Tái cơ cấu là con đường tốt nhất cho ngành mía đường lúc này
TS. Lê Đăng Doanh: "Tái cơ cấu là con đường tốt nhất cho ngành mía đường lúc này"
Minh Lê
Thứ ba, ngày 01/12/2020 11:00 AM (GMT+7)
Gửi ý kiến tới Hội thảo "Giải pháp cho ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới", TS Lê Đăng Doanh - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, trong tình hình mới, ngành mía đường cần có nguồn kinh phí cho công tác nghiên cứu giống mía mới, cơ giới hóa...
Hội nhập – Thời cơ và thách thức với thị trường nội địa
Sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007, thị trường thế giới rộng mở đã cuốn hút nỗ lực của doanh nghiệp Việt vươn ra các nước. Xuất nhập khẩu tăng mạnh, Việt Nam đã có quan hệ thương mại với 242 nền kinh tế trên thế giới. Mặc dầu thương mại quốc tế gặp nhiều khó khăn, như chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, kim ngạch xuất khẩu năm 2019 của Việt Nam vẫn đạt 264 tỷ USD, tăng 8,4% so với năm trước.
Đồng thời, thực hiện các cam kết quốc tế đã ký kết, Việt Nam đang thúc đẩy mở rộng thị trường nội địa với gần 100 triệu dân, 60% trong tuổi lao động, thích mua sắm, chi tiêu hộ gia đình có thể đạt 714 USD/tháng vào năm 2020, doanh số thị trường nội địa năm 2020 có thể đạt 180 tỷ USD.
"Hội nhập là điều tất yếu. Chúng ta hội nhập kinh tế quốc tế thì phải sống cùng quốc tế, phải chấp nhận cạnh tranh để phát triển. Không nên nghĩ rằng, các quy định nghiêm ngặt về chất lượng, tiêu chuẩn, môi trường trở thành rào cản hạn chế xuất khẩu, hay những chính sách ưu đãi đối với hàng nhập khẩu lại là rào cản đối với hàng nội địa. Doanh nghiệp phải xem đây là áp lực để tự thay đổi, tự lớn mạnh lên" - TS Lê Đăng Doanh.
Với Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), thị trường Việt Nam đã trở thành một bộ phận không tách rời của 666 triệu dân ASEAN. Bản chất của khái niệm "thị trường nội địa" đã thay đổi hoàn toàn, tư duy coi thị trường trong nước là "sân nhà" yên ổn của các doanh nghiệp Việt cũng không còn như trước đây. Ngược lại, cạnh tranh diễn ra gay gắt ngay trên thị trường trong nước, làm cho không ít doanh nghiệp giật mình.
Tháng 8/2020, Hiệp định Thương mại tự do EU – Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực, bên cạnh lợi thế về xuất khẩu, Việt Nam cũng mở cửa thị trường trong nước cho hàng hoá từ Liên minh châu Âu (EU), sức ép cạnh tranh lên thị trường nội địa lại tiếp tục tăng lên trên những mảng thị trường mới.
Hội nhập ngày càng sâu rộng, bên cạnh những cơ hội lớn đối với các ngành hàng nội địa thì những thách thức khó khăn là không hề nhỏ. Mía đường có quá trình phát triển 25 năm nhưng đứng trước ngưỡng cửa hội nhập lại đang phải đối mặt với những thách thức, khó khăn. Mía đường là nguyên liệu đầu vào cho công nghiệp thực phẩm, bánh kẹo, nước giải khảt nên duy trì ngành mía đường là lợi ích của nền kinh tế. Nguyên nhân vẫn là do năng lực cạnh tranh còn yếu cùng với đó là thiên tai, thời tiết, giá đường thế giới biến động giảm, buôn lậu và gian lận thương mại đường nhập lậu phức tạp… Đặc biệt, kể từ ngày 1/1/2020, thực thi cam kết tại Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), Việt Nam đã xóa bỏ hàng rào hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường từ các nước ASEAN, áp lực cạnh tranh đối với ngành mía đường ngày càng lớn.
Đánh giá về những khó khăn của ngành mía đường, TS Lê Đăng Doanh cho rằng, cũng cần thấy rõ cái khó của ngành đường khi phải cạnh tranh đối với đối thủ lớn là Thái Lan. Ngành mía đường Thái Lan được quản lý bởi Luật Mía đường, được chính phủ hỗ trợ từ kiểm soát thị trường nội địa (hỗ trợ mức giá cố định, phân chia thị phần), kiểm soát nhập khẩu, trợ cấp xuất khẩu, hỗ trợ tài chính trực tiếp (1,3 tỷ USD/năm), tài trợ nợ vay, trợ cấp vốn đầu vào. Đặc biệt, Thái Lan còn có chính sách chia tổng lượng đường sản xuất thành 3 hạn ngạch: quota A dành cho tiêu dùng nội địa, quota B là cơ sở để tính toán hỗ trợ cho nông dân trồng mía, quota C là phần thả nổi giá.
Về hỗ trợ nông dân trồng mía, Thái Lan sớm thành lập quỹ mía đường với khoản đóng góp căn cứ trên chính sản lượng bán ra ở doanh nghiệp phân phối lẫn các nhà sản xuất đường. Cùng với đó là hàng loạt chính sách hỗ trợ như giá bán điện sinh khối từ bã mía là 13 cent/kWh (trong khi tại Việt Nam là 5,8 cent/kWh), giá xăng E5 - loại xăng có pha cồn với nguồn gốc từ rỉ mật của nhà máy mía đường ở Thái Lan, thấp hơn xăng A92 1.500 đồng, còn tại Việt Nam chỉ chênh lệch khoảng 800 đồng.
Diện tích mía đường của Thái Lan gấp 5 lần Việt Nam nhưng sản lượng lại gấp 8 lần. Giá mía nguyên liệu của Thái Lan cũng rẻ hơn 30 - 40% so với giá mía của Việt Nam. Và các doanh nghiệp đường Thái Lan tuy phá giá đường xuất khẩu nhưng vẫn đạt lợi nhuận nhờ kinh doanh đường ở thị trường nội địa.
Với những lợi thế trên, đường Thái Lan khi "đổ bộ" vào thị trường Việt Nam đã nhanh chóng chiếm được thị phần lớn và tất nhiên doanh nghiệp mía đường trong nước sẽ khó có thể cạnh tranh khi giá đường cao so với đường Thái Lan.
Giải pháp cho ngành mía đường
Trao đổi về giải pháp cho ngành mía đường trong tình hình mới, TS Lê Đăng Doanh cho rằng, đã đến lúc ngành mía đường cần phải cơ cấu lại, nâng cao năng suất, đầu tư hiệu quả giảm giá thành để có thể cạnh tranh sòng phẳng. Cả khâu đầu tư gieo trồng lẫn chế biến của ngành mía đường đều phải tái cơ cấu lại. Nếu chúng ta chế biến tốt, rỉ đường và bã mía có thể làm ra sản phẩm được để kinh doanh có lãi và hạ giá thành. Các nước khác đều làm như vậy và kinh doanh rất tốt.
Hiện nay, nhiều nhà máy mía đường thua lỗ là do năng suất quá thấp. Nếu các doanh nghiệp mía đường Việt không cải thiện phương pháp canh tác để nâng cao năng suất và chất lượng cây mía nhằm hạ giá thành, thì chắc chắn họ sẽ khó sống do không thể cạnh tranh.
"Hội nhập là điều tất yếu. Chúng ta hội nhập kinh tế quốc tế thì phải sống cùng quốc tế, phải chấp nhận cạnh tranh để phát triển. Không nên nghĩ rằng, các quy định nghiêm ngặt về chất lượng, tiêu chuẩn, môi trường trở thành rào cản hạn chế xuất khẩu, hay những chính sách ưu đãi đối với hàng nhập khẩu lại là rào cản đối với hàng nội địa. Doanh nghiệp phải xem đây là áp lực để tự thay đổi, tự lớn mạnh lên" - ông Doanh nói.
Trong thời gian qua, không phải tất cả các nhà máy mía đường đều bị lao đao, khó khăn như nhau. Có doanh nghiệp khó khăn nhiều, có doanh nghiệp khó khăn ít hơn. Những doanh nghiệp nào mạnh mẽ đổi mới, mạnh mẽ tìm giải pháp thích nghi sẽ có cách để "sống sót", thậm chí là "sống tốt" còn những trường hợp họ vẫn thụ động với thị trường nhiều biến đổi thì cần thiết phải có một cuộc đào thải.
"Sẽ có những doanh nghiệp mạnh mua lại những doanh nghiệp yếu để đầu tư bài bản. Chúng ta cần có một số nhà máy then chốt, năng suất cao, vùng mía tập trung ở một số khu vực. Cạnh tranh dẫn đến phá sản là điều phải chấp nhận trong kinh tế thị trường, song phá sản không phải là "ngày tận thế" mà phá sản là sự "tàn phá sáng tạo" vì lao động, máy móc vẫn còn, một người chủ mới sẽ đầu tư công nghệ mới và "từ đống tro tàn sẽ có một con phượng hoàng bay lên" - ông Doanh cho hay.
Mặc dù trước mắt ngành mía đường đang đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng theo ông Doanh, cơ hội phát triển mía đường nội địa vẫn luôn rộng mở nếu biết sắp xếp lại, hiệu quả hơn. Đặc biệt, năm 2020, ngành mía đường thế giới được dự báo là đi xuống trong khi nhu cầu thị trường tăng lên, giá đường có thể tăng lên. Cơ hội phát triển ngành đường còn nằm ở các sản phẩm sau đường như sản xuất phân bón, ethanol từ bã mía và rỉ mật…
Để đón được những cơ hội đó, theo TS Lê Đăng Doanh, ngoài những nỗ lực tái cơ cấu của ngành mía đường, thì vai trò của cơ quan quản lý cũng hết sức quan trọng. "Đối với cơ quan quản lý, cần nghiên cứu áp dụng các hàng rào kỹ thuật và các công cụ phòng vệ để kiểm soát đường nhập khẩu theo thông lệ quốc tế. Cùng với đó, tăng cường liên kết nông dân và doanh nghiệp chế biến. Xem xét phê duyệt giá điện được sản xuất từ bã mía một cách phù hợp" - Ông Doanh nhấn mạnh.
Tin cùng chủ đề: Hội thảo Giải pháp cho ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới
Vui lòng nhập nội dung bình luận.