Đêm trừ tịch và nỗi lo về sụt giảm đầu tư nông nghiệp

Hoàng Trọng Thủy Chủ nhật, ngày 26/01/2020 16:11 PM (GMT+7)
Canh Tý – Đêm giao thừa có những khác thường! Trời thì sáng, mưa dày nặng hạt, sấm kéo dài. Lạ, khác thường… không biết nông nghiệp năm Canh Tý ra sao?
Bình luận 0

Canh Tý – Đêm giao thừa có những khác thường! Trời thì sáng, mưa dày nặng hạt, sấm kéo dài. Lại có tin ở miền núi tỉnh Thanh Hóa, Bắc Kan có mưa đá hạt to. Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long – bạn tôi điện ra nói rằng, nóng,  gần 34 độ C, thức ăn thừa đổ đi, không mấy nhà dám giữ lại.

Lạ, khác thường… không biết nông nghiệp năm Canh Tý ra sao? Mấy vị lão làng bên ấm trà xanh ở quê lúa Thái Bình cứ đoán già, đoán non. Người thì tin đó là tín hiệu được mùa, người thì lo năm Chuột, lại nhuận 2 tháng Tư thì đấy là điềm báo khó tứ bề, mấy vị công chức chẳng mấy khi “chân lấm tay bùn” thì phớt phát cho là biến đổi khí hậu, băng tan. Cứ vậy, lời ra của kinh nghiệm, truyền thống và cái lý của thế thời hiện đại cứ va nhau đôm đốp mà chẳng ai đưa ra được cái lý, cái lẽ thật cuối cùng.

img

Mưa đá gây nhiều thiệt hại về rau, hoa màu, cây ăn quả... tại huyện Mộc Châu, Sơn La.

Vậy là còn lo, còn chờ đợi! Chẳng may có hạn hán, bão giông. Ông Trời mà trở tính thì nhà nông… treo nồi. Nhưng, cứ mải quanh chén trà, ly rượu, thong dong  với lễ hội… và những nhà làm chính sách cứ “Để yên xem sao”, thì đó sẽ là mối nguy lo cho nông dân, nông nghiệp, nông thôn nước nhà

Lẽ rằng, tăng trưởng dài hạn của nông nghiệp, bao gồm nông, lâm, ngư, thủy sản đã giảm dần tốc độ tăng trưởng từ 4,3% giai đoạn 1991 – 2000, xuống còn 3,6% các năm 2001 – 2010 và còn dưới 3% trong các năm từ 2011 đến nay. Tăng trưởng nông nghiệp chậm lại, vì sao? Nếu tiếp cận từ nguồn lực đầu vào, sẽ nhận thấy rõ hơn sự bất hợp lý từ chính sách đầu tư của Nhà nước đã giảm dần (theo thứ tự các năm và giai đoạn đã nêu trên), từ 32,4%  xuống 23,4% và dưới 8% của 3 năm gần đây.

Theo cách tính ngang giá trong cơ chế thị trường, hễ sản xuất nông nghiệp tăng trưởng 1% thì mức đầu tư là 4%. Nếu thuận theo phép tính kinh tế ấy, thì liên tục trong 10 năm qua, đầu tư cho nông nghiệp ở Việt Nam luôn thiếu hụt ở mức 48 đến 52% so với yêu cầu… Vì thế mà “tam nông” nước nhà giống như con chim yến, rút từ thân thể của mình ra - xây tổ. Vì thế mà tài nguyên đất, rừng, nước… trong cơn quặn đau đã sinh ra đám “âm binh” lũ quét, hạn hán, bão giông…

img

Nông nghiệp cần được tăng cường mức đầu tư để phát triển, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản.

Đầu tư giảm thì nông nghiệp suy giảm, lao động trẻ nông thôn cũng rời đi, ruộng bỏ hoang cũng tăng lên chóng mặt… làm cho nông nghiệp đã khó lại khó khăn thêm. “Tam nông” với tư cách là nguồn cung cấp đầu vào cho công nghiệp, thương mại dịch vụ…thì sự mạnh yếu sẽ ảnh hưởng rất lớn đến toàn bộ hoạt động của nền kinh tế quốc gia. Đây là điều tưởng chừng như ai cũng biết, nhưng thực tế, “tam nông” vẫn còn đó những xô lệch về cấu trúc ngành hàng, về KHKT – công nghệ, công tác kiểm định và sự quan ngại về vệ sinh an toàn thực phẩm và thị trường xuất khẩu với thương hiệu nông sản quốc gia không dễ giải quyết trong một kế hoạch 5 năm.

Tăng mức đầu tư vào nông nghiệp sẽ cải thiện được chất lượng của nguyên liệu và năng lực của người nông dân; thúc đẩy mạnh mẽ thể chế chính sách về đất đai, khai thông thị trường đất và đảm bảo quyền tài sản đất đai của người nông dân là những yếu tố căn bản, quan trọng bậc nhất cần được tháo gỡ. Tăng đầu tư vào nông nghiệp là ngăn chặn đám “âm binh” tàn phá, hủy hoại môi trường - cho Việt Nam thêm xanh với mùa Xuân bất tận.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem