Sài Gòn khi ấy phải là vùng đất “thần tiên”, bởi không sạch, không đẹp cha mẹ đâu có lấy ra để treo giải thưởng.
Và thực tế từ hơn 20 năm nay, trung tâm TP.HCM (chủ yếu là quận 1) luôn là điểm đến của hàng triệu du khách trong và ngoài nước. Cùng với lượng khách du lịch ngày càng tăng, bộ mặt khu trung tâm TP.HCM ngày càng đẹp và tươm tất hơn. Tuy nhiên, đối với những du khách khó tính cũng như các hướng dẫn viên du lịch, các chuyên gia trong lĩnh vực đô thị, để món quà “đi Sài Gòn chơi” hấp dẫn hơn, thành phố cũng cần chấn chỉnh một vài “dị tật”.
Bãi giữ xe và bến xe đằng sau Nhà hát TP.HCM. Ảnh: Phan!
“Hậu trường” Nhà hát thành phốHai năm trở lại đây – Nhà hát TP.HCM trên đường Đồng Khởi, quận 1 được trang hoàng lại, và mỗi sáng thứ bảy hàng tuần có chương trình biểu diễn âm nhạc dân tộc, đã biến nơi đây thành điểm đến của không ít người dân thành phố và du khách nước ngoài.
Trịnh Xuân Tình, hướng dẫn viên chuyên phục vụ du khách Nhật, nhận xét: nếu chỉ đứng trước cửa nhà hát thưởng thức âm nhạc thì tuyệt, còn dạo quanh nhà hát, nhất là đi về hướng đằng sau thì du khách gặp phải không ít phiền toái.
Trong đó, đáng kể nhất là hình ảnh vỉa hè bên hông nhà hát bị rào làm bãi giữ xe, gây khó khăn cho việc đi lại tham quan tổng thể công trình Nhà hát thành phố. Tình nói: “Những công năng sai đó ngoài việc đẩy du khách xuống đường, còn trực tiếp làm xấu hình ảnh của công trình nhà hát”.
Chật chội nơi “nào ta cùng buýt”Trước chợ Bến Thành, trạm chờ xe buýt lớn nhất thành phố đã như chiếc áo quá chật đối với phát triển. Cơ sở vật chất ỏ đây quá tạm bợ, khói bụi mù mịt, mùi xăng dầu nồng nặc do hai cây xăng gây ra, người nêm chật ních… tìm chỗ đứng đã khó huống chi đến việc tìm ghế ngồi nghỉ chân. Đó là chưa kể, khi đến đây du khách sẽ phải chịu sự tra tấn của tiếng còi xe buýt và sự đeo bám của người bán hàng rong…
TS Nguyễn Hữu Nguyên, trung tâm Nghiên cứu kinh tế miền Nam, cho rằng nếu có kế hoạch khắc phục một cách bài bản thì chính quyền thành phố sẽ chấp thuận ngay. “Bởi hàng năm thành phố chi hàng ngàn tỉ đồng để vận động, khuyến khích người dân “cùng buýt”, thì không có lý gì tiếc thêm chút tiền làm đẹp cho bộ mặt thành phố”, ông Nguyên phân tích.
“Phố Tây” công viên mất dầnMột điểm đến khác được đông đảo du khách nước ngoài cũng như người dân thành phố chọn khi tham quan khu trung tâm chính là khu vực “phố Tây”, được bao bọc bởi các con đường Phạm Ngũ Lão, Đề Thám, Cống Quỳnh, với mỗi ngày có đến cả vạn du khách lưu trú.Du khách thích đến “phố Tây”, theo Tình, có lẽ vì nơi đây có công viên 23.9, rồi người dân thân thiện với người nước ngoài, nói được tiếng Anh. Và hơn cả là giá cả nhà trọ, dịch vụ lại khá rẻ.
Thế nhưng, như thông tin mà anh Tình nắm được, lượng khách đến “phố Tây” đang giảm từng ngày bởi khu vực này ngày càng trở nên phức tạp, cũng như cái công viên 23.9 ngày càng không phải là công viên mà dần trở thành cái bến xe cùng với chợ cóc hoạt động tấp nập từ sáng đến khuya, tạo ra hình ảnh phản cảm, gây phiền lòng du khách.
Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, khuyến cáo của anh Tình là hoàn toàn hợp lý. Ở đây ai cũng có thể thấy, để xảy ra tình trạng trên, ngoài nguyên nhân ý thức của một bộ phận người dân kém vì phải tìm kế sinh nhai, thì lỗi còn lại là do chúng ta lập quy hoạch mà không tính tới bước thực hiện quy hoạch cũng như giám sát quy hoạch.
Đối với công viên 23.9, từ lâu quy hoạch đưa ra yêu cầu là phải giữ gìn công viên này vì đó là mảng xanh hiếm hoi còn lại của thành phố. Tuy nhiên, bây giờ lại cho phép xây dựng nơi đậu xe buýt trong công viên, rồi tới đây tính xây dựng thêm nhà hát này, nhà hát nọ thì ngăn nắp sao được? “Do đó, phải ngay lập tức trả lại đất cho công viên thì hẳn nhiên tình trạng ăn theo để làm xấu bộ mặt công viên sẽ biến mất”, ông Sơn phân tích.
Đào Lê (Thế giới Tiếp thị) (Đào Lê (Thế giới Tiếp thị))
Vui lòng nhập nội dung bình luận.