Đề nghị bổ sung giám sát công tác bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ vì tham nhũng diễn biến phức tạp

Thành An Thứ ba, ngày 19/04/2022 11:45 AM (GMT+7)
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, có ý kiến đề nghị bổ sung chuyên đề giám sát về tổng rà soát công tác bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ giai đoạn 2011 đến nay vì tham nhũng đang ngày càng diễn biến phức tạp.
Bình luận 0

Sáng 19/4, tiếp tục phiên họp thứ 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023.

Đề xuất giám sát việc sử dụng các nguồn lực phòng chống dịch Covid-19   

Tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, chương trình giám sát năm 2023 gồm có: Quốc hội giám sát 2 chuyên đề và Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát 2 chuyên đề, được lựa chọn trong số 5 chuyên đề, cụ thể:

Chuyên đề 1: Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Chuyên đề 2: Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia (xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030).

Đề nghị bổ sung giám sát công tác bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ vì tham nhũng diễn biến phức tạp - Ảnh 1.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày tờ trình. Ảnh: QH.

Chuyên đề 3: Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Chuyên đề 4: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển nguồn năng lượng tái tạo.

Chuyên đề 5: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công giai đoạn 2015-2020.

Trên cơ sở thảo luận, xin phiếu ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chọn chuyên đề 1, 2, 3, 4 trình Quốc hội lựa chọn 2 chuyên đề để giám sát tối cao, 2 chuyên đề còn lại giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát và báo cáo Quốc hội.

Đề nghị bổ sung giám sát công tác bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, có ý kiến đề nghị bổ sung chuyên đề giám sát về tổng rà soát công tác bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ giai đoạn 2011 đến nay vì tham nhũng đang ngày càng diễn biến phức tạp, sự trì trệ trong quản lý điều hành ở không ít nơi; chất lượng xây dựng và ban hành thể chế đều bắt nguồn từ chất lượng nhân sự của bộ máy.

Việc lựa chọn các chuyên đề giám sát được thực hiện theo quy trình chặt chẽ được quy định tại Quy chế hoạt động giám sát của Quốc hội và phù hợp với đa số đề xuất của các cơ quan, các Đoàn đại biểu Quốc hội. Các chuyên đề này là vấn đề được cử tri và dư luận xã hội quan tâm.

Căn cứ tình hình thực tiễn, Tổng Thư ký Quốc hội sẽ đề xuất đưa vào các phiên chất vấn và trả lời chất vấn hoặc chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào thời điểm thích hợp.

Đề nghị bổ sung giám sát công tác bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ vì tham nhũng diễn biến phức tạp - Ảnh 2.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: QH.

Đối với các chuyên đề được nhiều cơ quan đề xuất nhưng chưa được lựa chọn, ông Cường nêu rõ: Về các đề xuất liên quan việc triển khai chính sách tài khóa, tiền tệ (11 ý kiến), Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất (tháng 1/2022).

Theo ông, nếu tổ chức giám sát chuyên đề này sẽ có nhiều nội dung, hoạt động trùng lặp với cách thức tiến hành thẩm tra, tổng kết việc thực hiện Nghị quyết.

Bên cạnh đó, trong quá trình tổng kết Nghị quyết về nội dung này sẽ có sự tham gia phối hợp của Ủy ban Kinh tế và các cơ quan của Quốc hội để thẩm tra việc thực hiện hàng năm.

Tiếp đó, đối với vấn đề đất đai, hiện nay, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) dự kiến được điều chỉnh trình Quốc hội cho ý kiến từ kỳ họp thứ 3 sang kỳ họp thứ 4 và xem xét, thông qua theo quy trình tại 3 kỳ họp (cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 và thứ 5, thông qua tại kỳ họp thứ 6).

"Trong quá trình thẩm tra và hoàn thiện dự án Luật, Ủy ban Kinh tế và các cơ quan của Quốc hội sẽ tham gia để phối hợp lựa chọn các vấn đề chuyên sâu, trọng tâm, trọng điểm để giám sát, khảo sát", ông Cường nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem