh Nguyễn Văn Thuần (thôn Độc Lập) đang tạo việc làm cho 12 lao động, với thu nhập 2 - 3 triệu đồng/người/tháng. Mỗi tháng HTX xuất 3 - 4 vạn gạch trừ chi phí lãi 15 triệu đồng/tháng.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem