Dẹp bỏ các dự án thủy điện gây hại

Thứ tư, ngày 13/07/2011 16:28 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Phó Vụ trưởng Vụ Năng lượng (Bộ Công Thương) ông Đỗ Đức Quân khi trả lời phỏng vấn phóng viên NTNN xung quanh việc nhiều dự án thủy điện đang lấy đất rừng của vườn quốc gia để triển khai xây dựng đã khẳng định: Những dự án như thế cần dẹp bỏ.
Bình luận 0

Hiện nay có tình trạng nhiều dự án thủy điện được phê duyệt hoặc đang xin “cắt” diện tích rừng của các vườn quốc gia để xây dựng... Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

- Việc kiến nghị lấy đất rừng của vườn quốc gia để đầu tư xây dựng các thủy điện là quyền của các địa phương và chủ đầu tư các dự án thủy điện. Tuy nhiên, vấn đề là các cơ quan quản lý từ T.Ư tới địa phương, các bộ chủ quản và các cơ quan quản lý các vườn quốc gia đó có chấp thuận đề xuất hay không.

img
Hồ Ba Bể có thể sẽ cạn kiệt do xây dựng các công trình thủy điện.

Chủ trương của chúng ta hiện nay là với các dự án thủy điện lớn, đem lại hiệu quả kinh tế thực sự mà xâm chiếm ít diện tích rừng của các vườn quốc gia hay diện tích rừng của các khu vực rừng phòng hộ, các diện tích rừng đầu nguồn quan trọng… thì các cơ quan chức năng của T.Ư và địa phương sẽ phải nghiên cứu, xem xét kỹ rồi kiến nghị Chính phủ để được đầu tư.

Với các dự án thủy điện chỉ cần lấy diện tích rừng đầu nguồn, phòng hộ, khu bảo tồn từ 50ha trở lên thì phải trình Quốc hội. Đấy là với các dự án thủy điện lớn, nhiều khả năng được chấp thuận đầu tư. Còn với các dự án thủy điện nhỏ chắc chắn sẽ bị bác bỏ.

Vậy với Dự án Thủy điện Đồng Nai 6A và Đồng Nai 6 dự kiến lấy tới hơn 370ha diện tích đất rừng, hay việc Dự án Thủy điện sông Năng dự định lấy đất rừng của Vườn quốc gia Ba Bể để triển khai xây dựng thì Bộ Công Thương có ý kiến gì?

- Tôi được biết, Dự án Đồng Nai 6A và Đồng Nai 6 đang xin chủ trương đầu tư và phải chờ kết luận của các cơ quan cấp Nhà nước, Chính phủ. Nhưng Dự án Thủy điện sông Năng thì đã có ý kiến đề nghị bác bỏ.

Quan điểm của Bộ Công Thương là với các dự án thủy điện nhỏ thì không chỉ xâm chiếm đất rừng của vườn quốc gia mà ngay cả ảnh hưởng tới đất canh tác, đời sống của người dân cũng phải bị bác bỏ, không nên khuyến khích đầu tư. Thủy điện sông Năng công suất chỉ có 5 MW theo tôi không đáng để đầu tư nếu xâm phạm vườn quốc gia nghiêm trọng như vậy.

Việc đảm bảo điện cho nền kinh tế cũng như bảo tồn đa dạng sinh học, môi trường tại các vườn quốc gia có thể coi đều là trọng tâm. Nhưng việc các dự án thủy điện, kể cả với các dự án lớn, xâm hại các vườn quốc gia như hiện nay, có được cho là phù hợp và cần thiết không?

- Chính vì thế nên tôi vẫn khẳng định là chúng ta cần có sự nghiên cứu, thẩm định kỹ. Các địa phương cần tính toán cụ thể về vấn đề này khi cấp phép các dự án thủy điện. Trong khâu thẩm định dự án cần đặc biệt lưu ý tới việc bảo đảm về môi trường, tránh việc tàn phá rừng. Các cơ quan chịu trách nhiệm về rừng cũng cần phải có ý kiến để các dự án thủy điện nếu được đầu tư cũng phải đảm bảo tính phù hợp, hiệu quả.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Văn Du: Chúng tôi sẽ xem xét các phản ánh

Ngày 12.7, trao đổi với NTNN, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Văn Du, phụ trách mảng công nghiệp cho biết: Hiện ông đã nghe báo cáo về các thông tin NTNN phản ánh về Thủy điện Tà Làng và Thủy điện sông Năng nằm trong và quanh khu vực Vườn quốc gia Ba Bể. Ông Du cho biết sẽ nghiên cứu những ý kiến phản ánh của báo, của các nhà khoa học về Vườn quốc gia Ba Bể.

Tại sao vẫn xảy ra tình trạng nhiều dự án thủy điện khi báo cáo về những tác động tới môi trường hay lấy đất rừng đều không kỹ càng, mục tiêu có phải là chỉ nhăm nhăm triển khai dự án cho được, bỏ qua các lợi ích quốc gia khác?

- Có thể là trong các quy hoạch ban đầu không rõ được vấn đề này, chưa tính được việc xâm phạm vào vườn quốc gia của các dự án thủy điện. Có những dự án, các địa phương cho là chỉ “chớm vào” vườn quốc gia nên vẫn cấp phép đầu tư.

Nhiều địa phương có thực trạng là chạy theo lợi ích nào đó nên vẫn cấp phép đầu tư các dự án. Đương nhiên các chủ dự án cũng chỉ tính đến lợi ích của dự án mình đang triển khai nên xin đầu tư bằng được...

Trách nhiệm về các dự án thủy điện này, trước hết thuộc các chủ đầu tư, các địa phương, còn Bộ Công Thương?

- Bộ Công Thương đã nhiều lần yêu cầu các địa phương là với các dự án thủy điện chiếm nhiều diện tích rừng phải hết sức tránh; các dự án ảnh hưởng tới môi trường, đến sản xuất và đời sống của người dân các địa phương cũng không được cấp phép đầu tư. Nhưng nhiều khi các tỉnh quá dễ dãi trong việc cấp phép các dự án này. Họ phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem