Đi tìm những “làng quê đáng sống”: Chuyện những người ra đi rồi trở về làm giàu cho quê hương (Bài 3)

Thu Hà- Minh Huệ Thứ tư, ngày 31/07/2024 06:00 AM (GMT+7)
Trước kia, nhiều người dân nông thôn vốn tầm nhìn không quá lũy tre làng, nhờ đi ra ngoài làm ăn, tích lũy kinh nghiệm, họ trở về quê hương và có những tác động góp phần thay đổi ngược lại tư duy, cách làm ăn, ứng xử ở quê, góp phần cho đời sống, bộ mặt làng quê ngày càng tươi đẹp hơn.
Bình luận 0

Họ đã từng là những người rời quê mang theo ước mơ đổi đời, làm giàu ở vùng đất mới, có người thành công, có người chưa được như mong ước, nhưng sau cùng họ vẫn quyết định trở về quê hương. Khi ra đi mỗi người một mục tiêu, một khát vọng khác nhau, nhưng khi trở về họ đều chung một mong muốn: góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp hơn. Họ chính là những "viên gạch" vững chắc trong hành trình tạo dựng nên những làng quê đáng sống. 

Clip: Làng quê đáng sống ở Ninh Bình. Thực hiện: Nguyễn Chương- Minh Huệ

Tỷ phú nông dân làm trà thảo dược, tạo việc làm cho 60 lao động địa phương 

Đều đặn 10 năm nay, mặc nắng mưa gió rét, cứ đúng 6h30 sáng bà Vũ Thị Hải (60 tuổi) ở xóm 3, xã Quỳnh Hoa (Quỳnh Phụ - Thái Bình) ra khỏi nhà. Nơi bà làm việc là Công ty An Thái Hưng ở cụm công nghiệp Quỳnh Giao. Làm việc cả ngày ở đó, tới 5h chiều bà lại từ công ty trở về nhà. 

Đi tìm những “làng quê đáng sống”: Chuyện những người ra đi rồi trở về làm giàu cho quê hương (Bài 3) - Ảnh 1.

Công nhân làm việc tại Công ty An Thái Hưng ở huyện Quỳnh Phụ Thái Bình. Ảnh: N.V

Bà Hải bảo: "Quãng đường từ nhà tới công ty có hơn 4km, đường làng thông thoáng, đi xe đạp điện chỉ 15-20 phút là đến nơi, song tôi cũng lớn tuổi rồi nên cứ thong thả mà đi". Công việc của bà Hải ở An Thái Hưng là làm công nhân đóng gói, công việc này khá nhàn và vừa sức với bà. Làm công nhân cho công ty từ thứ 2 đến thứ 7, chủ nhật bà nghỉ ở nhà chăm sóc vườn tược, nhà cửa, gieo thêm luống rau hay chăm sóc đàn gà.

"Làm công nhân gần nhà cũng tiện lắm, sáng đi chiều về nên việc nhà việc cửa tôi vẫn chăm lo, quán xuyến được. Đi làm đều đặn, cuối tháng lại có lương" - bà Hải phấn khởi khoe.

Chồng bà Hải là ông Vũ Ngọc Chiến trước đây đi làm thợ mộc, thợ xây, song 7 năm nay, ông Chiến cũng theo vợ đi làm công ty. Hai ông bà đều làm ở Công ty An Thái Hưng. Ông Chiến làm bảo vệ, bà Hải làm công nhân. "Mỗi tháng ăn rồi, tiêu rồi cũng để ra được chục triệu cô ạ. Tính ra thu nhập cao hơn so với làm ruộng nhiều"- bà Hải kể.

"Cũng may có thằng cháu nó về quê lập nghiệp rồi tạo công ăn việc làm cho bao nhiêu bà con ở quê hương" - bà Hải nói thêm.

"Thằng cháu" mà bà Hải nói chính là anh Lê Ngọc Huê – Tổng Giám đốc Công ty An Thái Hưng ở huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình.

Năm 2012, khi đang làm quản lý của 3 xưởng cơ khí ở TP. HCM với mức lương khá cao, anh Lê Ngọc Huê lại quyết định nghỉ việc trở về quê tại xã Quỳnh Hoa, huyện Quỳnh Phụ khởi nghiệp với cây dược liệu. Quyết định này của anh đã gặp phải sự phản đối gay gắt của gia đình, người thân. Không ai tin anh có thể làm giàu trên những cánh đồng trồng lúa mà nói như bà con quê anh là "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời còn chưa đủ ăn nữa là mơ mộng làm giàu".

Đi tìm những “làng quê đáng sống”: Chuyện những người ra đi rồi trở về làm giàu cho quê hương (Bài 3) - Ảnh 3.

Anh Lê Ngọc Huê - Tổng Giám đốc Công ty An Thái Hưng giới thiệu vùng nguyên liệu dược liệu của công ty. Ảnh: Thu Hà

Nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp, anh Huê chia sẻ với PV Dân Việt: "Năm 2012, tôi trở về quê huy động vốn, vận động người dân trong xã cho thuê lại diện tích đất nông nghiệp tại bãi đê ven sông Luộc với diện tích trên 7ha trồng cây dược liệu với khát vọng nâng tầm "Trà Việt". Sau 3 vụ đầu trồng dược liệu vừa làm vừa đúc rút kinh nghiệm, đến vụ thứ 4 tôi mở rộng diện tích trồng dược liệu lên 15ha. Sản phẩm trồng ra đến đâu thương lái tìm đến thu mua hết đến đó".

Có đà phát triển, năm 2013, anh Huê thành lập công ty, vay vốn mua máy móc thiết bị, công nghệ sản xuất trà và mở rộng vùng nguyên liệu sản xuất.

Sau hơn 10 năm phát triển, công ty của anh Huê có vùng nguyên liệu với diện tích 100ha, trong đó riêng diện tích trồng cây dược liệu tại xã Quỳnh Hoa đã lên đến gần 20ha. Những chân ruộng chua, trũng, không thể trồng lúa hoặc các loại rau màu nhờ có anh Huê cải tạo, được phủ xanh bằng hàng chục loại cây dược liệu và các loại cây ăn quả ngắn ngày như chuối, đu đủ... để tăng giá trị canh tác.

"Công ty hiện có tới 400 sản phẩm, thuộc 5 nhóm chính bao gồm: tinh dầu; cà phê, bột hòa tan; sản phẩm về hóa - mỹ phẩm; thảo dược chăm sóc sức khỏe cho gia đình; đặc biệt là nhóm trà thảo dược. Nhiều loại trà thảo dược được khách hàng rất ưa chuộng, các sản phẩm trà túi lọc đinh lăng, trà túi lọc thìa canh, trà túi lọc cà gai leo đạt OCOP 4 sao cấp tỉnh. Cùng với sản xuất chế biến, An Thái Hưng cũng là đơn vị gia công trà thảo dược cho 85 thương hiệu. Hiện, An Thái Hưng tạo việc làm cho 60 lao động địa phương với mức lương 5-7 triệu đồng/người/tháng"- anh Huê nói.

Chuyện những người trẻ đi xa để trở về xây dựng, phát triển quê hương như anh Huê trên địa bàn tỉnh Thái Bình không hiếm. Ông Lê Hồng Sơn - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thái Bình cho biết: Những năm gần đây, số lượng tỷ phú nông dân của tỉnh Thái Bình ngày càng xuất hiện nhiều. Trong số đó có rất nhiều hội viên nông dân trẻ họ lựa chọn mảnh đất quê hương để khởi nghiệp, làm giàu, trở thành những tấm gương sáng lan tỏa phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững do Hội Nông dân phát động.

"Từ những tỷ phú nông dân, triệu phú nông dân đã từng ngày làm cho đời sống nông thôn Thái Bình giàu có, trù phú hơn. Chính họ đã và đang cày xới, vun đắp, tạo dựng nên những cánh đồng dược liệu, rau quả tốt tươi, trang trại chăn nuôi quy mô lớn" - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thái Bình nói.

Ông chủ chuỗi nhà hàng về quê làm ruốc cá

Khi chúng tôi liên lạc với lãnh đạo huyện Hoa Lư (Ninh Bình) nhờ giới thiệu cho mô hình khởi nghiệp hiệu quả tại quê hương, ông Nguyễn Quốc Hưng – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện nhắc ngay tới anh Ngô Đức Tâm, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại chế biến thực phẩm Dòng Sông Xanh, chủ cơ sở sản xuất ruốc cá đặc sản ở thôn Yên Trạch, xã Trường Yên. 

Đi tìm những “làng quê đáng sống”: Chuyện những người ra đi rồi trở về làm giàu cho quê hương (Bài 3) - Ảnh 5.

Trên tay anh Ngô Đức Tâm là một con cá rô Tổng Trường vừa hấp xong, chuẩn bị tách xương để làm ruốc cá. Ảnh: Nguyễn Chương

Hôm đó trời mưa lớn, mới đến đầu ngõ, chúng tôi đã ngửi thấy mùi thơm lừng đặc trưng của ruốc cá vừa rang xong. Anh Tâm tiếp chúng tôi bên bàn nước ở hiên nhà, phía trong là khu vực để hàng nghìn hộp ruốc cá đang chờ vận chuyển cho khách. Trong tiếng mưa rơi tí tách, anh Tâm kể, tốt nghiệp phổ thông, anh học ngành du lịch. Lúc đó, du lịch Ninh Bình còn rất nghèo nàn, chỉ có đền Hoa Lư, danh thắng Tam Cốc, khách sạn Hoa Lư thì đang xây. Anh Tâm xin vào làm việc tại Sở Du lịch, nhưng khi nghe mức lương 240.000 đồng/tháng, anh nghĩ thế này thì không sống được nên quyết định bắt xe vào TP.HCM tìm việc.

Nhưng ở TP.HCM thì tấm bằng nghề du lịch của anh không tìm được công việc phù hợp nên anh quay sang đi làm công nhân. Vất vưởng 5 năm, anh tình cờ gặp và trò chuyện với ông Phú Dê – một ông chủ nhà hàng thịt dê Ninh Bình nổi tiếng. Sau đó anh quyết định mở nhà hàng thịt dê, không ngờ món này phát triển rất nhanh. "Gặp thời nên tôi đã phát triển được 4 nhà hàng, cùng lúc đó mở thêm một nhà sàn quán tại quê, có thể nói là thu nhập vạn người mơ", anh Tâm nhớ lại.

Đi tìm những “làng quê đáng sống”: Chuyện những người ra đi rồi trở về làm giàu cho quê hương (Bài 3) - Ảnh 6.

Anh Ngô Đức Tâm, sinh năm 1974, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại chế biến thực phẩm Dòng Sông Xanh, chủ cơ sở sản xuất ruốc cá đặc sản đạt 4 sao OCOP. Ảnh: Nguyễn Chương

Đang yên lành thì dịch Covid-19 ập đến. Thành phố "đóng cửa", nhà hàng cũng đóng băng, anh Tâm về quê trách dịch. Không ngờ, việc bị mắc kẹt ở quê vì dịch lại mở ra cho anh và gia đình một cơ hội mới.

Anh Tâm kể: "Lúc đó mẹ tôi ốm, sáng sáng tôi đi chợ mua đồ ăn, thấy cá trắm, cá chép rẻ bèo, chỉ 20.000 - 30.000 đồng/kg, tôi bèn mua về làm ruốc cá. Mẹ tôi thích ăn lắm, rồi gửi cho anh em trong Sài Gòn ăn ai cũng thích. Trong lúc đó, tôi phát hiện ra ở quê có loài cá rô Tổng Trường, là cá đặc sản trước kia thường cung tiến vua chúa nên người ta gọi là cá rô tiến vua. Điều đặc biệt, cá nuôi ở Hoa Lư không có lồng bè, không nuôi cám công nghiệp, chỉ nuôi bằng nguồn nước tự nhiên trong ao đầm nên cá rất thơm ngon, dai, ngọt, ấy vậy mà lâu nay người dân chỉ biết nuôi rồi quanh năm tiêu thụ ở chợ quê".

Đi tìm những “làng quê đáng sống”: Chuyện những người ra đi rồi trở về làm giàu cho quê hương (Bài 3) - Ảnh 7.

Bà Phạm Thị Khuyên, 50 tuổi ở thôn Nhân Lý (xã Ninh Mỹ, huyện Hoa Lư) cho biết: Cơ sở sản xuất ruốc cá của anh Tâm đang tạo công ăn việc làm cho nhiều phụ nữ lớn tuổi. Nhà tôi cách cơ sở gần 5km, được anh Tâm "bao" ăn trưa, trả công 200.000 đồng/8 tiếng. Ảnh: Nguyễn Chương

"Tìm hiểu ra thì tôi thấy, hóa ra do cá quê mình chỉ loanh quanh mấy món kho, rán, nấu canh nên không thể mang đi đâu xa được. Mà ăn tại chỗ thì không giàu được. Từ đó tôi có ý tưởng nghiên cứu, sản xuất ruốc cá nhiều hơn để phục vụ bà con trong bối cảnh dịch Covid" - anh Tâm nói.

Nhưng khi ra thị trường thì sản phẩm buộc phải tuân thủ các điều kiện theo quy định như đăng kí chất lượng, đóng gói bao bì, nhãn mác, quan trọng nhất là có nguyên liệu đạt chuẩn và phương pháp bảo quản tốt để có thể xuất khẩu, vì thế anh Tâm đang liên kết với các hộ nông dân trên địa bàn huyện nuôi cá theo phương pháp tự nhiên.

Đi tìm những “làng quê đáng sống”: Chuyện những người ra đi rồi trở về làm giàu cho quê hương (Bài 3) - Ảnh 8.

Công việc làm ruốc cá không cực nhọc nhưng đòi hỏi tỉ mẩn, cẩn thận vì cá rô có nhiều xương. Ảnh: Nguyễn Chương

Hiện, mỗi ngày anh Tâm thu mua từ 70-80kg cá rô tươi, ngoài ra còn thu mua hàng tạ cá trắm đen, trắm cỏ, cá chép từ người dân trong xã để làm ruốc. Sản lượng tiêu thụ bình quân mỗi ngày 10kg ruốc cá các loại, doanh thu đạt từ 300-400 triệu đồng/tháng, tạo việc làm ổn định cho 10 lao động.

Khi chúng tôi hỏi anh Tâm có muốn quay lại TP.HCM làm ăn hay không, anh nói: "20 năm trước, tôi về quê thuê người vào TP.HCM làm nghề đầu bếp rất dễ, nhưng 10 năm trở lại đây thuê người đi làm ăn xa rất khó. Chúng ta đang sống trong thế giới phẳng, chỉ có người lười mới không kiếm ra tiền. Ninh Bình là nơi có truyền thống văn hóa, nhiều di tích, thắng cảnh nổi tiếng, có rất nhiều cơ hội kiếm ra tiền, cạnh tranh tốt so với Hà Nội, TP.HCM. Ở các thành phố lớn, 2 vợ chồng trẻ với 2 đứa con sống rất khó khăn, trong khi ở quê vừa có nhà, có bố mẹ, rau cá quanh nhà rất sẵn... Đó là suy nghĩ, là câu hỏi tôi đặt ra khi về quê".

Đi tìm những “làng quê đáng sống”: Chuyện những người ra đi rồi trở về làm giàu cho quê hương (Bài 3) - Ảnh 9.

Thịt cá rô, cá trắm sau khi tách hết xương sẽ được rang khô, vàng ươm. Ngoài sản phẩm ruốc cá các loại, anh Ngô Đức Tâm còn bán thịt cá rô rút xương hút chân không, cá rô ủ muối... Ảnh: Nguyễn Chương

Theo anh Tâm, với các bạn trẻ, có thể cứ đi ra ngoài để học hỏi kinh nghiệm, vốn sống, cũng có người may mắn chọn được hướng đi tốt ở thành phố lớn, nhưng làm nông nghiệp ở quê hương hiện nay rất thuận lợi do đất đai rộng, hệ thống thuỷ lợi được đầu tư bài bản, máy móc hỗ trợ từ A-Z. 

Thêm vào đó, ngành dịch vụ, du lịch ở Ninh Bình đang phát triển rất mạnh, hoàn toàn có thể kết hợp nông nghiệp và du lịch để biến ngôi nhà, thôn xóm của mình thành nơi đẻ ra tiền.

Ngồi kế bên chúng tôi, anh Trần Quốc Trưởng - Phó Chủ tịch UBND xã Trường Yên cho biết: Cơ sở sản xuất của anh Tâm là một trong những mô hình điển hình, vừa phát triển kinh tế hiệu quả vừa tạo việc làm cho nhiều lao động nông nhàn. Việc thu mua cá ở đây đã kích thích nghề chăn nuôi cá của xã phát triển, nhất là vực dậy giống cá rô tiến vua đặc sản. Cụ thể, trên địa bàn xã đã phát triển được 68ha cá - lúa tại HTX Chi Phong, cho hiệu quả kinh tế cao gấp đôi so với chỉ cấy 2 vụ lúa.

Hiện toàn xã chỉ còn khoảng 13% số hộ làm nông nghiệp, nhưng họ không sống bằng nghề nông. Sáng sớm ra đồng, mặt trời lên cao là họ đi lái đò, bán hàng cho khách du lịch... Trường Yên là vùng lõi của di tích Tràng An nên riêng địa bàn xã đã có 700-800 lái đò, trên 2.000 người phục vụ tại các khu di tích, chùa Bái Đính... Những lao động này đều được Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường đào tạo tại chỗ một khóa sơ cấp về du lịch và tiếng Anh.

Đi tìm những “làng quê đáng sống”: Chuyện những người ra đi rồi trở về làm giàu cho quê hương (Bài 3) - Ảnh 10.

Anh Ngô Đức Tâm chia sẻ về đặc điểm của ruốc cá rô tươi với anh Trần Quốc Trưởng - Phó Chủ tịch UBND xã Trường Yên. Ảnh: Nguyễn Chương

"Toàn bộ sản phẩm nông nghiệp làm ra cũng chủ yếu phục vụ tại chỗ, đáp ứng nhu cầu khách du lịch thập phương. Kể cả những hộ còn làm ruộng, họ cũng nhàn lắm. Thuê máy cấy mạ khay hết 300.000 - 320.000 đồng/sào, khoán xong bà con chỉ cần ra nhận ruộng thôi. Với chủ trương đưa dịch vụ du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, chúng tôi vừa khuyến khích, tạo điều kiện cho bà con chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cây trồng - vật nuôi, song cũng chú trọng tuyên truyền người dân nâng cao nhận thức, bảo tồn và phát huy giá trị di sản trên địa bàn, để làm sao các thế hệ trẻ không còn phải vất vả như anh Tâm 20 năm trước phải tha hương cầu thực", anh Trưởng nói.

Chúng tôi khá ngạc nhiên khi được biết, anh Trần Quốc Trưởng từng học nghề đường sắt và có thời gian lặn lội lên Văn Bàn, Lào Cai làm công nhân phá núi, mở đường. 

"Tôi thấy cuộc sống cứ bấp bênh nay đây mai đó nên quyết định về quê xin tham gia công tác Đoàn, sau đó được bầu vào Ban chấp hành Đoàn xã. Tích cực đóng góp cho quê hương nên tôi được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch xã. Cũng như tôi, nhiều người trước kia vào miền Nam làm ăn nay đang quay về Trường Yên mở dịch vụ nhà hàng, homestay rất hiệu quả", anh Trưởng tâm sự thêm.

Đi tìm những “làng quê đáng sống”: Chuyện những người ra đi rồi trở về làm giàu cho quê hương (Bài 3)- Ảnh 11.

Những cánh đồng trồng sen kết hợp nuôi cá ở Hoa Lư thường xuyên thu hút du khách tới tham quan, chụp ảnh.

Đặc biệt, từ chủ trương khuyến khích chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, từ những câu chuyện làm giàu như anh Tâm, ở xã Trường Yên ngày càng xuất hiện nhiều tỷ phú, như mô hình trồng lúa chất lượng cao, lúa sạch ở HTX Ninh Hoa, HTX Ninh Thành luôn được tiêu thụ với giá tốt. Hay khi địa phương dồn điền đổi thửa, một số hộ như anh Dũng, anh Tuyến đã mạnh dạn thuê lại hàng chục hecta để cấy lúa diện tích lớn, áp dụng máy móc 100%.

Mô hình của anh Nguyễn Trí Thân, một đảng viên sinh năm 1980 cũng rất đáng học hỏi. Sau khi thực hiện nghĩa vụ quân sự, anh Thân về ở lại quê hương tham gia nhiều hoạt động như làm Bí thư Chi đoàn, sản xuất gấu bông bán cho du khách ở khu du lịch tâm linh chùa Bái Đính; đấu thầu ao đầm nuôi cá rô và chế biến cá rô thành nhiều món có thể mang đi xa như nướng, ủ trấu, rang muối, cá rô kho tộ... Trong ao, anh Thân còn tận dụng trồng sen, trồng súng nhằm thu hút khách đến chụp ảnh, tham quan.

Đi tìm những “làng quê đáng sống”: Chuyện những người ra đi rồi trở về làm giàu cho quê hương (Bài 3)- Ảnh 12.

Toàn cảnh xã Trường Yên, huyện Hoa Lư (Ninh Bình) nhìn từ trên cao. Ảnh: xatruongyen

"Người dân Trường Yên còn mày mò trồng một số loại cây mới, điển hình là cỏ ngọt hướng hữu cơ, quy mô khoảng 2,5 ha tại cánh đồng Ninh Đồng thuộc HTX Nông nghiệp Thắng Thành. Cứ khoảng 45-50 ngày, cỏ ngọt cho thu hoạch một lần, với diện tích 2,5 ha, mỗi lần thu hoạch được hơn 2 tấn cỏ ngọt khô, lợi nhuận thu về khoảng 60 triệu đồng/lứa, hiệu quả lớn hơn trồng lúa rất nhiều. Hiện nay, HTX còn chế biến thành sản phẩm trà cỏ ngọt, giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần so với bán cỏ ngọt tươi" - anh Trần Quốc Trưởng tự hào cho biết thêm. 

Năm 2021, xã Trường Yên (huyện Hoa Lư, Ninh Bình) đã đạt tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu; đến nay có 13/16 khu dân cư đạt tiêu chí khu dân cư kiểu mẫu. Tỷ trọng ngành dịch vụ, du lịch của xã chiếm tới 87%, chỉ còn 13% số hộ làm nông nghiệp. Xã đang phấn đấu cuối năm nay, thu nhập bình quân của người dân đạt 80 triệu đồng/người, đến cuối năm 2025 là 90 triệu đồng/người/năm.

(còn nữa)

Đi tìm những “làng quê đáng sống”: Chuyện những người ra đi rồi trở về làm giàu cho quê hương (Bài 3)- Ảnh 13.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem