Đen xì, độc hại nhưng lại “phủ sóng” từ thành thị tới nông thôn

Danh Hùng Thứ ba, ngày 24/04/2018 19:15 PM (GMT+7)
Với nhiều ưu điểm như: giá thành rẻ, nhiệt độ giữ được lâu, lửa cháy ổn định… than tổ ong (hay còn được gọi là than đá) được khá nhiều người lựa chọn. Tuy nhiên, than tổ ong cũng là một trong số những sản phẩm gây ô nhiễm nhiều nhất, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người.
Bình luận 0

Nhiều du khách khi lưu thông trên quốc lộ 1, đoạn ngang qua xã Nhị Bình, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) rất ngạc nhiên vì sự xuất hiện của hàng chục cơ sở làm than tổ ong hoạt động nhộn nhịp. Đây được xem là làng nghề làm than có quy mô lớn nhất huyện với trên 50 hộ đang hành nghề.

img

Nghề làm than tổ ong mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân ở các vùng nông thôn.

Bà Trần Thị Thu, chủ cơ sở làm than tổ ong ở xã Nhị Bình cho biết : “Làm nghề này tuy sống được nhưng ảnh hưởng tới sức khỏe lắm, tôi phải cho mấy đứa nhỏ sang nhà khác sinh sống cho an toàn tránh được ô nhiễm về sau. Còn phía công nhân họ cũng nghỉ việc khá nhiều vì các bệnh về đường hô hấp. Chắc làm vài năm nữa phải giải nghệ thôi”.

Anh Nguyễn Trung Nhân, người đã có trên 30 năm làm nghề cũng bộc bạch: “Biết là độc hại nhưng phải theo vì không có nghề khác mưu sinh, mỗi ngày tôi được trả công 160.000 đồng, lúc nào tăng ca thì nhiều hơn, cực nhưng cũng đủ lo toan kinh tế, mà có bỏ nghề cũng không biết làm gì vì gia đình không có ruộng đất, chừng nào bệnh thì tính sau”.

Mới đầu ngày nhưng cơ sở làm than tổ ong của anh Đỗ Tùng Trung (xã Bình Thủy, Châu Phú – An Giang) đã bụi mù mịt. Anh Trung theo nghề đã hơn 20 năm, mỗi ngày, cả nhà thường dậy rất sớm để chuẩn bị nguyên liệu làm than vừa đếm hàng đi giao.

img

Giá rẻ, tiện lợi nhưng than tổ ong lại là tác nhân gây ô nhiễm không khí rất nghiêm trọng.

“Nghề này vất vả lắm, mỗi viên than làm ra trừ hết chi phí lời có mấy trăm đồng. Làm ra viên than đã khó, để tiêu thụ được cũng chật vật lắm. Còn nữa, làm nghề này nhà cửa thường bị bụi than bám đen, vệ sinh hàng ngày khá vất vả, nên phải lấy bạt cao su che lại cho bụi đỡ bám. Được cái nghề này cho thu nhập khá, nên đời sống gia đình cũng được đảm bảo” - anh Trung tâm sự.

Hiện nay, trung bình mỗi ngày, cơ sở anh làm được từ 400-500 viên than các loại. Mỗi tháng, gia đình anh bán được trên 10 tấn than, sau khi trừ chi phí, mỗi tháng anh thu nhập trên dưới 10 triệu đồng – mức thu nhập không hề thấp với các hộ nông thôn.

img

Không chỉ ở các vùng quê, ngay cả khu vực thành thị than tổ ong cũng được người dân ưa dùng.

Không chỉ ở các vùng quê, ngay tại các thành phố lớn như thủ đô Hà Nội, nhu cầu dùng than tổ ong cũng rất cao. Hà Nội hiện có khoảng 55.000 bếp than tổ ong, một ngày tiêu thụ 528,2 tấn than, phát thải 1.870 tấn khí CO2.

Theo số liệu khảo sát Chi cục Môi trường (Sở TN&MT Hà Nội) mới công bố, tỷ lệ bếp than tổ ong tại các quận nội thành chiếm 63%, nơi tập trung nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhà hàng, bán nước trên vỉa hè…, trong khi đó các huyện ngoại thành chỉ chiếm 37%. Đây là những con số đáng báo động, đe dọa sức khỏe người dân và môi trường cho khu vực nội đô.

Cụ thể hơn, kết quả khảo sát đối với 600 hộ dân thuộc tại 3 quận, huyện (Sóc Sơn, Đống Đa, Ba Đình) cho thấy: Cơ cấu sử dụng bếp than cho việc kinh doanh trên địa bàn quận Ba Đình là 73%, Sóc Sơn là 63%, Đống Đa là 56%.

Số liệu khảo sát tại từng hộ gia đình, số lượng than được sử dụng trung bình hàng ngày cho việc kinh doanh cũng chiếm đa số, Đống Đa gần 8kg/ngày, Ba Đình là hơn 6kg/ngày, Sóc Sơn là trên 4kg/ngày… và thời gian sử dụng bếp than trong một ngày là từ 410-450 phút.

Không thể phủ nhận nghề làm than tổ ong còn góp phần giải quyết được nhiều việc làm cho lao động nông thôn với mức thu nhập tương đối khá, 120.000 - 150.000 đồng/ngày. Và trên thực tế, các cơ sở làm than với quy mô lớn có nhiều công nhân, đầu ra sản phẩm khá tốt và tiêu thụ dễ dàng.

Tuy nhiên, đối với các cơ sở làm tổ ong quy mô nhỏ thì đa phần lao động là người trong gia đình, nguồn lãi tương đối thấp nhưng họ vẫn bám nghề dù biết rằng mình đang đối mặt từng ngày, từng giờ với bao nguy hiểm và dịch bệnh. Không chỉ vậy, có rất nhiều hộ dân sinh sống xung quanh các cơ sở làm than tổ ong cũng rất lo lắng và bức xúc bởi khói bụi bám đầy nhà cửa, ruộng vườn, ảnh hưởng trực tiếp sức khỏe của cộng đồng.

Có mặt khắp nơi, từ thành thị tới nông thôn, góp phần phục vụ đời sống con người, giải quyết được nhiều lao động nông thôn. Thế nhưng, bài toán sức khỏe và an toàn lao động vẫn đang là nỗi lo của không ít người trước sự tồn tại “bền bỉ” của than tổ ong.

Sở TN&MT Hà Nội đã đưa lộ trình từ nay đến năm 2020 sẽ “xóa sổ” bếp than tổ ong trên địa bàn thành phố Hà Nội. Cụ thể: Năm 2018 sẽ giảm 70% số lượng bếp than tổ ong, năm 2019 thay thế 100% số lượng bếp than tổ ong, năm 2020 duy trì kết quả thay thế 100%.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem