Đến lúc hết "kỳ thị" với Covid-19

Đức Hạnh Thứ sáu, ngày 04/03/2022 15:59 PM (GMT+7)
Dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh. Hà Nội đã gần chạm ngưỡng 20.000 ca/ngày, cao hơn nhiều so với đỉnh dịch trong làn sóng thứ 4 ở TP.HCM. Thế nhưng đến thời điểm này, tư duy của người dân về dịch Covid-19 đã hoàn toàn thay đổi.
Bình luận 0

Dịch vẫn đang bùng phát mạnh. Tối 3/3, Bộ Y tế cho biết, số ca Covid-19 trong ngày tiếp tục tăng cao, lên gần 119.000 ca tại 62 tỉnh, thành phố. Hà Nội đã gần chạm ngưỡng 20.000 ca/ngày, cao hơn nhiều so với đỉnh dịch trong làn sóng thứ 4 ở TP.HCM, thế nhưng đến thời điểm này, tư duy của người dân về dịch Covid-19 đã thay đổi rất nhiều.

Mới mấy tháng thôi mà tư duy về virus SARS-CoV-2 trong xã hội đã khác hoàn toàn. Còn nhớ cách đây vài tháng, Hà Nội, TP.HCM và nhiều tỉnh thành khác chăng dây chằng chịt, phong toả, cách ly khắp phố phường. Chưa nói đến ngày Hà Nội có bệnh nhân Covid-19 số 17, như một sự chấn động ở thủ đô. Còn bây giờ, số nhiễm đã vượt qua con số cao nhất từ trước đến nay, nhưng số nặng và tử vong vẫn còn thua khá xa so với trước. Điều quan trọng là không có sự hoảng loạn. 

Cho dù số F0 của Hà Nội và của nhiều tỉnh khác được ghi nhận ngày càng cao sau mỗi ngày, có lẽ những số liệu đó còn lâu mới phản ánh đúng thực tế lây nhiễm khi chủng Omicron đang được tin là thịnh thành vào thời điểm này.

Mặc dù vậy, không khí và tâm lý của người dân đã không quá căng thẳng. Hà Nội không đóng cửa, không phong tỏa cực đoan như trước. Ở góc độ nào đó, quyết định này giúp phơi bày thực tế là bệnh viện điều trị Covid không quá tải dù có thể căng thẳng, không có tình trạng giường bệnh bày la liệt ra sân, ra hành lang, bệnh nhân không có chỗ mà nằm.

Giới chức ngành y tế cho biết, tỷ lệ bệnh nhân thể nhẹ, không triệu chứng chiếm tới 96%, trong đó 95-98% tổng số ca nhiễm điều trị tại nhà. Những con số này phác họa một bức tranh khá tích cực so với trước đây, khi có F0 là truy vết, cách ly triệt để, đóng hết cả chung cư, chợ búa. Kết quả này chắc chắn có được trên nền tảng phủ vaccine diện rộng và những bài học rút ra từ đợt chống dịch ở TP.HCM trong quý 3 năm ngoái với nhiều hệ lụy tang thương.

Đến lúc hết "kỳ thị" với Covid-19 - Ảnh 2.

Tiêm vaccine Covid-19 cho học sinh ở TP.HCM. Ảnh: B.D.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo ngành y tế tham khảo kinh nghiệm quốc tế để có biện pháp phù hợp, hiệu quả để tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem Covid-19 là "bệnh đặc hữu".

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) định nghĩa, bệnh đặc hữu "là sự hiện diện thường xuyên của một căn bệnh hoặc tác nhân truyền nhiễm trong một cộng đồng tại một khu vực địa lý".

Đại dịch là một loại bệnh dịch lan rộng, nhanh chóng với các ca bệnh gia tăng theo cấp số nhân trên một khu vực rộng lớn.

Trong khi đó, bệnh đặc hữu thường xuyên xuất hiện và có tốc độ lây lan khá dễ đoán. Khả năng dự đoán đó cho phép hệ thống chăm sóc sức khỏe và bác sĩ chuẩn bị, thích ứng, giảm thiểu thiệt hại về tính mạng.

Điều này đồng nghĩa dù một số người vẫn sẽ nhiễm bệnh nhưng đó sẽ không phải là một con số cao quá mức với những hậu quả nặng nề khiến công chúng, hệ thống bệnh viện và nhà cung cấp dịch vụ bị quá tải. 

Chỉ đạo của Thủ tướng là rất quan trọng trong tư duy về Covid-19 do từ khi thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP đến nay, tỷ lệ tử vong/số mắc giảm từ 2,45% xuống 1,54%.

Một khi đã coi là bệnh đặc hữu thì cách chữa bệnh cũng sẽ khác đi. Thay vì chăm chăm đếm ca, công bố các ca nhiễm thì ngành y cần công bố biểu đồ ca nặng và số giường bệnh.

PGS.TS.BS Vũ Minh Phúc, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Nhi Trường ĐH Y Dược TP.HCM cho rằng, phải sống chung an toàn với virus bằng biện pháp 5K. Nếu tỷ lệ tiêm ngừa đã cao nhưng số ca nhiễm tăng nhanh, hệ thống y tế cần có các kịch bản đáp ứng kịp thời trong tình huống xấu nhất, như ngành y tế nên chuẩn bị sẵn sàng thuốc kháng virus trong hệ thống phân phối thuốc công và tư, thuốc cho cả nhóm bệnh nhân nhẹ và nặng; xây dựng lại mạng lưới theo dõi và cung cấp oxy ở tuyến cơ sở, phường - xã, để xử trí sớm và kịp thời các trường hợp chuyển nặng.

Còn theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trường Đại học Y Dược TP.HCM, thành viên Tổ tư vấn về chính sách phòng chống dịch và phục hồi kinh tế tại TP.HCM, để kiềm chế tốc độ mắc Covid-19, ngoài thực hiện quy tắc 5K, cần tạo điều kiện cho người mắc Covid-19, đặc biệt là người có chỉ định được tiếp cận với thuốc kháng virus Molnupiravir, điều này sẽ giúp giảm một phần khả năng phát tán, lây lan cho mọi người.

Không thể nào để tiếp tục chuyện người bệnh muốn mua thuốc với giá công bố thì chỉ có "lên tivi mà hỏi", còn muốn sớm có thuốc điều trị thì phải đôn đáo nhờ đủ các mắt xích, hay mua qua mạng với giá tiền triệu mà cũng chẳng biết thật giả tốt xấu thế nào. 

Việc truy vết các trường hợp mắc biến thể Omicron vẫn phải thực hiện đúng đối tượng nhưng không nên cách ly tập trung những ca nhẹ hoặc không triệu chứng. Những ca nhẹ này chỉ cần cách ly, theo dõi tại nhà. Song song đó cần đẩy nhanh công tác tiêm chủng cho trẻ. Đối với trẻ chưa nằm trong diện tiêm chủng cần thực hiện tốt 5K và người nhà cũng cần thực hiện tốt quy định này để bảo vệ, tạo hàng rào xung quanh cho trẻ.

Dịch bệnh giờ đã khác, nhất là khi đa số người dân đã tiêm đủ vaccine, nên mặc dù với mức độ lây lan rộng trong cộng đồng như hiện nay, PGS.TS Trần Đắc Phu - Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhấn mạnh: Số ca mắc tăng trong tầm kiểm soát.

Thực tế đã khác, tư duy đã khác, đòi hỏi việc ban hành chính sách cũng phải nhanh hơn, đáp ứng tốt hơn với thực tế, từ chuyện khai báo, cách ly, mua thuốc, nhập viện đến chuyện đi học của trẻ em, đi lại của người lớn... làm sao phòng chống được dịch bệnh và tạo thuận lợi cho người dân, giữ vững được sức khoẻ của chính bộ máy y tế. 

Đó mới là thích ứng và linh hoạt trong đại dịch.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem