ĐBQH: Làm rõ ai chống lưng cho đường nhập lậu?

PV Thứ ba, ngày 01/12/2020 13:00 PM (GMT+7)
Theo Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cần xem xét có hay không vấn đề đường nhập lậu và ai là người chống lưng.
Bình luận 0

Phát biểu tại Hội thảo "Giải pháp cho ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới", ông Nguyễn Hồng Vân – ĐBQH tỉnh Phú Yên cho biết: Chúng ta tham gia ATIGA từ 1/1/2020 nhưng đã rốt ráo kêu gọi từ năm ngoái. Thế nhưng, đến tháng 7/2020, Chính phủ mới ban hành Chỉ thị 28 về triển khai các giải pháp phát triển ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới nhằm đảm bảo điều kiện cạnh tranh công bằng cho ngành đường và nông dân trồng mía. 

"Tôi cho rằng, động thái này là quá muộn. Cũng như các chính sach khác, Chính phủ rất quyết liệt nhưng các bộ ngành, địa phương vẫn diễn ra rất chậm. Như gói hỗ trợ 62.000 tỷ, 3 – 4 tháng trời vẫn không có ai tiếp cận được", ông Vân đánh giá và nhấn mạnh, chúng ta phải làm quyết liệt và làm ngay mới có thể cứu được ngành mía đường. 

ĐBQH: Làm rõ ai chống lưng cho đường giả, đường lậu? - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Hồng Vân – ĐBQH tỉnh Phú Yên phát biểu tại Hội thảo.

Ông Vân đặt vấn đề, hiện tại, 25/40 doanh nghiệp sản xuất đường còn hoạt động, như vậy đã có 15 doanh nghiệp đã đóng cửa, nếu như chúng ta nhập đường thô để chế biến, phân phối thì hàng triệu nông dân của chúng ta đi về đâu, họ có thể làm giàu trên mảnh đất của họ không? Việc phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu, tam nông có phát triển bền vững không, hay chỉ có các doanh nghiệp nhập khẩu còn lại hàng triệu nông dân rơi vào đường cùng? 

Từ thực tế, vị ĐBQH tỉnh Phú Yên cho biết, ông ủng hộ giải pháp phòng vệ chống bán phá giá. Tuy nhiên, hiện tại chúng ta mới ở giai đoạn "khởi xướng". Hơn nữa, dù đã "khởi xướng" nhưng trong những tháng vừa qua thì đường nhập vẫn tăng. 

"Vậy ai chống lưng cho vấn đề này?", ông Vân đặt câu hỏi và cho biết, từ nhiều kỳ chất vấn, các ĐBQH đã rất nhiều lần chất vấn Bộ Tài Chính và Bộ Công Thương liên quan đến vấn đề các chính sách thương mại, đặt vấn đề về câu chuyện buôn lậu… và Bộ Công Thương và Bộ Tài Chính cũng có nhiều chính sách đưa ra để hạn chế tình trạng gian lận thương mại, buôn lậu. Tuy nhiên, theo ông Vân các chính sách này vẫn chưa đủ mạnh, những giải pháp các Bộ này đưa ra không căn cơ. 

Trước câu hỏi của ông Vân về vấn đề đường giả, đường lậu, bà Phạm Thị Thu Trang - ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi cho rằng cần xem xét từ trước đến nay vấn đề đường nhập lậu có hay không, nếu thực sự có thì ai chống lưng? 

"Trong thực tiễn thì mình phải xử lý nghiêm, đến nơi đến chốn thì mới có giải pháp tốt, nếu mình không xử lý thì tôi nghĩ rất khó", bà Trang nêu quan điểm.

ĐBQH: Làm rõ ai chống lưng cho đường giả, đường lậu? - Ảnh 3.

Bà Phạm Thị Thu Trang - ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi đề nghị xử lý "đến nơi đến chốn" vấn đề chống lưng cho đường lậu.

Cũng theo nữ ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi, thực tế hiện nay người nông dân trồng mía đang gặp rất nhiều khó khăn, sống ổn định như những năm trước đây rất khó. Mía trồng chủ yếu để ép lấy nước chứ không để sản xuất đường. Như vậy, ngành mía đường không còn là ngành mũi nhọn.

Trước thực trạng các nhà máy đường đóng cửa, vùng nguyên liệu mía chưa được quy hoạch bài bản. các ĐBQH đều cho rằng, nếu tình trạng này còn tiếp tục thì ngành mía đường còn cần rất nhiều gói giải cứu. Vì vậy, cần sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị từ Chính phủ, Bộ ban ngành, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người nông dân, để cùng tìm kiếm những giải pháp "cứu" ngành mía đường.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem