ĐBSCL: Thiếu máy để làm cánh đồng mẫu lớn

Thứ hai, ngày 07/05/2012 08:55 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Các tỉnh ĐBSCL đang mở rộng diện tích cánh đồng mẫu lớn. Song trên thực tế, việc triển khai mô hình này đang gặp nhiều khó khăn do tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất còn khá thấp.
Bình luận 0

Mới đáp ứng được 40% nhu cầu

Tại thời điểm này, việc cơ giới hóa trong sản xuất lúa ở ĐBSCL đang được triển khai khá nhanh. Nhiều loại máy móc hiện đại, công nghệ cao đã được đưa vào sản xuất như: Cấy lúa bằng máy, dùng thiết bị định vị bằng tia laser trợ giúp việc san ủi mặt bằng đồng ruộng, máy gặt đập liên hợp, máy xúc lúa, lò sấy… Rất nhiều địa phương ở ĐBSCL đã cơ giới hóa 100% ở khâu làm đất, bơm tưới.

img
Nông dân dùng tia laser để san ủi mặt ruộng.

Theo dự kiến, đến năm 2015, tỷ lệ cơ giới hóa trong thu hoạch lúa ở ĐBSCL sẽ đạt 60-70% với tổng số máy cần sử dụng từ 10.000-12.000 máy gặt đập liên hợp.

TS Lê Văn Bảnh – Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL cho rằng: “Việc cơ giới hóa trong sản xuất lúa ở ĐBSCL đã đáp ứng được tính thời vụ, tránh ảnh hưởng của thời tiết, đảm bảo chất lượng sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch. Từ đó, làm tăng hiệu quả sử dụng đất đai và lao động. Tuy nhiên, việc cơ giới hóa vẫn chưa được đồng bộ, giá thành máy móc còn đắt so với thu nhập của người nông dân”.

Ông Đỗ Văn Nam- Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NNPTNT) đánh giá: “Hiện nay, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp chưa đáp ứng đủ nhu cầu, chưa đồng bộ. So với các nước trong khu vực, mức độ trang bị máy móc nông nghiệp của Việt Nam vẫn còn thấp”.

Lý do, theo đánh giá của ông Nam là, quy mô đồng ruộng của nước ta còn nhỏ lẻ, phân tán, manh mún. Hiện cả nước có tới 70 triệu thửa ruộng, bình quân mỗi nông hộ chỉ có 0,7ha đất canh tác. Từ đó đã hạn chế việc xây dựng kết cấu hạ tầng cũng như việc áp dụng máy móc, thiết bị trong sản xuất lúa.

Cần hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp

Dự kiến, ngay trong vụ hè thu này, toàn vùng ĐBSCL sẽ mở rộng diện tích cánh đồng mẫu lớn (CĐML) lên tới 15.000ha và sẽ tăng thêm vào các vụ tiếp theo. Nhiều tỉnh đã có chính sách để thúc đẩy xây dựng CĐML như tỉnh Trà Vinh dành 12 tỷ đồng để hỗ trợ bà con mua giống, song vẫn chưa có chính sách hỗ trợ việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất trên những CĐML.

TS Lê Văn Bảnh cho rằng: “Cơ sở sản xuất công nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp còn rất yếu, trong khi máy móc nhập từ nước ngoài thường không phù hợp trong sản xuất hoặc quá đắt tiền… là trở ngại trong việc ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất”.

Năm 2005, toàn vùng chỉ có 30 máy gặt đập liên hợp, thì đến năm 2011 đã tăng lên 7.000 máy, đáp ứng được 40% nhu cầu thu hoạch lúa.

Theo nhiều chuyên gia, để giải quyết được vấn đề trên, cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó mấu chốt là việc liên kết “4 nhà” (Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và nhà doanh nghiệp).

Theo TS Bảnh: “Liên kết “4 nhà” sẽ khắc phục được sản xuất nhỏ, lẻ và liên kết lại để có CĐML, nhờ đó sẽ dễ dàng đưa cơ giới hóa vào sản xuất hơn”. Chỉ khi xây dựng được CĐML, nông dân sẽ có vùng nguyên liệu lớn, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư và kết nối sản xuất với thị trường.

Trước đó, Bộ NNPTNT đã công bố danh sách một số cơ sở, doanh nghiệp cơ khí ở ĐBSCL được hưởng chính sách ưu đãi về để sản xuất máy móc nông nghiệp, giảm tổn thất sau thu hoạch, song ông Lê Việt Hải - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phẩn Mê Kông cho rằng: “Ngoài chính sách đó, Nhà nước cần ưu tiên đầu tư vào lĩnh vực thủy lợi, khuyến khích nông dân dồn điền đổi thửa, cho nông dân vay vốn để mua ruộng đất, từ đó mới đưa được máy móc vào sản xuất”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem