Đến thăm làng "siêu đẻ" ở Đắk Lắk

Chủ nhật, ngày 01/06/2014 20:22 PM (GMT+7)
Đến làng "siêu đẻ", hình ảnh đầu tiên đập vào mắt là những căn nhà gỗ lụp xụp nằm sát nhau và từng tốp 5 - 10 em bé hồn nhiên vui chơi dưới cái nắng chói chang.
Bình luận 0
Đẻ nhiều cho vui cửa vui nhà

Nằm trong vùng sâu của huyện Krong Bông (tỉnh Đắk Lắk), xã Cư Pui có các thôn Ea Lang, Ea Uôl, Ea Bar, Cư Rang, Cư Tê và Ea Rớt. Vùng này được người ta gọi vui là làng "siêu đẻ".

Đi qua cây cầu sắt bắc qua một con sông, nối từ trục đường liên xã vào các thôn thì thấy hàng trăm đứa trẻ lố nhố ngoài đường. Từng tốp trẻ con đứng dài ngay đầu thôn Ea Uôl nhìn chúng tôi với ánh mắt ngạc nhiên, sợ sệt.

Theo người dân trong xã, một trong những gia đình đông con nhất là vợ chồng anh Sùng Pa Thào (SN 1965) và chị Vàng Thị Mắng (SN 1970). Anh chị từ Bắc Cạn di cư vào thôn Ea Uôl, xã Cư Pui năm 2007 và sinh 10 người con (6 trai, 4 gái). Cháu lớn năm nay 20 tuổi đã bỏ học theo cha đi làm thuê, cháu nhỏ nhất mới 3 tháng tuổi.

Chị Vắng cho biết gia đình có 12 nhân khẩu, nhưng đất đai canh tác rất ít, mọi trang trải cho cuộc sống đều nhờ vào những đồng tiền ít ỏi từ việc làm thuê của chồng và đứa con cả. Còn chị, việc trông con đã chiếm hết thời gian, không làm được gì để kiếm ra tiền.

Nhà có 10 người con, gia đình chị Dính luôn phải đi vay gạo để ăn.
Nhà có 10 người con, gia đình chị Dính luôn phải đi vay gạo để ăn.

Mới 45 tuổi nhưng chị Vắng già hơn so với tuổi của mình. Hàng ngày phải trông nom 8 cháu nhỏ, đứa nào cũng hiếu động, nghịch phá. “Biết là sinh nhiều con sẽ vất vả, nhưng chồng tôi vẫn muốn đẻ cho chúng nó có anh có em, vui cửa vui nhà”, chị Vắng cho hay.

Ngôi nhà của gia đình này được làm tạm bợ bằng cây gỗ rừng, mỗi khi trời mưa thì bị dột nhiều chỗ. Tài sản trong nhà không có gì đáng giá ngoài chiếc xe máy cà tàng và một số bao ngô, khoai mì trên nóc nhà dự trữ.

Hai đứa con lớn của gia đình chị Vắng học đến lớp 7, sau đó phải nghỉ ở nhà phụ giúp mẹ trông em hoặc lên nương làm thuê.

Chị Vương Thị Nhung - Chi hội trưởng Hội phụ nữ thôn Ea Uôl - cho biết: “Hầu hết các gia đình trong thôn đều đông con, có nhà tới 11 - 12 cháu. Mật độ sinh đẻ rất dày, thường mỗi năm sinh 1 cháu, đứa này chưa kịp lớn thì đã có đứa khác".

"Phần lớn các cháu đều quá tuổi đến trường mới được đi học. Những bà mẹ chủ yếu sinh ở nhà. Nhiều cháu tới lúc đi học mới có giấy khai sinh hoặc khi chúng tôi đến nhắc nhở thì gia đình mới làm", chị Nhung chia sẻ.

Trong vòng luẩn quẩn

Chỉ đi một đoạn khoảng 200 m trên con đường nhỏ giữa thôn, nhìn vào chỗ nào cũng thấy con nít túm tụm lại vui chơi.

Cách gia đình chị Vắng 10 m là nhà chị Sùng Thị Dính và anh Lầu Chờ Thào cũng có 10 người con, cháu lớn 19 tuổi và cháu nhỏ nhất 2 tuổi. Mặc dù đông con như vậy nhưng mọi sinh hoạt trong nhà đều dựa vào sức lao động của anh Thào.

“Nhà đông con, nương rẫy ít, chồng tôi tối ngày đi làm thuê nuôi các cháu nhưng cũng không đủ ăn. Mỗi năm cả nhà phải đối diện với cái đói trong 3 tháng đầu năm vì thời điểm đó khoai mì, bắp chưa thu hoạch. Thương con, vợ chồng tôi lại đi vay, ký nợ để mua gạo, sau đó đi làm thuê lấy tiền trả. Cứ như thế, chúng tôi sống trong cái vòng luẩn quẩn vay nợ - trả nợ”, chị Dính trầm ngâm.

Anh Sính Chứ Chơ, Trưởng thôn Ea Uôl - cho biết: "Thôn chỉ có 315 hộ nhưng tới 1.983 nhân khẩu. Mặc dù chúng tôi đã nhiều lần tuyên truyền các biện pháp tránh thai nhưng không hiệu quả. Nhà nào cũng có thành viên mới mỗi năm".

Đến các thôn Ea Uôl, Ea Rớt, Ea Bar, Cư Rang, Cư Tê... đi đâu cũng gặp trẻ con
Đến các thôn Ea Uôl, Ea Rớt, Ea Bar, Cư Rang, Cư Tê... đi đâu cũng gặp trẻ con.

Ông Lò Tiến Dũng - Trưởng thôn Ea Rớt - cho biết, rất nhiều gia đình trong thôn có 5 con trở lên. Nhiều người vừa bước sang tuổi 30 như anh Thào Văn Thê có 8 người con và cả 8 cháu đều không được đi học; anh Sùng A Páo có 13 con. Còn thôn Ea Bar, tỷ lệ gia đình sinh con thứ 3 trở lên đến 90%.

Đặc điểm chung ở những gia đình "siêu đẻ" tại xã Cư Pui đều là hộ nghèo, con cái không được ăn học đến nơi đến chốn. Cuộc sống của họ bữa no, bữa đói. Mỗi bữa ăn chỉ có cơm trắng cùng mắm muối và ít rau dại, đến mùa giáp hạt thì toàn ngô và khoai mì.

Chị Lê Thị Lý, cán bộ xã Cư Pui, nói: “Xã thành lập nhiều tổ cộng tác viên dân số ở thôn, tổ chức các buổi giao lưu tuyên truyền biện pháp tránh thai và nói rõ những hệ lụy về việc nhiều con. Nhưng các biện pháp trên đều không đem lại hiệu quả”.

“Nguyên nhân sâu xa là do nhận thức của người dân còn hạn chế, họ cũng còn mang tư tưởng trọng nam khinh nữ. Có cặp vợ chồng đẻ cho bằng được đứa con trai, nhưng khi có con trai rồi lại muốn đẻ thêm để cho có anh, có em”, chị Lý cho biết.
Zing (Theo Zing)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem