ĐBQH Dương Trung Quốc (ảnh quochoi.vn).
Theo ĐBQH Dương Trung Quốc, Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất nhưng hoạt động theo cơ chế nhiệm kỳ cho nên sự khớp nối giữa 2 nhiệm kỳ phải bảo đảm tính liên tục, tính kế thừa như là một pháp lệnh. “Nếu ai nhớ ở Quốc hội khóa XIII, một trong những nội dung xuyên suốt của cả khóa này là vấn đề xây dựng Hiến pháp, thông qua Hiến pháp và triển khai với một tinh thần là chúng ta tăng cường hơn nữa việc xây dựng những luật liên quan đến quyền của người dân. Chúng ta đã làm được Luật Trưng cầu ý dân nhưng còn hai luật rất quan trọng, đương nhiên là nhạy cảm, đó là Luật Biểu tình và Luật Lập hội, chúng ta đã thảo luận rất nhiều ở diễn đàn Quốc hội”, ĐBQH Dương Trung Quốc nói.
Ông cho biết, đối với Luật Biểu tình thì hầu như cả khóa XIII của Quốc hội không thấy trong chương trình xây dựng luật. “Điều đó không được giải thích trước hết cho ĐBQH. Vì sao? Chính vì thế ĐBQH không thể trả lời cử tri là vì sao… Chúng tôi rất hiểu rằng đây là những luật rất cơ bản nhưng cũng rất khó khăn, rất tế nhị, rất nhạy cảm như cách nói của chúng ta. Nhưng những luật này lại rất phổ quát trên thế giới, nó được ghi trong Hiến pháp năm 1946”, ĐBQH Dương Trung Quốc nói.
Ở góc độ khác, trong phát biểu góp ý, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng, từ trước đến nay trong quá trình xây dựng luật, chúng ta đều nêu một vấn đề, đó là phải thể chế hóa quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng. “Về vấn đề này có những lúc chúng ta thấy rằng pháp luật luôn chạy theo các diễn biến của xã hội. Cho nên, quan điểm của tôi đề nghị chúng ta phải có một sự đổi mới. Một mặt chúng ta phải khẳng định rõ trong dự án luật là thể chế hóa đường lối, chủ trương nào của Đảng”, ĐB Nhưỡng nói.
Vẫn theo ĐB Nhưỡng, nếu trường hợp có những vấn đề mới cần phải phúc đáp yêu cầu của xã hội thì chúng ta khẳng định rằng nó không trái với chủ trương, đường lối của Đảng và chúng ta lập tức báo cáo cơ quan có thẩm quyền của Đảng để chúng ta kiểm soát vấn đề này, tránh tình trạng luật đuổi theo các vấn đề xã hội.
Theo ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM), thực tiễn cho thấy nghị quyết của Quốc hội về vấn đề xây dựng luật và pháp lệnh trong thời gian vừa qua mặc dù có nhiều chuyển biến tích cực, cũng khắc phục được một số bất cập, tuy nhiên, tính hiệu lực và hiệu quả của nó chưa thấy rõ trong quá trình xây dựng luật, pháp lệnh, bởi đây là một chức năng rất quan trọng của Quốc hội.
“Tôi nghĩ rằng nguyên nhân chính của vấn đề này cần phải đặt ra, đó là nó xuất phát từ năng lực xây dựng các dự thảo luật của các cơ quan chủ trì. Tôi nghĩ rằng đây là vấn đề cần phải được quan tâm trong thời gian tới, cho nên việc bổ sung vấn đề này là cần thiết. Bởi vì xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, nó phải bắt nguồn từ yêu cầu thực tiễn của cuộc sống và năng lực của bộ máy xây dựng pháp luật, 2 việc này phải cân đối để tránh làm xáo trộn và bị động cho Quốc hội trong việc xây dựng luật và pháp lệnh”, ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.