Vừa khâu vừa chửi tục
Chị Phạm Thị Thắm ở xã Lang Sơn (Hạ Hoà, Phú Thọ) vẫn chưa hết bức xúc khi kể lại chuyện sinh con cách đây hơn 3 tháng tại Bệnh viện Đa khoa Hạ Hoà. Ngày 20.4 chị bắt đầu có tín hiệu trở dạ, chỉ sau 1 tiếng chị đã sinh hạ bé trai nặng 3,3 kg.
Chưa hết vui mừng vì mẹ tròn con vuông thì ngay sau đó chị bị băng huyết nặng do y sĩ sơ ý trong quá trình đỡ đẻ làm rách dạ con. Được đưa vào cấp cứu ngay tại phòng đẻ lúc trước, chị phải nằm suốt 5 tiếng đồng hồ trên bàn đẻ để y sĩ này xử lý.
|
Thăm khám cho sản phụ tại trạm y tế xã ở Thái Bình. |
Chị Thắm kể lại: “Lúc đó, máu chảy rất nhiều, một y sĩ và 5 sinh viên thực tập tiến hành khâu cho tôi. Lần khâu thứ nhất kéo dài 1 tiếng đồng hồ thì họ nói được rồi, nhưng 5 phút sau lại thấy máu chảy, tôi lại được đưa lên bàn để họ cắt ra khâu lại, cứ thế họ cắt ra khâu lại đến 3 lần mà không được. Tôi thì đau đớn, mê man nhưng thỉnh thoảng lại nghe thấy y sĩ kêu mấy thực tập sinh: “Hết chỉ khâu rồi đi lấy đi, hết bông, hết cồn rồi… Mẹ kiếp, đ… biết rách chỗ nào mà khâu”.
Khâu cho chị Thắm được một lúc thì mất điện đến mấy lần, y sĩ phải sai thực tập sinh ra báo phòng bảo vệ cho máy phát điện vào phòng đẻ. Chị Thắm nằm tơ hơ trên bàn đẻ, vừa đau vì không được gây tê vừa mất máu nhiều mà vẫn phải chờ có điện để bác sĩ khâu tiếp.
Trước tình cảnh ấy, người nhà chị Thắm đã mấy lần năn nỉ cho chuyển chị lên tuyến trên nhưng không biết vì lý do gì bệnh viện dứt khoát giữ lại. Đến khi y sĩ không thể… tìm được chỗ để khâu nữa, chị Thắm cũng ngất lịm đi do mất quá nhiều máu người ta mới đưa chị lên Bệnh viện tỉnh Phú Thọ.
Tại đây, chị lại bị mổ một lần nữa, tiếp hơn 2 lít máu mới qua cơn nguy kịch. Theo bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ, chị Thắm bị băng huyết do sơ suất của người đỡ đẻ, nếu không lên tuyến trên cấp cứu kịp thời, chị sẽ chết vì mất máu quá nhiều.
Chị Thắm cho biết, sau đó người y sĩ đỡ đẻ cho chị đã xuống tận nhà để xin lỗi vì sơ suất trong quá trình đỡ đẻ (không nói rõ là sơ suất gì) và mong gia đình chị không đưa đơn kiện (?).
Sản phụ làm “chuột bạch”
Chuyện sinh nở của chị Bùi Thu Thủy ở Quỳnh Phụ, Thái Bình thì lại cười ra nước mắt. Ngày lâm bồn, chị được gia đình đưa lên Bệnh viện Phụ Dực (Quỳnh Phụ) chờ sinh nở. Nhưng thay vì cho vận động đi lại chờ lâm bồn, chị được đưa lên bàn đẻ nằm suốt 5 giờ để các sinh viên thực tập… thực hành khám xét. Chị Thuỷ cho biết: “Mình vừa đau, vừa xấu hổ mà cứ phải nằm đấy, hết bác sĩ rồi sinh viên thực tập, ai đi qua cũng đeo găng rồi thò tay vào xem… mở được mấy phân rồi”.
Bác sĩ Nguyễn Văn Hà - Phó Trưởng khoa Đẻ, BV Phụ sản T.Ư cho biết, ngày nào khoa Đẻ cũng tiếp nhận hàng chục ca cấp cứu sản ở các tỉnh do tai biến sản khoa. Ngày ít thì 4-5 ca, ngày nhiều thì cả chục ca. Nhiều sản phụ được chuyển lên trong tình trạng bị băng huyết nặng, có ca tử vong ngay trên đường đi cấp cứu. Vấn đề không chỉ là bệnh viện tuyến dưới thiếu trang thiết bị mà còn là hạn chế về trình độ kỹ thuật. (Minh Nguyệt - ghi)
Chị Lê Thị Hoa ở An Lão, Hải Phòng thì bức xúc: “Đi sinh tuyến dưới chả cần biết thai to nhỏ thế nào, họ “rạch” tuốt. Con tôi sinh ra có 2,4kg mà cũng bị khâu mất 5 mũi. Đã thế, khi đẻ không biết rặn, họ cũng chửi, tôi kêu đau họ cũng chửi…”.
Cũng theo chị Hoa, khi đỡ đẻ thì bác sĩ đỡ, nhưng khi đứa trẻ ra đời thì họ để mặc kệ sản phụ trên bàn với 5 – 6 sinh viên thực tập muốn làm gì thì làm, muốn khâu thế nào thì khâu. “Chỉ có 5 mũi mà thời gian khâu còn lâu hơn thời gian đẻ. Đau vô cùng tận”- chị Hoa nhớ lại. Nỗi ám ảnh sinh nở đã khiến nhiều sản phụ “thề” rằng, lần sau có sinh cũng lên tuyến trên cho an toàn và… đỡ bị chửi.
Theo bác sĩ sản khoa Phan Lam Phương – Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội: Tại nhiều bệnh viện tuyến huyện, người đỡ đẻ chủ yếu làm kiểu “tay quen”, nếu không có kinh nghiệm lâu năm thì sẽ không biết cách xử lý trong những tình huống khẩn cấp. Bệnh viện thì nhiều khi sợ mất uy tín, cũng sợ tuyến trên phê bình “dễ mà cũng đưa lên” nên cố giữ lại, vô tình gây khó khăn cho sản phụ.
Nguyễn Thiêm
Vui lòng nhập nội dung bình luận.