Để nông dân hết lo khi làm VietGAP

Thứ tư, ngày 02/03/2011 10:59 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trong quá trình tiếp xúc và trao đổi với bà con nông dân khi trình bày việc thực hiện quy trình sản xuất theo VietGAP, câu hỏi thường được đặt ra là: Thực hiện theo VietGAP có khó khăn?...
Bình luận 0

Nếu được giải thích một cách cụ thể thì sản xuất theo VietGAP hoàn toàn không có gì khó khăn, hầu như không khác mấy với cách sản xuất lâu nay của bà con.

Có khác là ở quy trình sản xuất được đồng bộ hóa cho phù hợp với vùng sản xuất, phải ghi chép lại quá trình sản xuất vào sổ tay, có kiểm tra, giám sát đảm bảo theo quy trình. Đồng thời phải thực hiện một vài tiêu chí bắt buộc để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và sức khỏe cho cả người sản xuất và môi trường. Khi được giải thích, trao đổi, hầu hết bà con nông dân đều cho rằng có thể thực hiện được.

img

Giá trị nông sản được nâng lên khi sản xuất theo VietGAP.

Về giá thành sản xuất theo VietGAP, lâu nay bà con nông dân khi tiếp cận một tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp mới đều có suy nghĩ là sẽ tốn kém hơn. Nào là phải mua thêm dụng cụ, máy móc, phải sử dụng những công cụ, thiết bị đạt yêu cầu kỹ thuật, phải sử dụng vật tư nông nghiệp có chất lượng, giống cây trồng theo tiêu chuẩn…

Tính toán ban đầu làm cho nông dân thấy chi phí đầu tư cao hơn, nhưng năng suất, chất lượng và lợi nhuận là những điều mà phải đến khi thu hoạch, bán sản phẩm thì mới thấy được. Do vậy, ban đầu phải phổ biến kiến thức VietGAP và xây dựng mô hình, sau đó có hội thảo thì bà con nông dân mới nhìn thấy được hiệu quả.

Vừa qua triển khai mô hình sản xuất lúa VietGAP tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, bà con nông dân đã thấy được hiệu quả thiết thực. Khi tổng kết chi phí, có những hộ đã giảm được nhiều chi phí không cần thiết. Khi tính toán giá thành cho từng hộ nông dân bà con đều thấy rằng sản xuất lúa theo những quy trình khuyến cáo đã thật sự tiết kiệm và giảm giá thành sản phẩm.

Vấn đề còn lại là tiêu thụ. Phải nhìn nhận một cách thực tế rằng có nhiều doanh nghiệp nhạy bén với việc theo dõi tiến trình thực hiện sản xuất nông nghiệp theo GAP, VietGAP tại Việt Nam và tích cực tham gia từ khâu đầu tư, bao tiêu sản phẩm với giá có lợi cho nông dân, thông thường cao hơn sản phẩm cùng loại khoảng 20%. Tuy nhiên số lượng doanh nghiệp như trên cũng còn rất ít.

Tiêu thụ nông sản sản xuất theo VietGAP không phải là vấn đề khó đối với doanh nghiệp khi không phải tốn kém nhiều chi phí, khi vùng nguyên liệu đã được hình thành... Vấn đề là chúng ta cần phải kết hợp với nhau ngay từ đầu, doanh nghiệp lên tiếng bao tiêu và cùng với nông dân sản xuất tiêu thụ tốt hàng hóa theo VietGAP thì sự ổn định sản xuất sẽ được giữ vững và lợi nhuận các phía sẽ được nâng lên.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem