Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018 của Tổng Công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, HoSE: SAB), sẽ chính thức diễn ra vào ngày mai 23.4.
Khác với những năm trước, câu chuyện giành “ghế nóng” năm nay tại Sabeco có thể sẽ không “căng” bằng chuyện khoản tiền tạm ứng gần 2.500 tỷ đồng mà doanh nghiệp này nộp vào ngân sách liên quan đến khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối còn lại từ năm 2016 trở về trước.
Sabeco đồng ý tạm nộp
Kiểm toán Nhà nước mới đây đã công bố kết luận và đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Tài chính đốc thúc Sabeco nộp lợi nhuận sau thuế còn lại chưa phân phối từ năm 2016 trở về trước (khoảng 2.900 tỷ đồng). Trong đó, cổ đông nhà nước chiếm 89,59% vốn điều lệ, tương ứng được chia số tiền 2.495 tỷ đồng. Trước đề nghị này của kiểm toán Nhà nước, Bộ Công thương đã chỉ đạo Sabeco khẩn trương thực hiện các nội dung liên quan đến các kết luận mà kiểm toán Nhà nước đưa ra.
Do đó, Sabeco đã có văn bản gửi Cục thuế TP.HCM và đề nghị đơn vị này hướng dẫn Sabeco cách thức thực hiện việc tạm nộp thuế này, tương ứng với số tiền 2.495 tỷ đồng.
Trước phương án “tạm nộp” 2.495 tỷ đồng này của Sabeco, Hiệp hội Các nhà Đầu tư Tài chính Việt Nam (VAFI) đã chính thức lên tiếng về vụ việc. Theo VAFI, chiếu theo điều 132, 135, 136,149 của Luật Doanh nghiệp 2014, HĐQT doanh nghiệp chỉ có thẩm quyền đề nghị trước ĐHCĐ về mức chi trả cổ tức (lợi nhuận sau thuế để chia cho các cổ đông), chứ không có quyền quyết định thanh toán cổ tức cho cổ đông nào, kể cả cổ đông Nhà nước, mà không cần có Nghị quyết ĐHCĐ.
“Tại Sabeco, Bộ Công Thương cũng chỉ là một cổ đông, kể cả trong trường hơp Bộ Công Thương nắm giữ 89,59% vốn điều lệ doanh nghiệp thì cũng không thể chỉ đạo Sabeco tạm nộp 2.495 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước, mà không có Nghị quyết ĐHCĐ. Huống hồ gì thời điểm hiện tại, Bộ Công Thương chỉ còn nắm giữ 36% vốn Sabeco. Tỷ lệ này không thể biểu quyết mọi vấn đề mà Bộ Công Thương mong muốn tại đại hội”, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch VAFI, khẳng định.
Trong khi đó, theo các chuyên gia kinh tế, quy định của Luật Doanh nghiệp 2014 đã quy định rõ, việc phân phối lợi nhuận thuộc quyền của ĐHCĐ và điều lệ công ty, cũng như chỉ có ĐHCĐ mới có thẩm quyền quyết định mức cổ tức hàng năm của công ty cổ phần. Trong trường hợp Sabeco, nếu không có khoản lợi nhuận chưa phân phối từ năm 2016 trở về trước lên tới hơn 2.790 tỷ đồng đó, liệu Sabeco có được định giá cao ngất ngưởng khi bán cổ phần vừa qua không? Chưa kể, trong công bố thông tin khi giảm sở hữu nhà nước tại Sabeco về mức 36% vốn điều lệ, đại diện phần vốn Nhà nước cũng cam kết không có phát sinh gì về nghĩa vụ tài chính của Sabeco ngoại trừ câu chuyện thuế tiêu thụ đặc biệt.
“2.500 tỷ đồng là một con số rất lớn, nếu Nhà nước quyết định truy thu thì cần phải xem xét tính chuẩn mực về kế toán, tính pháp lý và cả những cam kết khi Nhà nước chào bán cổ phiếu Sabeco. Nếu không có thể sẽ tạo tiền lệ xấu khi thoái vốn doanh nghiệp nhà nước trong mắt nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài”, một chuyên gia kinh tế, nhận định.
Sẽ có phản ứng từ Thaibev?
Theo báo cáo về tỷ lệ chi phối vốn tại Sabeco thời điểm hiện tại, Công ty TNHH Vietnam Beverage (công ty của tỷ phú người Thái Charoen Sirivadhanabhakdi) đang nắm giữ 53,59% vốn. Để thực hiện vụ thâu tóm Sabeco, ThaiBev đã phải thực hiện 6 khoản vay với tổng số tiền lên tới gần 5 tỷ USD (khoảng 110 nghìn tỷ đồng). Nó khiến hệ số đòn bẩy của ThaiBev tăng mạnh.
Mặc dù vậy, thương vụ này được đánh giá là tốt đẹp cho cả 2 bên.
Tuy nhiên, có lẽ ThaiBev cũng không ngờ được rằng khoản lợi nhuận chưa phân phối từ năm 2016 trở về trước lên tới hơn 2.790 tỷ đồng của Sabeco trong sổ sách lại liên quan đến khoản khoản thuế tiêu thụ đặc biệt của Sabeco. Nếu tại ĐHCĐ ngày mai 23.4, Thaibev không có ý kiến gì trong việc thanh toán này thì khi cổ đông Nhà nước nhận cổ tức 2.495 tỷ đồng, tương ứng 89,59% vốn nắm giữ, đồng nghĩa với ThaiBev không có cổ tức.
Trong trường hợp ThaiBev không đồng ý chia khoản lợi nhuận hơn 2.700 tỷ đồng này, với lý do dành tiền cho mở rộng sản xuất thì sao? Nên nhớ, yêu cầu này hoàn toàn phù hợp với Luật Doanh nghiệp 2014 và cả điều lệ của Sabeco. Khi đó, khoản tạm ứng 2.495 tỷ đồng vào ngân sách sẽ phải giải quyết ra sao?
Chỉ cần làm một tính toán nho nhỏ, khoản tạm nộp ngân sách 2.495 tỷ đồng này, chỉ cần gửi vào ngân hàng thương mại Nhà nước (chưa tính đến các Ngân hàng TMCP khác) ở kỳ hạn 6 tháng với lãi suất 5,3%/năm, thì mỗi ngày Sabeco nhận được 344 triệu đồng tiền lãi. Nếu Bộ Công Thương và Sabeco quyết định nộp 2.495 tỷ vào ngân sách thì họ sẽ phải bồi hoàn cho công ty 344 triệu đồng/ngày nhân với số ngày mà khoản tiền 2.495 tỷ đồng bị lưu lại tại Kho bạc Nhà nước thì số tiền sẽ cực kỳ... “khủng”.
Có thể, ĐHCĐ thường niên 2018 của Sabeco sẽ nóng câu chuyện khoản tiền gần 2.500 tỷ đồng hơn là câu chuyện giành “ghế nóng” như những năm trước.
Theo kết quả kiểm toán, lợi nhuận sau phân phối tại ngày 31.12.2016 của Sabeco là hơn 2.800 tỷ đồng. Công ty mẹ đã phân phối tiếp gần 76 tỷ đồng lợi nhuận của năm 2016 vào quý 1/2017. Lợi nhuận còn lại của Sabeco các năm từ 2016 trở về trước hơn 2.700 tỷ đồng.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.