Thủ phạm là lái heo
Tại “điểm nóng” Đồng Nai, giá lợn hiện chỉ còn 42.000 đồng/kg, giảm đến 10.000 đồng/kg so với thời điểm chưa phát hiện việc sử dụng chất cấm. Ông Nguyễn Diên Tường - Giám đốc Công ty cổ phần Nông súc sản Đồng Nai cho biết: “Các trại heo lớn tuy có gặp khó khăn nhưng vẫn trụ được bởi các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm của họ tương đối ổn định. Còn đối với rất nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ rất khó khăn. Nhiều hộ có nguy cơ phải bỏ nghề. Nguy cơ thiếu thịt trong thời gian tới, có thể lại xảy ra”.
|
Mức phạt nhẹ nên nhiều hộ chăn nuôi chưa từ bỏ sử dụng chất cấm. |
Ông Phạm Đức Bình- Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam bức xúc nói: “Trước đây, việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi cũng đã được phát hiện nhưng không xử lý triệt để, bắt rồi chỉ phạt hành chính. Vì thế bây giờ mới bùng phát với quy mô lớn gây hoang mang trong dư luận như hiện nay”. Theo ông Bình, đối tượng hưởng lợi nhất khi sử dụng chất tạo nạc chính là người nuôi và giới thương lái.
Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai Nguyễn Trí Công cho rằng: “Tiếp tay nhiều nhất, mạnh nhất trong việc cho heo ăn chất độc là thương lái. Trước khi mua, lái heo đã đến tận nhà đưa chất tạo nạc, hướng dẫn cách pha trộn cho heo ăn...”.
Đề nghị phạt nặng
“Muốn diệt trừ tận gốc tình trạng chất tạo nạc có trong cơ thể heo, ngành thú y cần phối hợp với Hiệp hội Chăn nuôi cùng các hộ chăn nuôi, các cơ sở kinh doanh thuốc, bán thức ăn... ký cam kết không sử dụng chất cấm. Nếu sử dụng sẽ bị xử lý mạnh và đóng cửa đóng cơ sở. Các trạm thú y địa phương khi kiểm dịch trước khi xuất chuồng phải lấy mẫu nước tiểu heo xét nghiệm có chất cấm hay không…” - ông Phạm Đức Bình đề nghị.
Chiều 18.3, Chi cục Thú y tỉnh Bình Dương cho biết, Cơ quan Thú y vùng 6 vừa gửi văn bản thông báo kết quả xét nghiệm 2 cơ sở nuôi heo ở Bình Dương dương tính với nhóm chất cấm Beta- agonist (lấy mẫu cách đây 1 tuần). Đó là hộ ông Nguyễn Văn Hùng ở ấp 4, xã Trừ Văn Thố và hộ ông Trịnh Ngọc Quang ở ấp Bến Lớn, xã Lai Uyên, huyện Bến Cát. Thanh tra Chi cục Thú y đã xử phạt 25 triệu đồng đối với mỗi trường hợp.
Lộc Hưng
Trong khi đó, theo ông Trần Văn Quang- Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai, cơ quan thú y hiện đang gặp khó trong quá trình kiểm tra. Nếu kiểm tra thông thường thì quy định phải có thông báo trước cho họ. Còn kiểm tra đột xuất thì chỉ được phép khi có dấu hiệu vi phạm. Còn theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, để sớm loại bỏ “chất tạo nạc” trong cơ thể heo, cần nâng mức xử phạt vi phạm hành chính các đối tượng vi phạm lên từ 200 đến 300 triệu đồng (tăng gần 10 lần so quy định hiện hành), đồng thời xây dựng vùng chăn nuôi an toàn.
Đặc biệt, theo ông Công, cần tăng cường giám sát quản lý nhà nước đối với các điểm, loại hình bán thuốc thú y; kiên quyết đóng cửa trại chăn nuôi nếu phát hiện sử dụng chất cấm.
Cao Thuyên
Vui lòng nhập nội dung bình luận.