ĐBQH Trần Hoàng Ngân: Trung Quốc phá giá NDT, Việt Nam ứng phó ra sao?

Nguyên Phương Thứ tư, ngày 22/05/2019 18:30 PM (GMT+7)
“Chúng ta có nên phá giá VND để hạn chế hàng hóa Trung Quốc hay không? Đây là bài toán khó bởi phá giá VND làm mất niềm tin vào ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tiền tệ. Chính vì thế, Việt Nam phải hết sức khôn khéo và linh động. Đây là vấn đề đặt ra với Việt Nam trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung”, ĐBQH Trần Hoàng Ngân nói
Bình luận 0

img

ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP.HCM)

Nằm trong chương trình hoạt động của kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XIV, sáng 22.5, các ĐBQH tiến hành thảo luận ở tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019.

Có nên phá giá VND để ngăn hàng hoá Trung Quốc tràn sang Việt Nam?

Phát biểu tại buổi thảo luận tổ, ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP.HCM), thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, cho biết, trong bối cảnh kinh tế thế giới bất ổn, kinh tế Việt Nam nằm trong số các quốc gia có độ mở lớn nhất thế giới.

Điển hình là những diễn biến leo thang của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc khi Tổng thống Donald Trump quyết định nâng thuế từ 10 lên 25% với hơn 200 tỷ hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc. Ngược lại, Trung Quốc đáp trả bằng việc nâng thuế hơn 60 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu Mỹ.

"Mỹ có dư địa đánh thuế Trung Quốc nhiều hơn Trung Quốc đánh thuế vào Mỹ. Vì vậy, Trung Quốc dùng giải pháp phá gía đồng Nhân Dân Tệ (NDT-PV), những Trung Quốc phá giá tiền tệ khoảng 2%. Nếu tính từ tháng 7/2018 trước đến tháng 6 năm nay, Trung Quốc đã phá giá trên 9%. Việc Trung Quốc phá giá đồng NDT không chỉ tác động đến Mỹ mà còn ảnh hưởng tới Việt Nam, chúng ta đứng trước nguy cơ hàng hóa Trun Quốc tràn vào Việt Nam ", ông Trần Hoàng Ngân nói.

img

ĐBQH Trần Hoàng Ngân đặt vấn đề: "Chúng ta có nên phá giá tiền tệ để hạn chế hàng hóa Trung Quốc hay không?"

Theo các số liệu thống kê, Việt Nam nhập khẩu lượng hàng hóa lên tới 65,8 tỷ USD từ Trung Quốc. Tổng thể, Việt Nam nhập siêu 23,9 tỷ USD từ quốc gia láng giềng. Việc Trung Quốc phá giá đồng tiền khiến Việt Nam tiếp tục gặp thêm những khó khăn.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân đặt vấn đề: "Câu hỏi đặt ra là Việt Nam đối phó như thế nào? Chúng ta có nên phá giá tiền tệ để hạn chế hàng hóa Trung Quốc hay không? Đây là bài toán khó bởi phá giá VND làm mất niềm tin vào ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tiền tệ. Chính vì thế, Việt Nam phải hết sức khôn khéo và linh động. Đây là vấn đề đặt ra với Việt Nam trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung”.

Bên cạnh đó, những vấn đề địa chính trị toàn cầu cung có thể ảnh hưởng đến Việt Nam. Căng thẳng giữa mối quan hệ Mỹ - Iran, dù ở rất xa, những cũng có thể tác động đến Việt Nam bởi những ảnh hưởng đến giá dầu. Hiện tại, giá dầu thô nhập khẩu đã tăng trên 30% và xăng nhập khẩu từ Singapore về Việt Nam cũng đã tăng trên 35%. Việc điều chỉnh giá xăng dầu sẽ tác động đến CPI và đe dọa tình hình vĩ mô của Việt Nam.

2 lần nhắc tên Việt Nam và hàm ý của Tổng thống Donald Trump

Cũng liên quan tới chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, trong những diễn biến gần đây, đã có 2 lần Tổng thống Donald Trump nhắc tên Việt Nam.

Theo ông Trần Hoàng Ngân, trong bối cảnh Việt Nam đang xuất siêu vào thị trường Mỹ 34 tỷ USD có thể khiến Việt Nam rơi vào danh sách của Mỹ.

Ông Ngân nói: “Mỹ đang quan tâm tới những quốc gia xuất siêu nhiều nhất vao thị trường Mỹ. Còn Việt Nam cũng đang nằm trong nhóm những nước xuất siêu nhiều nhất.

Những phát biểu gần đây của Tổng thống Donald Trump thường nhắc tới Việt Nam với nội dung rằng người dân Mỹ không mua hàng Trung Quốc thì có thể mua hàng Việt Nam vì nhà đầu tư các nước sẽ đổ về Việt Nam. Điều này cũng là lời cảnh báo gửi tới các nhà an ninh kinh tế của Mỹ nên quan tâm tới Việt Nam, tránh trường hợp hàng Trung Quốc đội lốt Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ hòng gian lận thương mại. Và Mỹ sẽ đánh thuế rất cao đối với những hàng hoá này, phía Việt Nam cần phải thận trọng”.

Ưu đãi FDI và bài học Formosa Hà Tĩnh

Ở một khía cạnh khác, ĐBQH Trần Hoàng Ngân nhắc tới câu chuyện Standard & Poor's nâng xếp hạng tín dụng Việt Nam từ BB- lên BB, dẫn tới việc đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng mạnh. Từ năm 2018 đến 2019, làn sóng FDI đổ vào Việt Nam với sự dẫn đầu của Trung Quốc nhờ số lượng dự án đầu tư cao.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân nói: "Vấn đề đặt ra là chúng ta kiểm soát đầu tư nước ngoài vào Việt Nam như thế nào cho đảm bảo. Chúng ta phải làm sao để chọn lọc nhà đầu tư có công nghệ tốt, đảm bảo yếu tố môi trường, tránh những sự việc tương tự như Formosa Hà Tĩnh. Chúng ta phải lập hàng rào kỹ thuật như thế nào để ngăn ngừa, kiểm tra những công nghệ lỗi thời, chọn lọc lấy những công nghệ tốt".

“Làm sao để bảo đảm công bằng với các nhà đầu tư trong nước, không quá ưu đãi cho FDI, cần bảo đảm công bằng với các nhà đầu tư trong nước. Đó cũng là vấn đề phải tính toán”, ĐB Trần Hoàng Ngân nói.

Nét tích cực trong tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Nhìn lại quá trình phát triển kinh tế Việt Nam, ĐBQH Trần Hoàng Ngân cho biết, tăng trưởng GDP 2018 đạt mức cao nhất tính từ năm 2008 tới nay.

“Quá trình tái cơ cấu kinh tế Việt Nam triển khai từ năm 2012 tới nay đã cho thấy những dấu hiệu tích cực, chất lượng tăng trưởng tốt. Ví dụ, ngành công nghiệp khai khoáng trước đây dóng góp một tỷ trọng lớn trong tỷ trọng GDP nhưng hiện đang giảm dần, hoặc đóng góp của ngành công nghiệp chế biến - chế tạo vào GDP đã tăng lên, trước đây chỉ chiếm 14% thì nay đã chiếm 16%. Năng suất tổng hợp TFP nếu như trong giai đoạn 2011-2015 chỉ chiếm khoảng 33% thì nay đã chiếm 45,2%. Từ đó, kéo hệ số ICOR về hiệu quả sử dụng vốn tăng lên. Đó là những đóng góp cho chất lượng tăng trưởng kinh tế Việt Nam”, ông Trần Hoàng Ngân nói.

Một điểm sáng khác được ông Trần Hoàng Ngân chỉ ra là kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng cao, bội chi giảm, giúp cho nợ công giảm xuống (tỷ lệ nợ công Việt Nam trong năm 2018 đã giảm xuống dưới 60% GDP, ở mức 58,4% GDP, mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua (chỉ tiêu là 65%)…

Tuy nhiên, theo ông Ngân, đo lường chỉ số cạnh tranh của Việt Nam trên toàn cầu chỉ là 70 đến 75/140 quốc gia.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân cho biết: “Đây là mức chỉ số cạnh tranh rất yếu. Bài toán về giao thông, sân bay, cảng biển, cảng sông đang tắc nghẽn. Chúng ta cần thời gian, giải pháp, nguồn lực từ chính phủ để giải quyết bài toán giao thông, nhất là giao thông đô thị”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem