Để được gợi cảm, người phụ nữ không chỉ đẹp mà còn… thơm!

Nguyễn Hữu Hiệp Thứ bảy, ngày 28/06/2014 16:22 PM (GMT+7)
“Đàn bà cốt lấy đức hạnh và nhan sắc làm căn bản cho đời người. Đức hạnh nên gìn giữ. Nhan sắc nên trang điểm. Nếu đức hạnh không gìn giữ thì hỏng mất danh tiết trăm năm...". Chính vì vậy mà hình bóng của người phụ nữ xưa bao giờ cũng xứng đáng tiêu biểu cho lớp người công, dung, ngôn, hạnh.
Bình luận 0
Chăm chút nhan sắc là công việc thường xuyên của người phụ nữ, bởi đó là nghệ thuật thẩm mỹ. Mà thưởng thức nghệ thuật thẩm mỹ là nhu cầu văn hóa không thể thiếu của con người.

Chính làn da, mái tóc và năng sửa sắc đẹp ngoại hình, trước hết là nhằm thỏa mãn ước vọng trẻ mãi không già, và phái đẹp không dễ dừng lại ở đó, các bà, các cô còn sắm sửa cho mình hàng loạt phục sức khác, làm sao cho từ đôi giày, đôi vớ ở chân, chiếc nhẫn ở tay, cho đến bông tai, nón đội… đều phải thật đẹp. Đẹp là mối quan tâm bức xúc nhất, không chỉ cho riêng mình mà còn cho cả những người xung quanh. Ở đó, mục đích cuốn hút, cảm phục người khác giới tính không thể không là “số một lớn”.
img Mái tóc luôn tỏa hương thơm quyến rũ.
Mở đầu chương giới thiệu 12 phương thuốc giúp người phụ nữ làm đẹp, Tuệ Tĩnh thiền sư, người thầy thuốc đầu tiên chủ trương “thuốc Nam Việt trị bịnh cho người Nam Việt” viết: “Đàn bà cốt lấy đức hạnh và nhan sắc làm căn bản cho đời người. Đức hạnh nên gìn giữ. Nhan sắc nên trang điểm. Nếu đức hạnh không gìn giữ thì hỏng mất danh tiết trăm năm. Nhan sắc không trang điểm thì giảm sút vẻ tươi đẹp một đời”.

Chính vì vậy mà hình bóng của người phụ nữ xưa bao giờ cũng xứng đáng tiêu biểu cho lớp người công, dung, ngôn, hạnh. Cái giá trị văn hóa phi vật thể ấy cho đến ngày nay, ánh hào quang chói lọi của Hai Bà Trưng vẫn và mãi mãi hiện lên lên lồ lộ như nững tấm gương sáng vĩnh hằng, không chỉ là niềm hãnh diện tự hào của Việt Nam mà, bát cứ dân tộc nào trên thế giới, khi đã nghe biết đều không thể không nghiêng mình cảm phục.
img Thiếu nữ Việt bên sen

Xuất phát từ lòng căm hờn, phẫn hận quân xâm lăng giày xéo đất nước mình, tàn hại người thân gia đình mình, người phụ nữ dám làm, dám chịu trách nhiệm là Trưng Trắc cùng vứi em gái Trưng Nhị quyết đứng lên hô hào khởi nghĩa, dân chúng khắp nơi hưởng ứng rầm rập dưới cờ.

Ngay khi chuẩn bị ra trận diệt thù, bà Trưng Trắc không quên vận dụng cao nhất “lợi khí sắc bén tự có của mình” bằng cách diện thật đẹp. Các tướng lấy làm lạ hỏi, bà trả lời: “Việc binh phải tùng quyền. Nếu giữ lễ, làm dung nhan xấu xí, thì tự làm giảm nhuệ khí, nên ta mặc đẹp làm cho thế quân hùng tráng, vả lại, lũ kia thấy thế, tâm động, nhụt bớt chí khí tranh đấu, thì ta dễ có phần thắng”. Mọi người tạ rằng không nghĩ kịp! (Việt sử tiêu án). Và, như chúng ta đều biết, cuộc khởi nghĩa đã thành công.

Do vậy nên từ ngàn xưa, tiền nhân ta đã nghĩ chế ra nhiều loại son môi, phấn hồng, sáp thơm (nay gọi “kem”), nước hoa, và nhiều loại nữ trang để thỏa mãn cho nhu cầu làm đẹp cho phụ nữ. Tư dân dã cho đến các mệnh phụ phu nhân, ai nấy đều rất ưa chuộng.

Khi đã làm mọi cách để tôn thêm vẻ đẹp bên ngoài, vẫn biết không ai cảm thụ thẩm mỹ bằng khứu giác, nhưng người phụ nữ còn muốn làm sao cho những người xung quanh phải ngây ngất bởi mùi hương của da thịt mình.
imgNgất ngây hương thơm của muôn loài hoa (Ảnh minh họa, nguồn: Internet)
Ở Trung Hoa, cách nay khoảng 3.000 năm, các cung nữ đời Tây Chu thường gội đầu bằng thương thang (nước thơm nấu bằng nhiều loại lá có mùi thơm) và xông người, cùng xiêm y nấu bằng hơi khói của các loại cỏ thơm trước khi vào hầu chăn gối nhà vua. Như nàng Muội Hỷ, vợ yêu của vua Kiệt nhà Hạ (trước đó cả nghìn năm) thường súc miệng bằng “nước lá thơm” ngâm mình trong sữa dê núi có pha “chất xạ” để tạo hương thể. Bí quyết “hương xông xạ ướp” độc đáo này đã làm vua Kiệt bị mê hoặc!

Lại như thi hào Lý Bạch (đời Đường) bị tình phụ 3 năm mà “mùi của nàng” vẫn để lại cho khách đa tình ngây ngất. Ông viết:

"Mỹ nhân đi rồi giường bỏ không,
Trên giường mền gấm cuốn không đắp,
Đến nay ba năm hương còn nồng!"

                                                           (Tương tư, bản dịch Ngô Tất Tố).

Trong khi đó, ông Lê Quý Đôn cho biết người xưa thường hái hoa bưởi theo cách cất rượu và cất nước hoa, chỉ cần bôi vào tóc mấy giọt thì thấy thơm mát. Nhưng nhà quý phái thường dùng để tặng nhau.

Ở nước ta, vùng biên giới Việt – Trung là nơi sản xuất các loại hương quý như trầm hương, tốc hương, bạch đàn, quế, long não, giáng châu, kỳ năm, uất kim, bài hương, tường vi… Miền Bảy núi (An Giang) trước đây cũng có nhiều loại hương quý vừa kể, nhưng do hóa chất khai hoang thời chiến tranh và nạn phá rừng bừa bãi nên các sản vật đặc hữu hầu như không còn.

Đáng mừng là từ sau năm 1975 ngành lâm nghiệp An Giang đã phối hợp với một tổ chức phi chính phủ của Mỹ tiến hành khôi phục cây tốc (tức tốc hương, một loại cây có hương thơm rất dai – cho đến lúc đã mục mà vẫn còn thơm) tại địa bàn miền núi thuộc hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên đã quy hoạch và trồng được hàng chục ngàn hecta. Cùng với việc chuyên canh các loại lúa thơm, đây cũng là một cách làm “thơm hóa Bảy Núi” mà An Giang đang quyết tâm thực hiện.

Giải thích lý do nước ta có nhiều hương quý, các học giả Trung quốc Thẩm Tác Triết và Phạm Thanh Đại (đều người đời Tống), từng nói: “Nam phương hỏa thịnh, thực nó sinh thổ, thổ vị ngọt mà thơm, cây cỏ ở Nam phương được vượng khí của hỏa bồi dưỡng cho, anh hoa phát triển ra ngoài, cho nên có hương thơm”.

Ngày nay không ít quý bà quý cô đã xem trong chai nước hoa hơn cả "sinh mạng" mình! Trường hợp sau đây có thể minh họa được điều đó:

Cuối tháng 4.1975, giờ tận số của chính quyền Sài Gòn đã điểm. Những viên chức cao cấp của chính quyền ngụy hốt hoảng lái xe chạy ra phi trường Tân Sơn Nhứt để lên máy bay hầu hòng trốn ra nước ngoài. Trên một chiếc xe có gắn cờ cấp tướng, bà vợ bỗng hốt hoảng nhìn chồng, mặt tái xanh, la lớn:

- Anh ơi, em quên mất rồi!

Ông trung tướng trừng mắt nhìn vợ:

- Trời! Tui đã bảo bà chuẩn bị từ mấy hôm trước kia mà! Chết tôi rồi… Ra nước ngoài không có tiền thì chết đó!

Ông trung tướng mặt tái xanh quay đầu về dinh. Xe vừa đổ, bà vợ lạch bạch chạy lên lầu. Bà vội vã lục tung tất cả đồ đạc trong nhà. Không thấy gì, bà thần người nghĩ ngợi. Chợt bà vừa rú lên vừa chạy bắn như tên vào nhà tắm. Bà vồ lấy lọ nước hoa Pháp nhét vào trong người rồi chạy ra xe…

Sau này viên trung tướng đó trốn ra nước ngoài và viết hồi ký, ông kết luận: “Đàn bà họ sợ mất chai nước hoa xịn còn hơn là sợ chết!” (theo báo LĐXH số 10).

Để giữ gìn hạnh phúc gia đình, người phụ nữ đẹp thôi chưa đủ, mà còn phải… thơm – dân gian nhắc nhở: “Thia thia quen chậu vợ chồng quen hơi”!
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem