Trong một dịp thức sớm để ra ga Sài Gòn đón một người bạn từ Nha Trang vào, chúng tôi phát hiện ra cái chợ chuyên bán cua đồng trên đường Cách Mạng Tháng Tám, đoạn gần Hoà Hưng. Dưới ánh đèn khuya, cảnh họp chợ tấp nập ngay dưới lòng đường, đây là chợ bán sỉ chuyên cung cấp cua đồng cho các hàng bán bún riêu, canh bún, bún đậu… và các bà bán lẻ cua xay, cua sống ở các chợ.
Cua sau khi đổ xuống chợ được phân loại cua sống, cua chết. (Ảnh: TL)
Sài Gòn có bao nhiêu điểm bán các món ăn có gốc từ con cua đồng, chắc chỉ có "hồn ma" các con cua là đếm được hết. Thêm nữa, thời gian chừng mươi năm gần đây các quán nhậu khắp Sài Gòn có thêm món lẩu cua đồng, cua đồng xào me, càng cua đồng rang muối… khiến dân nhậu bắt mồi bia rượu phải biết.
Hỏi thăm những người lớn tuổi thì họ đều đưa ra ý kiến chung chung về các món có con cua đồng là: Nếu cua đồng nấu canh rau đay, rau nhút, rau mồng tơi thì gọi là món “kinh điển” của bữa ăn nhà bình dân thị thành.
Riêng các món nhậu liên quan đến con cua đồng thì chỉ mới “nhập hộ khẩu” vô Sài Gòn từ ngày mấy ông giàu có bắt đầu ớn "sơn hào hải vị", bắt đầu sợ béo phì đột quỵ nên sanh ra “hồi hương” với các món nhậu con nhà quê. Cũng phải thôi, nếu cho rằng các món ăn, món nhậu mới “khai sinh” hoặc mới “nhập hộ khẩu” ở đất Sài Gòn hiện nay đa phần đều do nhu cầu của dân nhà giàu.
Với chợ chuyên bán cua đồng, chúng tôi được biết thêm rằng chợ họp mỗi ngày vào lúc 2 giờ khuya, tới gần mờ sáng thì mau mau dẹp chợ kẻo bị công an hốt. Giá cua đồng ở thời điểm hiện tại khoảng 30.000 đồng/kg.
Nhưng đó là giá cua còn sống, chớ thật ra con cua đồng từ khắp các đồng ruộng vô đất Sài Gòn, tới tay người bán thì dù là cua chết, rụng que, gãy càng tất tần tật đều được “hốt liền” cho vô cối xay, thêm muối và bán tuốt tuồn tuột cho các bà nội trợ nấu canh hoặc đưa vào nồi nước lèo bán bún.
Nói về cua đồng xay thì ai cũng biết ngày nay không còn chuyện giã cua bằng cối nữa; nhưng không vì thế mà không nhớ vào cái thời sau giải phóng 1975, cái nón sắt của người lính được nhiều nhà giữ lại để giã cua đồng.
Cảnh khốn khó thời đó khiến nhiều gia đình người Sài Gòn đạp xe đến rã chân ra ngoại thành đi mò cua bắt ốc về giã bằng cái nón sắt luôn là một kỷ niệm sâu sắc.
Người bạn trẻ đi cùng chúng tôi thắc mắc với bà bán cua. “Không biết cua đồng ở đâu mà có để bán quanh năm suốt tháng, chắc là cua nuôi chớ làm gì còn cua ngoài tự nhiên? Bà bán cua ngước mặt lên trả lời. “Cua bắt chớ ai đâu mà nuôi; người dưới quê phải lội rã chân, soi đỏ con mắt mới ra con cua chớ phải dễ ăn đâu”.
Thật ra cua đồng ở đồng ruộng miền Nam trước đây nhiều vô số kể, hơn nữa dân miền Nam ngày xưa đâu có mấy ai chịu ăn con cua đồng. Đến ngày nay khi bén mùi ngon của con cua đồng và các món ăn nấu từ con cua đồng thì hỡi ơi, muốn nấu món hoặc đi tiệm thưởng thức món ngon cua đồng là phải chi bộn tiền.
Trở lại với không khí đêm khuya ngậy mùi cua đồng ở chợ này, chúng tôi nghĩ nếu có dịp thì các bạn cũng nên ghé qua cho biết.
Có thể các bạn không ưa nhìn cảnh cua bò trong mấy cái mâm lớn tổ chảng, nhưng ít ra cái mùi cua đồng sẽ khiến các bạn liên tưởng đến tô bún riêu thơm phức, và các bạn sẽ thêm phần thú vị khi biết rằng món ngon xứ Sài Gòn càng phong phú đa dạng thì chợ lớn, chợ nhỏ ở Sài Gòn càng muôn hình vạn trạng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.